COVID-19 đang là biến số khiến các quyết định đầu tư có thể xoay chiều. Tuy nhiên, cục diện của các kênh đầu tư với sức hấp dẫn hoặc rủi ro, cũng hiển lộ rõ…
Trong số các kênh đầu tư thụ động chủ chốt, chứng khoán, gửi tiết kiệm và đầu tư địa ốc vẫn đang là những kênh phổ biến nhất ở thị trường Việt Nam.
Trong 6 tháng đầu 2021, tỷ suất lợi nhuận của các kênh đầu tư thụ động đã hiển lộ rõ với sức hấp dẫn chảy dồn vào chứng khoán. Kết thúc quý 2/2021, VN- Index đạt 1.408,55 điểm, thanh khoản thị trường chứng khoán trong quý II tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, thường xuyên xuất hiện các phiên giao dịch với giá trị trên 1 tỷ USD, kéo theo sự tăng trưởng tương ứng của vốn hóa thị trường đạt quy mô tương ứng 83,99% GDP năm 2020.
Nhờ sự tăng trưởng của thị trường, tính đến hết ngày 30/06/2021, đã có 28 doanh nghiệp thuộc VN100 có giá trị vốn hóa thị trường đạt hơn 1 tỷ USD, trong đó có 4 doanh nghiệp có vốn hóa trên 10 tỷ USD, bao gồm: Vingroup (VIC), Vietcombank (VCB), Vinhomes (VHM) và Tập đoàn Hòa Phát (HPG). Song song đó, thị trường cũng “nở” ra lượng tài khoản khổng lồ của các nhà đầu tư Fn và F0. Trong đó, Trung tâm lưu kí chứng khoán Việt Nam cho biết, riêng trong tháng 6, nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới 140.054 tài khoản - con số kỉ lục mở mới theo tháng. Tính chung 6 tháng, nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới 619.911 tài khoản, tăng 58% so với số lượng của cả năm 2020 – năm thị trường đã lập kỷ lục lịch sử về số tài khoản cá nhân mới. Theo đó, nhà đầu tư cá nhân trong nước tiếp tục là “thế lực” nắm giữ sức mạnh dòng tiền trên thị trường.
Với đà tăng trưởng đó, chứng khoán có thể nói là “vũng trũng” hút dòng tiền số 1 những tháng qua. Triển vọng của dòng tiền được dự báo sẽ tiếp tục mặc dù định giá thị trường đã ở mức 16,5-17x. Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, một phần lợi nhuận của doanh nghiệp đã phản ánh vào giá cổ phiếu trên thị trường, tuy nhiên, các chỉ số vẫn có xu hướng đi lên và nhà đầu tư vẫn sẽ tiếp tục có thể kiếm lời từ chứng khoán.
Dù vậy, chiến lược quản trị rủi ro cần được nhà đầu tư chú trọng chặt chẽ trong giai đoạn này do TTCK Việt Nam sẽ phải đối diện với một số rủi ro tiềm ẩn trong giai đoạn 6 tháng cuối năm như (i) áp lực lạm phát quay lại và (ii) triển vọng tăng trưởng lợi nhuận có thể không còn mạnh trong quý 3 và quý 4 do ảnh hưởng COVID-19 kéo dài.
Dịch bệnh COVID-19 bùng phát trở lại lần thứ 4 dẫn đến nhiều địa phương trên cả nước phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội. Theo đó, thị trường bất động sản nhà ở TP.HCM hay Hà Nội và vùng phụ cận chỉ hoạt động chủ yếu trong tháng 4 và đầu tháng 5. Đáng chú ý là sự sụt giảm đáng kể về nguồn cung và lượng tiêu thụ ở nhiều phân khúc đã phản ánh rõ cơ hội “đầu tư sinh lợi” trên thị trường địa ốc. Điều này khá trái ngược với bức tranh sôi động cục bộ, đặc biệt ở phân khúc đất nền trong quý 1/2021. “Ngộp ngân hàng”, “Kẹt hàng”, “khách thuê trả mặt bằng”… là từ được nhiều nhà đầu tư sử dụng khi rao bán, cho thuê các sản phẩm địa ốc trong thời gian thị trường “xẹp” bớt sức nóng.
Tất nhiên, đã có một số nhà đầu tư thu lợi. Song theo chuyên gia Tài chính Nguyễn Lê Ngọc Hoàn, sự phân hóa của từng phân khúc, địa phương, với người có lãi vì thoát hàng sớm, người kẹt lại… vẫn sẽ tiếp tục diễn ra trên thị trường địa ốc 6 tháng cuối năm nay.
Theo dự báo từ DKRA Vietnam, đa phần các phân khúc sẽ duy trì nguồn cung mới ở mức tương đương 6 tháng đầu năm 2021, riêng nguồn cung căn hộ có thể tăng nhẹ. Trong đó, nguồn cung mới đất nền tập trung chủ yếu ở thị trường các tỉnh giáp ranh. Sức cầu chung có thể phục hồi vào những tháng cuối năm nay khi dịch bệnh được kiểm soát. Những dự án có pháp lý và hạ tầng hoàn thiện tiếp tục thu hút sự quan tâm của khách hàng. Dĩ nhiên, dự báo này gắn với diễn biến của dịch bệnh.
Trong các kênh đầu tư thụ động phổ biến, tiết kiệm là kênh dễ dàng và bảo toàn vốn tốt nhất và cũng ít sinh lợi nhất. Tiết kiệm những tháng đầu năm nay đã có sự sụt giảm trên toàn hệ thống nhà băng, do lãi suất huy động ở các ngân hàng giảm mạnh; người gửi tiền có nhu cầu chuyển đổi đầu tư ở kênh sinh lợi tốt hơn.
“Với mức lãi suất từ khoảng 3,5% -7,2%/năm ở kì hạn ngắn nhất và thỏa thuận trên 12 tháng, đang được áp dụng ở hầu hết các TCTD hiện nay, rõ ràng tiết kiệm còn kém sức hấp dẫn hơn so với một loại hình đầu tư thụ động khác, như trái phiếu. Với việc NHNN được dự báo tiếp tục sẽ duy trì chính sách tiền tệ như hiện tại và đang yêu cầu các NHTM hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp, việc tăng lãi suất huy động sẽ không thể xảy ra. Do đó, đây sẽ tiếp tục là kênh sẽ không còn thu hút với người gửi tiền như trước đây nữa”, ông Hoàn dự báo.
Có thể bạn quan tâm
Đến lúc bỏ trần lãi suất huy động
11:00, 13/06/2021
Lãi suất huy động tăng chưa đáng ngại
05:30, 13/03/2021
Chứng khoán: Đà phục hồi chưa bền vững
11:00, 16/08/2021
Chứng khoán tuần từ 16-20/8: VN-Index đứng trước rủi ro điều chỉnh
04:25, 16/08/2021
Chứng khoán Mỹ tăng cao kỷ lục trong khi lợi suất trái phiếu giảm
04:50, 15/08/2021