Xoay quanh đề xuất đánh thuế thu nhập cá nhân với lãi tiền gửi tiết kiệm, không ít ý kiến lo ngại, việc này sẽ gây khó cho huy động vốn và ảnh hưởng đến dòng chảy tín dụng.
Bài toán đánh thuế thu nhập từ lãi tiền gửi tiết kiệm một lần nữa “nóng” lên khi mới đây, tại văn bản góp ý Dự thảo đề nghị xây dựng Luật Thuế Thu nhập cá nhân (thay thế) do Bộ Tài chính chủ trì, UBND TP Cần Thơ kiến nghị chỉ nên miễn thuế thu nhập cá nhân với các khoản lãi tiền gửi có quy mô nhỏ, còn lãi suất tiền gửi lớn thì cần đưa vào diện chịu thuế.
Thực tế cho thấy, ý tưởng đánh thuế với lãi tiền gửi tiết kiệm không phải lần đầu xuất hiện, mà từng được đề xuất vào năm 2013 và năm 2017. Tại thời điểm đó, các ý kiến cho rằng, nếu khoản lãi lên tới hàng trăm triệu hay tiền tỷ mỗi năm thì nên được coi là một kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản, và vì vậy không nên miễn thuế.
Xoay quanh vấn đề đã nêu, không ít ý kiến bày tỏ, mục tiêu của chính sách thuế là đảm bảo nguồn thu ngân sách, nhưng đồng thời cũng phải duy trì ổn định tài chính và tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. Việc đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm vào thời điểm này có thể làm giảm động lực gửi tiền, gây khó khăn cho hệ thống ngân hàng trong việc huy động vốn và ảnh hưởng đến dòng chảy tín dụng trong nền kinh tế.
Theo ông Nguyễn Văn Được - Tổng giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn Thuế Trọng Tín, việc đánh thuế tiền gửi ngân hàng nhằm mở rộng cơ sở thuế và đảm bảo công bằng giữa các đối tượng. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, chính sách này chưa thực sự phù hợp và có thể gây nhiều hệ lụy không tốt cho nền kinh tế.
Vị chuyên gia này cho rằng, việc miễn thuế đối với tiền gửi giúp duy trì dòng vốn dân cư trong hệ thống ngân hàng, tạo điều kiện để nhà nước kiểm soát dòng tiền và triển khai chính sách tiền tệ nhằm điều tiết kinh tế vĩ mô. Nhờ đó, ngân hàng có thể phân bổ nguồn vốn hiệu quả, hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn phục vụ sản xuất và kinh doanh.
“Nếu áp dụng thuế lên tiền gửi, người dân có thể không còn mặn mà gửi tiền vào ngân hàng mà sẽ tìm kiếm các kênh đầu tư khác. Điều này có thể dẫn đến sự dịch chuyển dòng tiền vào các lĩnh vực kém bền vững, thậm chí tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, tiền ảo… làm gia tăng nguy cơ lừa đảo và gây bất ổn cho nền kinh tế”, vị này nhấn mạnh.
Đồng thời bày tỏ, để thu hút tiền gửi trong điều kiện bị đánh thuế, các tổ chức tín dụng buộc phải tăng lãi suất huy động, kéo theo lãi suất cho vay cũng tăng. Điều này làm gia tăng chi phí tài chính cho doanh nghiệp, khiến giá thành sản phẩm cao hơn, gây áp lực lạm phát và hạn chế khả năng vay vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Còn theo TS Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch điều hành kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, đồng tình với việc Nhà nước đánh thuế các nguồn thu nhập để đảm bảo tính công bằng và đem lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay mới chỉ một bộ phận người dân tiết kiệm tiền để gửi ngân hàng lấy lãi thì nếu đánh thuế, liệu người dân có tiếp tục gửi tiền ngân hàng nữa hay không, từ đó ngân hàng có dễ huy động được vốn không, hệ quả như thế nào. Nếu người dân hạn chế gửi tiền thì khi đó ngân hàng lấy tiền đâu để cho cá nhân, doanh nghiệp có nhu cầu vay?
“Theo tôi, không phải bất cứ nguồn thu nhập chính đáng nào cũng phải đánh thuế. Tất cả các nguồn thu phải nộp thuế là phù hợp, nhưng nếu thuế chồng thuế thì phải tính toán lại và đánh giá kỹ tác động của đề xuất đó”, ông Hùng nêu quan điểm.
Đồng quan điểm, không ít ý kiến cũng cho hay, Việt Nam hiện nay đang phát triển, tăng trưởng kinh tế nhanh đòi hỏi nguồn vốn nói chung ở mức cao, trong đó nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào tín dụng ngân hàng. Nhu cầu về vốn được đặt lên hàng đầu. Chính vì vậy, khi áp thuế đối với tiền gửi tiết kiệm sẽ tác động đến huy động vốn của hệ thống ngân hàng, trong khi dòng tiền có thể tìm kiếm kênh sinh lời khác. Về mặt bản chất, tính thuế tiền lãi tiết kiệm là đúng nhưng chưa nên áp dụng tính thuế đối với khoản thu nhập này trong vòng 5 năm tới nhằm hỗ trợ kinh tế.
Được biết, Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành đang quy định có 10 loại thu nhập đang thuộc diện thu nhập chịu thuế, gồm: Thu nhập từ kinh doanh; Thu nhập từ tiền lương, tiền công; Thu nhập từ đầu tư vốn; Thu nhập từ chuyển nhượng vốn; Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản; Thu nhập từ trúng thưởng; Thu nhập từ bản quyền; Thu nhập từ nhượng quyền thương mại; Thu nhập từ nhận thừa kế; Thu nhập từ quà tặng.