Để đảm bảo phát triển bền vững doanh nghiệp, mỗi doanh nhân cần bồi đắp kinh doanh liêm chính; tăng trưởng lợi nhuận trong sự cân bằng với bảo vệ môi trường, phát triển xã hội và con người.
>>>Đạo đức và văn hoá kinh doanh là nguồn lực sức mạnh của doanh nghiệp
Đây là một trong những nội dung quan trọng được ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch chuyên trách VCCI, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) đề cập tại hội thảo khoa học “ Đạo đức doanh nhân và văn hoá kinh doanh Việt Nam trong bối cảnh mới”.
Những năm gần đây, yêu cầu về phát triển bền vững đã và đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Đặc biệt, trong bối cảnh nhiều bất ổn, khó lường và thách thức chưa từng có trong tiền lệ đang và sẽ diễn ra, cũng như những yêu cầu mới của hội nhập quốc tế…, phát triển bền vững là lựa chọn duy nhất, cũng là định hướng chung đã được cộng đồng quốc tế và Việt Nam thống nhất, cam kết theo đuổi thông qua Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (hay còn gọi là Agenda 2030) vào năm 2015.
Chính phủ đã cụ thể hóa Agenda 2030 thành một Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện chương trình nghị sự phù hợp với bối cảnh, điều kiện của Việt Nam, với 115 mục tiêu cụ thể. Để hiện thực hóa các mục tiêu này, theo Phó Chủ tịch chuyên trách VCCI Nguyễn Quang Vinh, không thể thiếu vai trò của cộng đồng doanh nghiệp. “Con tàu” phát triển không chỉ cần có “đường ray” vững chắc là hệ thống cơ chế, chính sách đồng bộ, thông thoáng mà còn cần tới “động cơ” bền bỉ là nguồn lực và sức mạnh từ doanh nghiệp để có thể cập “ga” bền vững.
Ngược lại, chính doanh nghiệp cũng cần phát triển kinh doanh theo hướng bền vững để tồn tại và tăng trưởng trong dài hạn. Đó là mối quan hệ hữu cơ, không thể tách rời. Do đó, xây dựng đạo đức doanh nhân và văn hoá kinh doanh Việt Nam gắn với phát triển bền vững doanh nghiệp là yêu cầu hết sức cần thiết, quan trọng và ý nghĩa.
Để hướng tới kinh doanh bền vững, kinh doanh có trách nhiệm, đạo đức doanh nhân và văn hoá kinh doanh, Phó Chủ tịch chuyên trách VCCI Nguyễn Quang Vinh đã làm rõ những nội hàm.
Trong đó, nội hàm đầu tiên và quan trọng là liêm chính. Kinh doanh liêm chính đến từ việc tuân thủ pháp luật, minh bạch thông tin trong nội bộ doanh nghiệp và với các đối tác bên ngoài, nói không với tham nhũng. Từ hơn 10 năm qua, VCCI đã tiên phong nỗ lực thúc đẩy kinh doanh liêm chính tại Việt Nam, với sự phối hợp chặt chẽ của Thanh tra Chính phủ, UNDP, Vương quốc Anh và nhiều đối tác trong nước, quốc tế khác.
Mới đây, vào ngày 21/9, VCCI đã công bố Chỉ số Kinh doanh liêm chính (VBII), đánh dấu bước tiến mới đưa doanh nghiệp Việt Nam tiệm cận gần hơn với tiêu chuẩn kinh doanh minh bạch, liêm chính của quốc tế; giúp doanh nghiệp không còn mơ hồ, lúng túng trong việc lồng ghép tính liêm chính vào các hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.
Thứ hai, không làm kinh tế bằng mọi giá. Phó Chủ tịch chuyên trách VCCI Nguyễn Quang Vinh nhấn mạnh: vai trò của doanh nhân hiện nay đã thay đổi rất nhiều, không chỉ là “đầu tàu” trong tăng trưởng kinh tế mà còn tạo ra những giá trị mới cho xã hội, góp phần bảo vệ môi trường… Khi yêu cầu về phát triển bền vững “lên ngôi”, thị trường sẽ tự đào thải dần những doanh nghiệp “ăn xổi ở thì”. Thay vào đó sẽ giữ lại, nuôi dưỡng và tạo đà cho những doanh nghiệp kinh doanh nhân văn, kinh doanh có trách nhiệm ngày càng lớn mạnh để đảm bảo lợi ích kinh tế song hành với bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội. Đó là con đường duy nhất để doanh nghiệp phát triển bền vững.
Gắn kết bảo vệ môi trường, hành động ứng phó biến đổi khí hậu vào trong văn hóa và chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp đã trở thành yêu cầu bắt buộc xuất phát từ chính những thách thức khổng lồ mà nhân loại đang phải đối diện do biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, mất đa dạng sinh học...
Hành động ứng phó biến đổi khí hậu và theo đuổi nền kinh tế xanh đang và sẽ là một trong những trọng tâm ưu tiên trong các chương trình hành động của Chính phủ, từ đó tạo ra áp lực buộc các doanh nghiệp phải chuyển mình, thay đổi để thích ứng kịp thời. Ngược lại, cộng đồng doanh nghiệp cũng đóng vai trò đặc biệt quan trọng và mang tính quyết định, bởi thông qua mô hình sản xuất kinh doanh mới như kinh doanh bền vững vì cộng đồng và con người, hướng tới sản xuất, tiêu dùng xanh và mục tiêu phát thải ròng bằng “0”.
