Ngân sách Nhà nước thất thu, những khu đất “vàng” của Vinatea khắp các tỉnh thành đã rơi vào tay tư nhân với chung một "kịch bản" được Vinatea mang đi liên doanh liên kết rồi thoái vốn.
Như chúng tôi đã thông tin từ bài viết trước, đất công ở vị trí đắc địa tại các tỉnh thành luôn là miếng mồi béo bở khiến những nhóm lợi ích muốn nhòm ngó để thôn tính, “của công” nghiễm nhiên sẽ thành “của ông” sau những thương vụ hợp tác ma quỷ với đủ mánh khóe, chiêu trò…Câu chuyện sau cổ phần hóa tại Vinatea trong kết luận thanh tra mới đây như là một thí dụ điển hình.
Theo đó, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Công an chỉ đạo Cơ quan điều tra xác minh để xử lý những vi phạm trong quản lý, sử dụng nhà đất tại 4 địa chỉ ở Hải Phòng và TP HCM của Tổng công ty Chè Việt Nam (Vinatea) gồm: Số 126 phố Lạch Tray, quận Ngô Quyền và số 341 Vạn Mỹ, quận Hải An (Hải Phòng); số 59 An Bình, quận 5 và số 225 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3 (TP HCM).
Cụ thể, khu đất có diện tích 1.802 m2 ở 126 phố Lạch Tray được UBND TP Hải Phòng tạm thời cho thuê để mở rộng Xí nghiệp Chè Hương. Năm 2008, Hội đồng quản trị Tổng công ty Chè có Nghị quyết số 121 phê duyệt góp vốn thành lập Công ty cổ phần đầu tư Duyên Hải.
Hợp đồng góp vốn liên doanh ký giữa Tổng công ty Chè với Công ty cổ phần Ngọc Hải, Công ty TNHH 2-9, ông Trần Duy Minh; theo đó các bên thỏa thuận góp vốn thành lập Công ty cổ phần đầu tư Duyên Hải vốn điều lệ 20 tỷ đồng, mỗi bên đóng góp 25% tương ứng 5 tỷ đồng.
Sang tới năm 2009, Hội đồng quản trị Vinatea có nghị quyết về việc thoái toàn bộ vốn tại Công ty cổ phần đầu tư Duyên Hải, trong đó có khu đất này. Công ty Duyên Hải thanh toán cho tổng công ty 5 tỷ đồng. Đến thời điểm thanh tra, khu đất do Công ty Duyên Hải đang quản lý và sử dụng.
Trong khi đó, khu đất tại số 341 Vạn Mỹ có diện tích 11.635m2 được UBND TP Hải Phòng cho Xí nghiệp vật tư ngành chè thuê năm 1986. Đến năm 2009, Hội đồng quản trị Vinatea có nghị quyết về việc tái cơ cấu lại tài sản địa điểm nhà đất này và giao Tổng giám đốc kêu gọi các nhà đầu tư góp vốn liên doanh thành lập công ty cổ phần. Khi công ty cổ phần đi vào hoạt động sẽ thực hiện chuyển nhượng phần vốn góp để cơ cấu lại nguồn vốn.
Hợp đồng góp vốn liên doanh ký ngày 26/10/2009 giữa đại diện Vinatea và Công ty TNHH thương mại và xuất nhập khẩu Thành Đạt thỏa thuận hợp tác khai thác mặt bằng khu đất, cùng góp vốn thành lập pháp nhân mới với tên gọi là Công ty cổ phần thương mại Nam Cường, tổng vốn góp 25 tỷ đồng, riêng Tổng công ty Chè góp 20,5 tỷ đồng (chiếm 82% vốn điều lệ).
Hội đồng quản trị tổng công ty sau đó có nghị quyết phê duyệt liên kết đầu tư kho Vạn Mỹ-Hải Phòng để thành lập công ty cổ phần mới lấy tên là Công ty cổ phần thương mại và xuất nhập khẩu Nam Cường. Tới năm 2011 Hội đồng quản trị có nghị quyết thoái toàn bộ vốn tại công ty này và tại thời điểm thanh tra khu đất do Công ty Nam Cường quản lý, sử dụng.
Tại TP HCM, theo Thanh tra Chính phủ, từ năm 2009 đến năm 2011, Vinatea ký các hợp đồng góp vốn bằng giá trị tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất tại số 59 An Bình, quận 5 (diện tích 490m2) nhưng không có ý kiến chấp thuận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Theo đó, Vinatea và Công ty Nhật Minh ký hợp đồng hợp tác đầu tư thành lập công ty cổ phần với vốn điều lệ 15 tỷ đồng, trong đó Vinatea góp 12 tỷ đồng (80% vốn điều lệ). Thế nhưng đến năm 2011 tại hợp đồng hợp tác đầu tư với vốn điều lệ 25 tỷ đồng thì Vinatea góp vốn bằng quyền sử dụng đất tại số 59 An Bình giá trị 5 tỷ đồng, tương đương 20% vốn điều lệ; còn lại 20 tỷ đồng Công ty Nhật Minh và bên thứ ba đóng góp. Hiện nay khu đất này do Công ty Nhật Minh quản lý, sử dụng.
Đáng chú ý, khu đất tại 25D Cát Linh (Hà Nội), cơ quan Thanh tra xác định đến thời điểm thanh tra cũng do Công ty Nhật Minh quản lý, sử dụng. Trước đó, HĐQT Vinatea cũng có nghị quyết về việc thoái vốn đầu tư tại khu đất này.
Đối với khu đất có diện tích trên 446m2 tại số 225 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Thanh tra Chính phủ cho biết đã được Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM ký các hợp đồng, phụ lục hợp đồng cho Chi nhánh Tổng công ty Chè lập dự án đầu tư xây dựng công trình nhà làm việc và văn phòng cho thuê.
Đến cuối năm 2009, Hội đồng quản trị Vinatea có nghị quyết phê duyệt chủ trương hợp tác cho thuê làm văn phòng lâu dài với Công ty TNHH Xây dựng-Thương mại-Dịch vụ GB. Thời gian cho thuê là 35 năm. Đến năm 2013 thì có nghị quyết về việc thực hiện thoái vốn là tài sản tại 225 Nam Kỳ Khởi Nghĩa không thông qua đấu giá. Khu đất này hiện nay do Công ty GB đang quản lý, sử dụng và đã được TP HCM cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Những khoản thu khổng lồ cho ngân sách nhà nước đã bị thất thoát bởi sự bòn rút của những kẻ tham lam, vô sỉ. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, dưới góc độ pháp lý, nhìn từ các vụ án liên quan đến quản lý, sử dụng tài sản công, đặc biệt là đất công cho thấy quy định của pháp luật còn nhiều kẽ hở để các cá nhân lách luật thực hiện hành vi thâu tóm, làm giá gây thất thoát vốn, tài sản của nhà nước.
Còn nữa…
Có thể bạn quan tâm
Đất "vàng" nhà nước và hành trình tư nhân hóa (Kỳ 1): Những thương vụ hợp tác “ma quỷ”!
06:30, 29/09/2020
Út "trọc” chiếm đoạt “đất vàng” của Quân chủng Hải quân thế nào?
22:55, 18/05/2020
Vụ "đất vàng" Lê Duẩn (TP HCM): Hoàn tất kết luận điều tra bổ sung đối với ông Nguyễn Thành Tài
22:57, 18/04/2020
Quyết định thanh tra Dự án nhiệt điện Thái Bình 2 và khu “đất vàng” 69 Nguyễn Du
00:30, 08/04/2020