Cuộc đảo chính mới nhất ở Niger - một quốc gia ở Tây Phi - đang thổi bùng thêm những bất ổn ở lục địa Đen, được cho là sẽ giúp Nga đạt được một số lợi ích quan trọng.
Châu Phi bất ngờ trở thành tâm điểm của bức tranh chính trị thế giới tuần vừa qua. Cuộc đảo chính quân mới đây ở Niger đang tạo ra thêm những bất ổn cho khu vực Tây Phi, cùng với đó là những kết nối của nó với chiến sự Nga – Ukraine đang diễn ra. Câu hỏi đầu tiên từ giới quan sát, là liệu tập đoàn Wagner có liên quan gì tới vụ việc ở Niger hay không?
>>Chiến sự Nga - Ukraine: Ukraine "vỡ mộng" máy bay F16?
Vào ngày 26/7, lực lượng cận vệ của Tổng thống đương nhiệm Niger Mohamed Bazoum đã tuyên bố đảo chính và quản thúc ông trong phủ tổng thống. Người cầm đầu vụ đảo chính, tướng Abdourahamane Tiani, cũng là người đứng đầu lực lượng bảo vệ tổng thống ở Niger, đã tuyên bố mình là nhà lãnh đạo mới của đất nước.
Wagner vốn được biết đến nhiều nhất với vai trò cung cấp các dịch vụ an ninh tại khu vực châu Phi, thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ cơ sở hạ tầng hoặc cung cấp vũ khí, huấn luyện cho quân đội chính quyền một số nước. Tuy nhiên, nhóm này cũng hợp tác với các nhóm đối lập địa phương tiềm ẩn gây bất ổn.
Reuters mới đây dẫn đoạn tin nhắn thoại xuất hiện trên Telegram ngày 28/7, trong đó người được cho là ông trùm Prigozhin đã mô tả cuộc đảo chính là khoảnh khắc Niger tự "giải phóng" khỏi phương Tây. Dù chưa xác nhận danh tính, nhưng Reuters cho rằng nội dung này giống với cách sử dụng ngôn từ của Prigozhin.
Ông Matthew Sussex, Phó giáo sư tại Viện Châu Á Griffith thuộc Đại học Griffith, thừa nhận Wagner có thể có một vai trò nào đó, bởi nhóm Wagner của Nga đã có sự hiện diện mạnh mẽ ở Châu Phi và đã dính líu đến việc hỗ trợ lật đổ các chính phủ thân phương Tây.
Vụ đảo chính tiếp tục là mồi lửa leo thang bất ổn ở châu Phi. Theo một số chuyên gia, với khả năng tham gia hoặc ảnh hưởng của Wagner, Nga có thể siết chặt quan hệ với khu vực có “hành lang dài nhất thế giới" do chính phủ quân sự nắm quyền.
Với lợi thế đó, Moscow có thể tiếp tục xuất khẩu vũ khí, uranium và khoáng sản, hoặc hỗ trợ chính trị và lương thực để củng cố các nguồn lực phục vụ cuộc chiến tại Ukraine.
Niger là một trong những quốc gia cuối cùng “thân thiện” với phương Tây ở khu vực Sahel của châu Phi. Sahel nổi tiếng là một vùng rộng lớn đầy bất ổn chính trị với các phong trào Hồi giáo cực đoan, nổi dậy và đảo chính đang gia tăng.
>>"Ngoại giao ngũ cốc" - quân bài mới của Nga tại châu Phi
“Niger là quân cờ domino mới nhất sụp đổ trong một loạt cuộc đảo chính trên khắp khu vực phía Nam sa mạc Sahara,” ông Matthew Sussex cho biết.
Trong một hành lang kéo dài 5.600 km, từ Sudan ở bờ biển phía Đông đến Guinea ở phía Tây, hiện có sáu quốc gia ở Châu Phi nằm dưới sự cai trị của quân đội. Điều đó đang mở ra một không gian để Nga khai thác thông qua ảnh hưởng của Wagner (hoặc một tổ chức dưới cái tên khác).
Tuy nhiên, một số ý kiến khác cho rằng còn quá sớm để khẳng định sự can dự của Nga. Nghiên cứu sinh tiến sĩ Đại học La Trobe, Isabella Currie cho rằng tới nay “không có bằng chứng nào cho thấy cuộc đảo chính có liên quan đến lợi ích mở rộng của Nga ở châu Phi”.
Bất chấp hình ảnh những người biểu tình vẫy cờ Nga trước đại sứ quán Pháp ở Niger, bà Currie cho rằng đây là điều mà chúng tôi đã thấy trước đây trong hoạt động đảo chính ở cả Mali và Burkina Faso.
Hàng nghìn người ủng hộ cuộc đảo chính đã tuần hành qua các đường phố ở thủ đô Niger vào cuối tuần qua để phản đối sự can dự nhiều năm của Pháp tại đất nước này. Đây cũng là phản ứng tương tự như các cuộc đảo chính tại 1 số nước châu Phi thời gian qua.
Chính phủ Nga cũng đã đưa ra tuyên bố kêu gọi thả ông Bazoum, cho thấy có vẻ Nga không thực sự đứng sau vụ nổi dậy này, theo các chuyên gia.
Trên thực tế, ảnh hưởng của Moscow tại châu Phi vốn đã được mở rộng đáng kể trong những năm qua. Điều đó càng được củng cố sau Hội nghị thượng đỉnh Nga-Châu Phi, nơi ông Putin tuyên bố sẽ xóa nợ và viện trợ lương thực miễn phí cho một loạt các nước châu Phi. Hình ảnh những lá cờ Nga trong tay những người biểu tình ủng hộ đảo chính ở Niger có thể được coi là bằng chứng về địa vị ngày càng tăng của Điện Kremlin trên khắp các vùng của Châu Phi.
Có thể bạn quan tâm