Căng thẳng chưa hồi kết giữa lực lượng đảo chính ở Niger với khối ECOWAS đang tiềm ẩn một cuộc chiến tranh gây nhiều thương vong tại Châu Phi.
Phản ứng trước vụ đảo chính Niger, Cộng đồng Kinh tế của các Quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đưa ra một tối hậu thư: hoặc phục hồi chức vụ cho Tổng thống Niger Mohamed Bazoum hoặc đối mặt với sự can thiệp quân sự. Thời hạn đã đến nhưng vẫn chưa bên nào chịu bên nào, khiến bóng đen chiến tranh một lần nữa bao phủ châu lục.
Đáng ngạc nhiên, ECOWAS với tư cách là một thực thể kinh tế khu vực lại đe dọa can thiệp vũ trang vào Niger. Được thành lập năm 1975, khối 15 quốc gia được thiết kế để “thúc đẩy hội nhập kinh tế trên toàn khu vực”. Các nguyên tắc của tổ chức này xoay quanh việc thiết lập một đơn vị thương mại duy nhất nhằm thúc đẩy quản trị dân chủ và hợp tác tiểu vùng.
>>Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen đổ vỡ: Ai là “nạn nhân” thực sự?
Không có quy định nào trong sứ mệnh của ECOWAS nói rằng khối này có quyền triển khai quân đội hoặc can thiệp vào một quốc gia khác. Nhưng trên thực tế ECOWAS từng có kinh nghiệm làm điều tương tự, cho rằng bất kỳ mối đe dọa nào đối với một quốc gia thành viên đều được coi là mối đe dọa đối với cộng đồng.
“ECOWAS đã coi sự can thiệp là một phần trong sứ mệnh rộng lớn hơn của mình để hỗ trợ và bảo vệ Tây Phi”, chuyên gia Cameron Hudson, tại Trung tâm Chiến lược và Quốc tế phân tích.
Năm 1990, lo sợ dòng người tị nạn từ Liberia tăng cao và mất đầu tư nước ngoài vào Châu Phi, ECOWAS đã đưa lực lượng gìn giữ hòa bình đến Liberia. Kể từ đó, ECOWAS đã triển khai quân gìn giữ hòa bình ở Sierra Leone, Guinea-Bissau, Bờ Biển Ngà, Mali và Gambia.
Thậm chí, khối này đã thành lập một cơ quan đặc biệt có thể triển khai quân đội vào lãnh thổ của một quốc gia khác, do đó xác định lại định nghĩa truyền thống của Liên minh châu Phi về chủ quyền.
Nguy cơ chiến tranh tại Niger hiện không hề nhỏ. Thế nhưng, khác với các quốc gia trước đây, Niger có một vị thế khác biệt, khiến tình hình có thể trở nên phức tạp hơn dự tính và gây ra cuộc khủng hoảng toàn diện ở khu vực.
Thứ nhất, đó là quan hệ của Mali và Burkina Faso đối với lực lượng đảo chính ở Niger. Cả Mali và Burkina Faso đều là thành viên của ECOWAS. Chính phủ hai nước này tuyên bố vào ngày 31/7 rằng bất kỳ sự can thiệp nào của nước ngoài vào Niger nhằm hạ bệ Tchiani sẽ được coi là "tuyên chiến" chống lại chính quốc gia của họ.
Điều đó có nghĩa nếu ECOWAS triển khai quân đội, thì có thể phải chiến đấu không chỉ với quân nổi dậy của chính quyền Niger mà còn với các lực lượng thiện chiến của hai quốc gia láng giềng Niger. Chưa kể, bản thân Niger cũng sở hữu một đội quân hùng hậu.
Đây là lần đầu tiên ECOWAS phải đối mặt với sự chia rẽ kiểu này giữa các quốc gia thành viên và nó đặt ra một thách thức nghiêm trọng đối với chính quyền khu vực.
Ông Hudson cho biết các thành viên của ECOWAS thực sự quá lo lắng. “Lần cuối cùng mối đe dọa này được đưa ra là vào năm 2017 ở Gambia và đó là một mối đe dọa đáng tin cậy vì Gambia là quốc gia nhỏ nhất ở Tây Phi với quân đội nhỏ nhất ở Tây Phi”, ông Hudson nhấn mạnh.
Chuyên gia Hudson bày tỏ lo ngại cuộc xung đột xảy ra sẽ “không có cách nào tránh được thương vong dân sự lớn và một cuộc xung đột khu vực lan rộng.” Lần cuối cùng ECOWAS can dự vào năm 2017 tại Gambia. Nhưng đó là quốc gia nhỏ nhất Tây Phi với đội quân không đáng kể.
Mới đây, Niger đã có động thái sẵn sàng cho chiến tranh. Chính phủ quân sự của Niger—tự gọi mình là Hội đồng Bảo vệ Tổ quốc Quốc gia (CNSP)—đã gửi quân tiếp viện đến thủ đô Niamey và đóng cửa không phận của Niger để chuẩn bị cho chiến sự tiềm tàng với ECOWAS.
Người phát ngôn của CNSP Amadou Abdramane cho biết: “Các lực lượng vũ trang của Niger và tất cả các lực lượng quốc phòng và an ninh của chúng tôi, được hỗ trợ bởi sự hỗ trợ không ngừng của người dân, sẵn sàng bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của chúng tôi”.
>>Vụ đảo chính Niger: Pháp có nguy cơ sụp đổ chiến lược châu Phi
Tổng thống Nigeria Bola Tinubu, Chủ tịch đương nhiệm của ECOWAS, đã dẫn đầu lời kêu gọi can thiệp quân sự. Tuy nhiên, Thượng viện Nigeria hiện vẫn chưa thông qua yêu cầu này.
Cuộc tranh luận cuối cùng chưa có hồi kết, nhưng nếu một cuộc chiến nổ ra giữa liên minh các nước do chính phủ quân sự cầm quyền với ECOWAS, đó sẽ là một “cú sốc” mới đối với an ninh toàn cầu vốn đã chao đảo bởi xung đột và suy thoái kinh tế vài năm qua.
Có thể bạn quan tâm