Ngày 12/3 tới, Viện Dệt may Việt Nam (VTRI) sẽ tiến hành IPO với hơn 2 triệu cổ phần Nhà nước được đem ra đấu giá. VTRI liệu có hấp dẫn nhà đầu tư khi đang quản lý những khu “đất vàng”?
VTRI hiện đang sở hữu nhiều khu đất và bất động sản tại nhiều vị trí đắc địa của Hà Nội và TP.HCM. Cụ thể, tại Hà Nội, Viện có khu đất rộng hơn 2.850m2 tại số 478 Minh Khai, Quận Hai Bà Trưng. Sau cổ phần hóa sẽ tiếp tục tiếp quản, sử dụng lô đất này làm trụ sở, trung tâm thí nghiệm. Đây là khu đất do Nhà nước cho thuê, và được miễn tiền thuê đất dối với các diện tích phục vụ công tác nghiên cứu khoa học công nghệ, làm phòng thí nghiệm…
Ngoài ra, sau cổ phần hóa, Viện sẽ tiếp quản khu đất rộng hơn 5.311 tại ngõ 454/24 Minh Khai, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Đây cũng là khu đất do Nhà nước cho thuê và miễn tiền thuê đất với các diện tích phục vụ công tác nghiên cứu khoa học công nghệ 50 năm kể từ tháng 10/1993.
Tại TP Hồ Chí Minh, Viện đang sử dụng lô đất gần 2.220m2 tại số 354/128A Trần Hưng Đạo, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, và sẽ tiếp tục quản lý cơ sở trên sau cổ phần hóa để phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học… Hiện Viện đang làm hồ sơ, thủ tục liên quan với lô đất này.
Vậy với 3 khu “đất vàng” trên liệu VTRI có đủ lực hấp dẫn nhà đầu tư?
Các khu đất trên thực tế đều được quy hoạch với mục đích sử dụng cho nghiên cứu khoa học, không phải mục đích cho thuê kinh doanh.
Trước đó vào năm 2017, việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) đã gây nhiều tranh cãi. Giống như VTRI, VFS cũng sở hữu các khu đất có vị trí đắc địa ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh nhưng nhà đầu tư chiến lược, Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso), lại là đơn vị không có kinh nghiệm trong lĩnh vực nghệ thuật. Điều này dẫn đến các nghệ sĩ lo ngại công ty này sử dụng sai mục đích các khu đất để tiến hành kinh doanh.
Để tránh trường hợp tương tự xảy ra, VTRI nêu rõ trong phương án cổ phần hóa, nhà đầu tư chiến lược phải là tổ chức kinh tế độc lập, có uy tín đã hoạt động trong ngành dệt may tối thiểu 5 năm.
Như vậy, “đất vàng” không phải là thứ duy nhất có thể hấp dẫn nhà đầu tư với đợt IPO của VTRI. Tình hình kinh doanh của VTRI cũng khá khả quan, từ 2014 đến 2016, tổng doanh thu từ sản xuất và kinh doanh của VTRI đạt mức bình quân 76 tỷ đồng (3,35 triệu USD) mỗi năm. Năm 2017, tổng doanh thu của Viện đạt gần 57 tỷ đồng (2,51 triệu USD).
Theo kế hoạch cổ phần hoá được Chính phủ phê duyệt, sau cổ phần hóa, Nhà nước không nắm giữ cổ phần nào tại VTRI; có 474.000 cổ phần (9,48%) chào bán ưu đãi cho người lao động; 2.263.000 cổ phần (45,26%) chào bán cho nhà đầu tư chiến lược và 2.263.000 cổ phần chào bán công khai trong đợt IPO. Với mức giá khởi điểm 12.583 đồng/cổ phần (cổ phần có mệnh giá 10.000 đồng/cp), Chính phủ đặt mục tiêu thu về hơn 28 tỷ đồng (1,23 triệu USD) từ đợt IPO này.