Theo Tổ chức lao động quốc tế (ILO), mức tăng lương tối thiểu quá nhanh sẽ tạo ra những quan ngại về sự "xói mòn" trong khả năng cạnh tranh của ngành xuất khẩu Việt Nam.
Chiều ngày 9/7, Hội đồng tiền lương Quốc gia đã họp phiên đầu tiên trong mùa đàm phán mức lương tối thiểu năm 2019.
Chia sẻ với DĐDN, đại diện Tổ chức lao động quốc tế (ILO) nhận định, khi điều chỉnh lương tối thiểu, cần nhìn vào nhiều tác động khác nhau mà sự thay đổi này có thể dẫn tới ở các ngành khác nhau, các doanh nghiệp có năng suất thấp cũng như cao và toàn bộ nền kinh tế.
Cụ thể, theo phân tích của ILO, tiền lương tối thiểu đã tăng khá nhanh trong giai đoạn 2013-2016 (khoảng 13-15%) trước khi giảm xuống còn 7% (2017) và 6,5% (2018).
Mặc dù mức tăng lương tối thiểu trong giai đoạn 2013-2016 được xem là để bù mức lương tối thiểu rất thấp năm 2012, nhưng "mức tăng lương tối thiểu quá nhanh cũng tạo ra những quan ngại về sự xói mòn trong khả năng cạnh tranh của ngành xuất khẩu Việt Nam, đặc biệt là giữa người sử dụng lao động có mức lương thấp và ngành công nghiệp xuất khẩu thâm dụng lao động như dệt may, da giày và các ngành khác”, IlO cho biết.
Cùng với đó, lương tối thiểu có thể có tác động khác nhau lên các nhóm người sử dụng lao động và người lao động khác nhau.
“Đặc biệt, các doanh nghiệp ở đáy của chuỗi cung ứng toàn cầu có thể cảm thấy lợi thế cạnh tranh về giá của họ phải chịu nhiều sức ép vì lương và mức lương tối thiểu liên tục tăng trong những năm gần đây”, đại diện ILO lưu ý.
Trong khi đó, trong gần một thập kỷ qua, giá gia công (hay còn gọi là giá CMT – gồm cắt, may, ủi) cho một chiếc áo sơ mi hoặc quần jeans mà các nhà cung cấp của Việt Nam nhận được từ các công ty đa quốc gia vẫn hầu như không thay đổi, thậm chí còn thấp hơn trong một số trường hợp.
Vì thế, đại diện ILO cho biết các công ty đa quốc gia cần phải đối thoại với các nhà cung cấp của Việt Nam và công đoàn để đảm bảo sự phân chia công bằng của các thành quả kinh tế và trách nhiệm xã hội. Chúng ta đều biết nhiều nhãn hàng và công ty đa quốc gia đã công bố các cam kết, thông qua các chương trình CSR (trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp), nhằm đảm bảo tuân thủ đầy đủ mức lương tối thiểu quốc gia, và tôn trọng nguyên tắc tự do liên kết và thương lượng tập thể.
Đặc biệt, đại diện ILO cũng cho biết cần hướng tới tính lương tối thiểu theo giờ. Lấy ví dụ tại nhiều quốc gia bao gồm cả Trung Quốc và Hàn Quốc, khi mức lương tối thiểu mới được quyết định, mức lương này được thể hiện cả theo giờ và theo tháng.
Có thể bạn quan tâm
15:44, 09/07/2018
14:20, 09/07/2018
“Hiện nay, Hội đồng Tiền lương Quốc gia của Việt Nam mới chỉ quyết định mức lượng tối thiểu theo tháng. Cần nghiêm túc xem xét việc điều chỉnh mức lương tối thiểu theo giờ bằng cách chia mức lương tối thiểu theo tháng cho số giờ làm việc thông thường hợp pháp trong một tháng. Xét đến các hình thức làm việc đa dạng, bao gồm công việc bán thời gian và công việc trong khu vực kinh tế phi chính thức, mức lương lương tối thiểu theo giờ sẽ giúp việc thực thi lương tối thiểu rõ ràng hơn”, đại diện ILO lưu ý.
Cũng theo ILO, trong các nền kinh tế thị trường, cần lưu ý rằng điều chỉnh lương cần được thực hiện thông qua đàm phán tự nguyện giữa người lao động và người sử dụng lao động, đặc biệt là thương lượng tập thể giữa các tổ chức đại diện của người lao động và người sử dụng lao động.
Chính phủ tránh can thiệp trực tiếp vào việc điều chỉnh lương trong các doanh nghiệp tư nhân. Ở rất nhiều nền kinh tế thị trường tiên tiến, phần đa tiền lương của người lao động được điều chỉnh bằng các thỏa ước tập thể, được đàm phán thông qua thương lượng tập thể. Bởi thương lượng tập thể mang lại một công cụ linh hoạt cho người lao động và người sử dụng lao động trong việc quyết định mức lương phù hợp với điều kiện của họ.