Tăng cường hợp tác công - tư (PPP), đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số sẽ giúp đẩy nhanh hơn hành trình xây dựng nền kinh tế xanh. Trong thời gian tới, VCCI, với hạt nhân là VBCSD sẽ triển khai các sáng kiến Thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân trong giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, trong khuôn khổ hợp tác với Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các doanh nghiệp kinh doanh bền vững tiêu biểu.
Về khía cạnh xã hội, theo Phó Chủ tịch chuyên trách VCCI, phát triển xã hội, nâng cao đời sống cộng đồng cũng chính là tạo ra sự phát triển cho doanh nghiệp. Có thể nói “trách nhiệm xã hội (CSR)” chính là tiền thân của “doanh nghiệp làm phát triển bền vững”. Cách đây khoảng 20 năm, VCCI đã tiên phong thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện CSR, tập trung vào nguồn vốn xã hội, nguồn vốn tài nguyên, nguồn vốn kinh tế. Trong đó, quan trọng nhất là nguồn vốn con người của phát triển bền vững doanh nghiệp.
>>>Phát huy truyền thống đạo đức văn hoá kinh doanh trong bối cảnh hội nhập
Để đảm bảo phát triển bền vững doanh nghiệp theo những nội hàm trên, mỗi doanh nhân cần tu dưỡng, bồi đắp đạo đức doanh nhân và văn hoá kinh doanh của doanh nghiệp; chuyển đổi trong tư duy, nhận thức về kinh doanh. “Khi loại bỏ lối tư duy vị lợi nhuận, cam kết theo đuổi và thực hành kinh doanh nhân văn, kinh doanh có trách nhiệm với tương lai… đó chính là lựa chọn con đường phát triển bền vững. Doanh nghiệp của bạn có thể đi chậm hơn đối thủ nhưng đó sẽ là những bước đi vững chắc và sẽ tiến xa trong dài hạn, để có thể trụ vững trên chính sân nhà và xa hơn là vươn ra thế giới” - ông Nguyễn Quang Vinh cho hay.
Đưa ra một số khuyến nghị với các lãnh đạo doanh nghiệp, Phó Chủ tịch chuyên trách VCCI cho rằng, liêm chính cần được thẩm thấu vào “gen” của doanh nghiệp. Kinh doanh liêm chính sẽ không thể trở thành một phần tất yếu trong văn hóa doanh nghiệp nếu không nằm trong tư duy và quyết tâm hành động của Ban lãnh đạo ở cấp cao nhất trong doanh nghiệp.
Thứ hai, tăng cường và chú trọng công tác quản trị doanh nghiệp bền vững hơn nữa. Cùng với bộ chỉ số về liêm chính, Bộ chỉ số Doanh nghiệp bền vững (CSI) của VCCI là sự kết hợp hoàn hảo cho doanh nghiệp trên hành trình kinh doanh bền vững, tạo ra “chiếc áo giáp” bảo vệ doanh nghiệp trước những rủi ro kinh doanh trong bối cảnh nhiều khủng hoảng và thách thức hiện nay, góp phần xây dựng nền móng phát triển vững chắc cho chính doanh nghiệp.
Thứ ba, đặt con người vào trung tâm của mọi chiến lược sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; thúc đẩy tính đổi mới, sáng tạo trong doanh nghiệp. Tích cực tận dụng sức mạnh công nghệ, chuyển đổi số để tối ưu hóa năng suất, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tạo ra lợi thế cạnh tranh, nâng cao năng lực cạnh tranh cho chính doanh nghiệp.
Cuối cùng, dù mỗi doanh nghiệp đều là những miếng ghép riêng lẻ, có thể cạnh tranh khốc liệt trên thị trường nhưng khi ghép vào bức tranh chung của Tổ quốc, các doanh nhân, các doanh nghiệp đều là những mảnh ghép không thể tách rời. Các bạn kinh doanh, cống hiến hết mình vì tình yêu thiêng liêng với Tổ quốc, vì niềm tự hào dân tộc và vì khát vọng hùng cường của quốc gia. Do đó, hãy đoàn kết, thắt chặt hợp tác. Để đi nhanh, chúng ta có thể đi một mình nhưng để đi xa, chúng ta phải đi cùng nhau. Đó cũng chính là tinh thần của Mục tiêu SDG 17: Cùng nhau chúng ta sẽ mạnh hơn và đi xa hơn.
Có thể bạn quan tâm
Đạo đức kinh doanh - bài học thấm nhiều mồ hôi, công sức
01:03, 13/09/2022
Đạo đức kinh doanh làm nên cốt cách doanh nghiệp
02:08, 29/08/2022
Triết lý cuộc sống trong đạo đức kinh doanh
04:40, 10/08/2022
Đạo đức kinh doanh phải là “ngọn đuốc” dẫn đường
05:38, 09/08/2022
Đạo đức kinh doanh - Giá trị của thời đại
04:13, 07/07/2022