Việc thu hút các doanh nghiệp FDI được xem là một trong những “chỉ số” phát triển của nhiều địa phương. Thế nhưng, tình trạng nhiều doanh nghiệp FDI trốn đóng BHXH đã gây ra những hậu quả khôn lường…
Khi chủ doanh nghiệp FDI (doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài) bỏ trốn, không chỉ cơ quan thuế bị thất thu, bảo hiểm xã hội bị thiệt hại mà người lao động còn rơi vào cảnh thất nghiệp, mất lương và quyền lợi bảo hiểm không được bảo đảm.
Ai lĩnh hậu quả?
Theo số liệu thống kê của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, chỉ tính riêng trong năm 2018 đã có tới hàng chục doanh nghiệp FDI ở các tỉnh phía Nam đã giải thể, kéo theo đó là những khoản nợ lên tới hàng chục tỉ đồng, trong đó có nợ BHXH, BHYT. Tình trạng này khiến người lao động lao đao, thậm chí ngân sách địa phương phải nai lưng ra “gánh” để trợ giúp người lao động.
Có thể bạn quan tâm
14:22, 25/04/2019
11:30, 07/03/2019
06:02, 03/03/2019
06:17, 22/02/2019
Theo thông tin từ Bảo hiểm xã hội thành phố Đà Nẵng, vào thời điểm cuối năm 2018, Công ty TNHH TBO Vina có 100% vốn Hàn Quốc cho công nhân tạm nghỉ việc một tuần do hết đơn hàng. Tuy nhiên, khi hết thời gian trên, người lao động trở lại làm việc thì mới biết chủ doanh nghiệp đã rời khỏi Việt Nam, để lại khoản nợ BHXH, BHYT khoảng 12 tỷ đồng, cùng với khoảng 3.7 tỷ đồng lương của người lao động.
Trước tình hình trên, Liên đoàn lao động Đà Nẵng đã phải tổ chức cuộc họp liên ngành để giải quyết quyền lợi cho người lao động. Tại thời điểm đó, ông Nguyễn Văn An - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Đà Nẵng cho biết, Thành phố đã phải ứng ngân sách gần 500 triệu đồng để hỗ trợ đóng BHXH cho hơn 90 lao động nữ của Công ty TNHH TBO Vina để chị em được hưởng thai sản và đóng cho hơn 400 lao động khác để được hưởng BH thất nghiệp.
Tuy nhiên, trường hợp của Công ty TNHH TBO Vina không phải là trường hợp cá biệt. Trước đó, Công ty Sang Hun chuyên sản xuất hàng may mặc, trang phục, có địa chỉ tại KCN Đồng Xoài I, tỉnh Bình Phước, do ông Lee Hong Sang- quốc tịch Hàn Quốc làm chủ, thường xuyên lặp đi lặp lại tình trạng nợ lương, nợ BHXH, BHYT kéo dài…Đa số công nhân bị Công ty Sang Hun nợ tiền lương gối đầu từ 3 tháng trở lên. Thậm chí, có một số người bị nợ lương lên đến hơn 50 triệu đồng.
Để chấm dứt tình trạng trên, Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh Bình Phước buộc phải đứng lên khởi kiện doanh nghiệp này để đòi tiền lương cho công nhân. Sau 3 lần khởi kiện và tổ chức hòa giải, Công đoàn đã giúp công nhân đòi được gần 5 tỉ đồng, trong đó có trên 1,8 tỉ đồng tiền lương và hơn 3 tỉ đồng BHXH, BHYT…
Cần chế tài mạnh, xử lý chủ doanh nghiệp FDI bỏ trốn
Cách đây 10 năm, khi hiện tượng chủ doanh nghiệp bỏ trốn rộ lên, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 30/2009/QĐ-TTg về việc hỗ trợ người lao động bị mất việc khi các doanh nghiệp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế. Theo đó, chính quyền địa phương ứng ngân sách trả lương cho công nhân có chủ doanh nghiệp bỏ trốn.
Hiện nay, chỉ mới có Thông tư liên tịch 06 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 30. Ngoài ra, chưa có văn bản pháp luật nào quy định về doanh nghiệp có chủ bỏ trốn, từ xác định khái niệm doanh nghiệp có chủ bỏ trốn đến quy trình tổ chức thanh lý tài sản, trình tự giải quyết chế độ chính sách cho người lao động, trả các khoản nợ có liên quan BHXH, BHYT, nợ các tổ chức tín dụng…
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng chưa kiểm tra sát sao việc thực hiện pháp luật về lao động, bảo vệ môi trường, thực hiện nghĩa vụ về thuế đối với Nhà nước; nhất là việc trả lương, thưởng, nộp các khoản BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp.
Tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lần thứ 28 (khóa XI), các Ủy viên Đoàn Chủ tịch cho rằng cần có chế tài hạn chế tới mức thấp nhất tình trạng doanh nghiệp có chủ bỏ trốn cũng như sớm ban hành tiêu chí xác định doanh nghiệp có chủ bỏ trốn. Với tư cách là tổ chức bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động, tổ chức công đoàn sẽ sớm có những kiến nghị để bảo đảm các chế độ cho người lao động về bảo hiểm, lương, việc làm… khi xảy ra những trường hợp này. Đề xuất đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp các bộ, ngành liên quan sớm trình ký ban hành Nghị định hướng dẫn khoản 7 Điều 10 Luật BHXH năm 2014 nhằm bảo đảm quyền lợi của người lao động, nhất là người lao động ở các doanh nghiệp có chủ bỏ trốn.
Hiện nay, trong Luật Doanh nghiệp chưa có chế định về doanh nghiệp bỏ trốn. Xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn, các luật sư cũng cho rằng, trong dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi, cần có chế định pháp luật về việc doanh nghiệpbỏ trốn. Trước mắt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm ban hành tiêu chí xác định doanh nghiệp có chủ bỏ trốn để làm cơ sở cho người lao động hoặc tổ chức công đoàn khởi kiện ra tòa án yêu cầu phá sản doanh nghiệp.