Luật sư Nguyễn Tiến Hòa, Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh: việc Luật hóa quy định quảng cáo trên nền tảng xuyên biên giới góp phần chống thất thu thuế.
LTS: Facebook và Google là 2 công ty có thị phần quảng cáo trực tuyến lớn nhất trên thế giới, hiện diện tại hàng chục quốc gia. Tuy nhiên vấn đề đánh thuế hai công ty này cũng như nền tảng quảng cáo trên các mạng xã hội khác đang gặp nhiều khó khăn mà Việt Nam cũng không ngoại lệ.
- Dưới góc nhìn pháp lý, ông đánh giá như thế nào về hiện trạng này?
Các doanh nghiệp Việt Nam hiện đang có sự dịch chuyển mạnh mẽ nền tảng quảng cáo từ truyền hình, báo điện tử sang các nền tảng mạng xã hội như Google, Facebook... Tuy nhiên, do những quy định không phù hợp và chồng chéo về cơ quan quản lý dẫn tới tình trạng Việt Nam dường như chưa quản lý được các nền tảng quảng cáo xuyên biên giới.
Các đơn vị quảng cáo hiện không tuân thủ nghĩa vụ thông báo với cơ quan chức năng, làm việc trực tiếp với các nền tảng này và đôi khi dẫn tới việc vi phạm pháp luật quảng cáo Việt Nam. Đồng thời, việc các doanh nghiệp như Google và Facebook, đang có doanh thu rất lớn nhưng lại không đóng thuế hoặc đẩy nghĩa vụ thuế sang các đối tác trong nước đã gây bất bình đẳng trong hoạt động kinh doanh.
Thời gian qua, khoản thuế nhà thầu mà cơ quan thuế thu được không phải do các doanh nghiệp nước ngoài như Google và Facebook nộp mà chính doanh nghiệp Việt Nam đóng. Đây là điều rất bất hợp lý.
- Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này, thưa ông?
Nguyên nhân xuất phát từ việc chính sách thuế của chúng ta có nhiều điểm hở. Mặc dù Luật Quảng cáo và Nghị định 181/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo đã có quy định điều chỉnh hoạt động quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam. Tuy nhiên, các quy định này chưa có hướng dẫn cụ thể về trách nhiệm của các bên tham gia cung cấp dịch vụ.
Bên cạnh đó, việc phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về quảng cáo xuyên biên giới chưa rõ ràng, chồng chéo (Bộ TT&TT được phân công quản lý quảng cáo trực tuyến nhưng quản lý quảng cáo xuyên biên giới lại do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) dẫn đến việc xây dựng và thực thi chính sách quản lý về quảng cáo không thống nhất, hiệu quả chưa cao.
- Nhưng thực tế chúng ta không thu được thuế từ các “đại gia toàn cầu” nhưng người dùng Việt muốn quảng cáo trên những nền tảng này lại vẫn phải trả thuế?
Chi tiền quảng cáo cho Facebook, chúng ta mất đi 2 nguồn lực. Thứ nhất, đó là tiền thuế của cá nhân kinh doanh qua mạng xã hội. Nhà nước chỉ thu được thuế những cá nhân bán hàng qua mạng xã hội từ 100 triệu đồng/năm trở lên. Hơn nữa, việc thu thuế kinh doanh qua mạng cũng rất khó khăn vì thiếu bằng chứng, thông tin.
Thứ hai, cá nhân, tổ chức trả tiền quảng cáo cho Facebook thông qua thẻ tín dụng, cơ quan thuế cũng không nắm được.
Như vậy, ngân sách nhà nước mất đi 2 khoản thuế, thuế từ cá nhân kinh doanh trên mạng xã hội và khoản thuế thứ hai là Facebook nhận tiền của cá nhân kinh doanh qua mạng xã hội tại Việt Nam nhưng không bị thuế nhà thầu.
- Bộ TT&TT vừa công bố dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung NĐ số 181/2013/NĐ-CP. Theo ông, các quy định tại dự thảo lần này có hạn chế được tình trạng trên không?
Những quy định tại Dự thảo phần nào sẽ khắc phục được tình trạng trên. Tuy nhiên, theo tôi, dự thảo Nghị định vẫn “hổng” quy định cơ quan quản lý quảng cáo trực tuyến; cơ quan yêu cầu các nền tảng trực tuyến có doanh thu cần báo cáo hàng quý, hàng năm với cơ quan thuế để nộp thuế nhà thầu đúng quy định.
Bên cạnh đó, việc loại bỏ những trang web vi phạm pháp luật, không cho đặt quảng cáo trên những trang web này và những nội dung trái pháp luật cũng nên được quy định rõ ràng.
Cần quy định là nghĩa vụ của các nền tảng trực tuyến và của chính những đơn vị mua quảng cáo, các đơn vị mua quảng cáo khi thấy quảng cáo đặt sai vị trí cần làm việc với các nền tảng để gỡ xuống.
- Xin cảm ơn ông!
Tại Việt Nam, số lượng tài khoản sử dụng Facebook, Google đã đạt hơn 100 triệu, đó là chưa kể đến các tài khoản tiktok, youtobe... Đáng nói, thị trường quảng cáo trên internet của Việt Nam hầu như đang nằm hoàn toàn trong tay các công ty nước ngoài. Mạng xã hội nước ngoài chiếm 95%, các công cụ tìm kiếm 98%; thương mại điện tử 80%.