Trung Quốc đang xây dựng một trạm ra đa cực mạnh ở Biển Đông được cho là có khả năng làm gián đoạn các hệ thống thông tin liên lạc, can thiệp thời tiết và thậm chí gây ra thiên tai.
Bài phóng sự trên báo South China Morning Post (SCMP) của Hong Kong công bố thông tin Bắc Kinh đã sẵn sàng lắp đặt một cỗ máy ra đa tán xạ khuếch tán cực mạnh tại thành phố Tam Á thuộc cực nam đảo Hải Nam, có phạm vi hoạt động đến tận Singapore cách đó 2.000 km.
Về nguyên tắc, ra đa dùng công nghệ này phát ra chùm năng lượng cực mạnh để khuấy động tầng điện ly. Bằng cách phân tích sóng radio dội ngược lại, các nhà nghiên cứu đo chính xác sự nhiễu động ở tầng điện ly gây ra bởi các tác động vũ trụ, ví dụ như tia mặt trời.
Họ có thể biết được nhiệt độ, mật độ và tốc độ của các hạt hạ nguyên tử từ một khoảng cách rất xa; quan sát và thậm chí tác động trực tiếp đến tầng điện ly - điều mà các ra đa thông thường không thể làm được.
Công nghệ này có những ứng dụng dân sự lẫn quân sự, nhưng nguy hiểm nhất phải kể đến khả năng (trên lý thuyết) can thiệp vào thời tiết, gây ra thiên tai trên diện rộng như bão, động đất, sóng thần… dù điều này vẫn còn gây tranh cãi trong giới khoa học.
Ra đa mạnh nhất Biển Đông
Theo báo SCMP, dự án Tam Á của Trung Quốc một khi hoàn thành sẽ là trạm ra đa mạnh nhất và duy nhất dùng công nghệ này ở khu vực Biển Đông.
Dù chưa ai xác nhận chức năng "vũ khí thời tiết", nhưng cỗ máy này chắc chắn có nhiều ứng dụng quân sự khác, chẳng hạn nâng cao khả năng tác chiến tàu ngầm, phá vỡ hệ thống thông tin liên lạc của các quốc gia khác bằng cách tạo ra một "lỗ đen khí quyển"…
Một trạm ra đa tương tự Tam Á đã hoạt động ở tỉnh Vân Nam thuộc miền nam Trung Quốc từ năm 2012. Theo các tài liệu khoa học của Trung Quốc, trạm này dùng để nghiên cứu tầng điện ly và phát hiện các vật thể cực nhỏ như vệ tinh nano hoặc mảnh vụn của các vật thể không gian dân sự và quân sự.
Một nhà nghiên cứu làm việc cho dự án Tam Á tiết lộ với báo SCMP: "Việc tiến hành kế hoạch đã được chính phủ trung ương thông qua. Công trình sẽ khởi công trước cuối năm nay".
Bản đồ phân bố các cơ sở ra đa dùng công nghệ tán xạ khuếch tán trên thế giới - Nguồn: Wired, SCMP
Đến nay trên thế giới chỉ có khoảng 10 thiết bị ra đa dùng công nghệ này từng được chế tạo, chủ yếu bởi Mỹ, các nước thuộc Liên Xô cũ và Liên minh châu Âu, đặt tại các khu vực ven biển chiến lược quanh Đại Tây Dương, Thái Bình Dương và Bắc Cực.
Hiện tại, Mỹ là nước dẫn đầu trong lĩnh vực khoa học Trung Quốc đang theo đuổi. Mỹ xây dựng một chương trình nghiên cứu và tác động tầng điện ly tương tự gọi là HAARP ở Gakona thuộc bang Alaska cách đây 10 năm.
Mục đích của HAARP được mô tả là nâng cao năng lực hoạt động cho vệ tinh và liên lạc tàu ngầm, nhưng nhiều người tin rằng đây là một loại vũ khí thời tiết.
Nên biết rằng chế tạo một cỗ máy ra đa như vậy vô cùng thách thức về mặt kỹ thuật, chưa kể lượng năng lượng khổng lồ nó tiêu thụ khiến chi phí tăng vọt. Sức mạnh của một chùm năng lượng phát ra tương đương vài trăm megawatt - đủ cho hàng ngàn hộ gia đình ở Mỹ dùng.
Các thiết bị lớn nhất có thể bắn ra sóng năng lượng tầng số cực thấp trên một diện tích rất lớn. Vì chúng có khả năng xuyên qua nước, vỏ Trái đất và hộp sọ của người, một số nhà quan sát lo sợ công nghệ này có thể bị lợi dụng để kích hoạt các trận bão, động đất và thậm chí là điều khiển bộ não.
Tác động lên tầng điện ly để gây bão là một trong những tính năng ghê gớm của vũ khí thời tiết - Ảnh: NASA
Mọi manh mối đều dẫn tới Quân đội Trung Quốc
Tháng 3 vừa qua, ông Li Shushen - phó chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS), đã đến thăm đảo Hải Nam và bày tỏ sự hài lòng với tiến độ dự án. Vị này kêu gọi các nhà khoa học dùng cơ sở mới để phục vụ cho "các nhu cầu chiến lược của Trung Quốc".
Theo báo SCMP, một chuyên gia ra đa cao cấp từng làm việc cho Viện Kỹ thuật viễn thông thuộc Quân Giải phóng nhân nhân Trung Quốc (PLA), xác nhận dự án Hải Nam sẽ hoạt động theo 2 bộ phận riêng biệt, một cho nghiên cứu dân sự và một cho quân sự.
Được biết, công nghệ ra đa được phát triển bởi CAS, tập đoàn nhà nước China Electronics Technology Group và Đại học Nam Xương - tất cả đều có quan hệ gần với PLA.
Có thể bạn quan tâm
14:39, 05/06/2018
11:12, 05/06/2018
14:13, 04/06/2018
14:15, 02/06/2018
Ngoài ra, dự án do giáo sư Wan Weixing, một nhà nghiên cứu tiếng tăm từng tham gia các dự án quốc phòng về tầng điện ly của Trung Quốc, dẫn dắt.
Trong một tài liệu công bố năm 2014, ông Wan có nhắc đến một thí nghiệm do các nhà khoa học Trung Quốc tiến hành, trong đó họ làm nóng một diện tích lớn tầng điện ly bằng sóng ra đa cực mạnh.
Chương trình giả lập trên máy tính gợi ý rằng công nghệ này có thể thay đổi nhiệt độ và mật độ của các hạt tích điện trên một diện tích có kích thước bằng một thành phố lớn.
PLA được biết đã chi nhiều tiền cho các dự án nghiên cứu về vũ khí thời tiết. Chúng bao gồm một thiết bị bay dùng để rải một lượng lớn chất hóa học ở tầng khí quyển cao để tạo nên một "lỗ đen liên lạc" trên đầu các lực lượng kẻ thù.
Ông Zhao Biqiang, nhà nghiên cứu thuộc Viện Địa lý và vật lý địa cầu tại Bắc Kinh, hé lộ thông tin của dự án: "Mục đích chính của chương trình là nghiên cứu tầng điện ly trên Biển Đông. Hiện nay chưa có thiết bị nào như vậy trong khu vực. Dữ liệu thu được từ radar sẽ bổ sung cho những lỗ hổng trong kiến thức của chúng tôi".
"Hiện có nhiều cơ sở tương tự đang được xây dựng ở đại lục với công suất lớn hơn nhiều so với cái chúng tôi đang làm" - ông Zhao bổ sung thêm.