Năm 2023, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật, được chú trọng xứng tầm với nhiều đổi mới trong chỉ đạo, cách làm, không ít Luật được thông qua để lại nhiều dấu ấn…
>> Hoàn thiện thể chế để bắt nhịp với xu thế phát triển bền vững
Kinh tế - xã hội năm 2023 tiếp tục xu hướng phục hồi, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.
Đáng nói, trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách đã được chú trọng xứng tầm đột phá chiến lược với nhiều đổi mới trong chỉ đạo, cách làm. Trong năm 2023, Quốc hội đã thông qua 16 Luật, 29 Nghị quyết và cho ý kiến 18 Dự án Luật.
Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế còn không ít khó khăn, thách thức và sự bất cập, chồng chéo trong thi hành gây khó cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, thúc đẩy nền kinh tế, nhiều trong số các Luật được sửa đổi, bổ sung trong năm vừa qua cho thấy những dấu ấn đậm nét. Cụ thể:
Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) - gồm 8 Chương 53 Điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2024, thay thế Luật Giao dịch điện tử năm 2005.
Luât Giao dịch điện tử (sửa đổi) được cho sẽ tạo hành lang pháp lý hoàn thiện, đầy đủ, thuận lợi cho việc chuyển đổi các hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số trong tất cả các ngành, lĩnh vực nhằm chủ động, tích cực tham gia cuộc cách mạng 4.0 và đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số quốc gia; khẳng định giá trị pháp lý về giao dịch điện tử, công nhận giao dịch điện tử có giá trị pháp lý giống như giao dịch trong môi trường thực; ưu tiên, khuyến khích thực hiện giao dịch điện tử, phát triển giao dịch điện tử toàn diện, toàn trình bằng các chính sách giúp tối ưu hóa quy trình, rút ngắn thời gian xử lý giao dịch điện tử thuận tiện, an toàn và tin cậy hơn.
Luật Đấu thầu (sửa đổi) - có 10 Chương với 96 Điều, có hiệu lực thi hành từ 01/01/2024 thay thế Luật hiện hành.
Luật sửa đổi được ban hành nhằm tiếp tục tạo dựng khung pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất về đấu thầu, mua sắm sử dụng nguồn vốn nhà nước; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật; nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế trong hoạt động đấu thầu. Đơn giản hóa thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; tránh thất thoát, lãng phí ngân sách, tài sản nhà nước; phòng chống, ngăn chặn tình trạng tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động đấu thầu. Xây dựng cơ chế lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư phù hợp để hỗ trợ, phẩm đổi mới sáng tạo, mua sắm xanh nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về đấu thầu và cơ chế kiểm tra, giám sát, giải quyết kiến nghị trong hoạt động đấu thầu.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) – có 7 Chương 80 Điều, so với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, Luật mới bổ sung 1 Chương; số lượng các Điều tăng từ 51 lên 80 Điều và sẽ có hiệu lực thi hành từ 01/7/2024.
Luật được ban hành nhằm kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, đồng thời, thể hiện rõ vai trò của người tiêu dùng trong xu hướng tiêu dùng mới, Luật bổ sung quy định về sản xuất và tiêu dùng bền vững. Theo đó, Luật bổ sung khái niệm về tiêu dùng bền vững, quy định các hoạt động thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững và quy định về trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các cấp trong việc thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững...
Luật Giá (sửa đổi) – Luật được thông qua gồm 8 Chương, 75 Điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024.
Luật Giá (sửa đổi) có nhiều điểm mới nhằm khắc phục một số hạn chế bất cập của luật hiện hành. Trong đó, về phạm vi điều chỉnh, luật bổ sung quy định cơ sở dữ liệu về giá, quy định về quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân, người tiêu dùng trong lĩnh vực giá, thẩm định giá; hoạt động quản lý, điều tiết giá của Nhà nước; tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường; cơ sở dữ liệu về giá;… Đồng thời cũng sửa đổi, bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực giá, thẩm định giá, như: Loan tin, đưa tin không đúng sự thật, không chính xác về tình hình kinh tế - xã hội gây nhiễu loạn thông tin thị trường, giá hàng hóa, dịch vụ;…
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam - thông qua gồm 3 Điều: Điều 1, sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Điều 2 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Điều 3 Điều khoản thi hành. Luật có hiệu lực từ 15/8/2023.
Luật được ban hành là bước hoàn thiện cơ sở pháp lý, bảo đảm đồng bộ, thống nhất và nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư vào tìm hiểu thị trường, đầu tư. Đơn giản hóa thủ tục, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam trong việc cấp giấy tờ xuất nhập cảnh và người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam; góp phần phát triển kinh tế - xã hội; vừa bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội…
Luật Viễn thông (sửa đổi) - gồm 10 Chương 73 Điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024.
Trong đó, Luật bổ sung quy định nghĩa vụ của doanh nghiệp viễn thông phải xác thực, lưu trữ, quản lý thông tin thuê bao, xử lý các sim có thông tin không đầy đủ, không chính xác (sim rác), ngăn chặn tin nhắn rác, cuộc gọi vi phạm pháp luật; bổ sung quy định nghĩa vụ của thuê bao viễn thông không được sử dụng thông tin cá nhân của mình để giao kết hợp đồng cho người khác trừ trường hợp pháp luật cho phép và chịu trách nhiệm về các số thuê bao đã đăng ký sử dụng. Ưu đãi đối với các dự án đầu tư khai thác nước cấp cho sinh hoạt cho người dân các vùng khăn hiếm nước ngọt, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi…
Luật Nhà ở (sửa đổi) - gồm 13 Chương 198 Điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025.
Luật Nhà ở (sửa đổi) có những điểm mới cơ bản liên quan đến chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của tỉnh; phát triển nhà ở; cải tạo, xây dựng lại chung cư; chính sách về nhà ở xã hội; tài chính cho phát triển nhà ở; quản lý, sử dụng nhà ở; quản lý sử dụng nhà chung cư… Luật bổ sung 2 hình thức mới là phát triển nhà lưu trú công nhân và phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân; Quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn tài chính công đoàn…
Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) - gồm 10 Chương 83 Điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025.
Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) có một số điểm mới liên quan đến phạm vi điều chỉnh của Luật; các loại bất động sản, dự án bất động sản đưa vào kinh doanh; công khai thông tin về bất động sản, dự án bất động sản đưa vào kinh doanh; điều kiện đối với tổ chức cá nhân khi kinh doanh bất động sản; chính sách về kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng có sẵn và hình thành trong tương lai; chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án bất động sản cho cá nhân tự xây dựng nhà ở và chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án bất động sản cho tổ chức; chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản; hợp đồng kinh doanh bất động sản…
Những dấu ấn trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật, không chỉ nâng cao công tác quản lý, điều hành mà còn đóng góp tích cực trong thúc đẩy, cải thiện môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, nâng cao sức cạnh tranh.
Có thể bạn quan tâm
Hoàn thiện thể chế phát triển công nghệ AI
02:20, 16/06/2023
Hoàn thiện thể chế để bắt nhịp với xu thế phát triển bền vững
11:15, 09/06/2023
ĐIỂM BÁO NGÀY 10/03: Hoàn thiện thể chế, chính sách về đất đai
04:53, 10/03/2023
Hoàn thiện thể chế, chính sách về đất đai
15:22, 09/03/2023
TP HCM tập trung hoàn thiện thể chế
00:08, 03/01/2023