Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh, trong kinh tế số, dữ liệu ví là mỏ dầu của nền kinh tế.
Theo nghiên cứu của Google và Temasek (Singapore), kinh tế số của Việt Nam đạt 3 tỷ USD năm 2015, tăng lên 9 tỷ USD năm 2018 và dự báo đạt 30 tỷ USD vào năm 2025. Trong khi đó một nghiên cứu khác của Tổ chức Data 61 (Australia), GDP Việt Nam có thể tăng thêm khoảng 162 tỷ USD trong 20 năm nếu Việt Nam chuyển đổi số thành công.
Trong sự biến chuyển này, ông Vũ Đại Thắng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, doanh nghiệp là trung tâm trong phát triển kinh tế số. Các doanh nghiệp cần chủ động tìm ra giải pháp ứng dụng công nghệ số, thực hiện chuyển đổi số và tham gia xây dựng các yếu tố nền tảng cho kinh tế số.
Một trong 4 chính sách tạo dựng nền kinh tế số là xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia và các cơ sở dữ liệu khác. Xây dựng chính sách, thể chế cho hoạt động thu thập, quản lý, kết nối, chia sẻ và thương mại hóa các cơ sở dữ liệu quốc gia trên cơ sở bảo đảm an toàn dữ liệu, bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Tuy nhiên, ở góc độ quốc gia, các hệ thống dữ liệu ở các Bộ hiện nay chưa có tính kết nối, liên thông với nhau. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện mỗi bộ có hệ thống thông tin khác nhau, không liên thông với các bộ ngành mà chỉ chia sẻ một phần thông tin liên quan.
"Cần hướng tới tích hợp các cơ sở dữ liệu quốc gia, để dùng chung", ông Thắng nêu quan điểm.
Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh, trong kinh tế số, dữ liệu ví là mỏ dầu của nền kinh tế. Nhưng Việt Nam đang ở giai đoạn ban đầu, các kết nối dữ liệu giữa các bộ, ngành chưa liên thông.
Ông Bùi Thế Duy - Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ cho rằng để tận dụng nguồn “dầu mỏ” từ dữ liệu thì “việc đầu tiên chúng ta cần tạo được nguồn dữ liệu có giá trị, cần tạo thành một văn hóa lưu trữ dữ liệu. Bởi nếu nguồn dữ liệu từ mỗi cá nhân cung cấp nhưng không có tính trách nhiệm của họ trong đó sẽ thành một dữ liệu không có giá trị”.
Trả lời Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Phạm Hữu Việt - Tổng Giám đốc APPA Group cho biết, dữ liệu được phân làm hai dạng: dữ liệu quản lý có tính chất bảo mật của nhà nước và loại dữ liệu mở.
Trong đó, dữ liệu mở là nơi doanh nghiệp có thể tham gia đóng góp dữ liệu, lấy thông tin để từ đó phát triển thị trường của mình. Như vậy, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí cho việc phát triển mô hình kinh doanh.
Bên cạnh đó, ông Việt đồng tình với quan điểm của Thứ trưởng Bùi Thế Duy rằng cần phải có nguồn dữ liệu có giá trị, chính xác. “Thật ra, việc tính toán đo đạc đất nông nghiệp không thể chính xác 100%. Sai số đối với các hộ nông dân từ 100-200cm không đáng kể nhưng nhân lên với 8,4 triệu hộ nông dân thì con số rất đáng kể” – Tổng Giám đốc APPA cho biết.
Qua đó, ông Việt cũng bày tỏ: “Trong kinh tế số, một doanh nghiệp phát triển được cần có sự chủ động, biết mình muốn gì, tìm thông tin ở đâu. Đặc biệt, các đơn vị quản lý nhà nước nên thay đổi cách nhìn nhận, sẵn sàng cung cấp dữ liệu cho doanh nghiệp, cùng chung tay với cộng đồng doanh nghiệp phát triển nền kinh tế số”.