Đẩy mạnh cải cách thể chế, tháo bỏ rào cản, tạo thuận lợi với đầu tư kinh doanh… là cần thiết và cấp bách hơn bao giờ hết để tối ưu nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng.
>>>Chắp cánh cho “sếu đầu đàn” *
Năm 2023 là năm bản lề thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025. Do vậy, chính sách đưa ra phải có những thay đổi mang tính đột phá để giúp nền kinh tế tăng tốc và bứt phá trong giai đoạn tới.
Tuy nhiên, dự báo cho thấy bước sang năm 2023 các yếu tố bên ngoài tiếp tục diễn biến khó lường, sẽ tác động bất lợi tới nền kinh tế trong nước. Đó là kinh tế toàn cầu đi xuống khiến tổng cầu suy giảm. Nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam của các đối tác nước ngoài giảm xuống, thậm chí giảm xuống rất mạnh, qua đó đã, đang và sẽ tác động trực tiếp đến các đơn hàng xuất khẩu và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Cùng với đó, giá năng lượng, nguyên vật liệu nhiều khả năng vẫn ở mức cao.
Chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ của các nước cũng được cho là sẽ tiếp tục thắt chặt, vừa gây áp lực dai dẳng đến chi phí sản xuất kinh doanh khi chi phí tăng lên, lợi nhuận bị ảnh hưởng thì doanh nghiệp cũng sẽ phải điều chỉnh thu hẹp quy mô sản xuất và vừa tác động đến thị trường tiền tệ, tỷ giá trong nước.
Trong khi đó các kênh huy động vốn của doanh nghiệp vẫn khó khăn. Niềm tin của nhà đầu tư suy giảm khiến thanh khoản của thị trường thu hẹp; sức cầu trong nước có thể cũng suy giảm mạnh.
Từ thực tế này, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, trong năm 2023, Chính phủ nên đưa ra thông điệp về sự ổn định chính sách theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Bởi theo ông Tuấn, khi mà bên ngoài bất ổn, thì một điều cần làm nổi bật là giữ ổn định các điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh. Bất kỳ chính sách nào đi ngược lại điều nay hoặc có xu hướng ảnh hưởng đến điều này cần phải trải qua một quá trình kiểm duyệt, đánh giá, cân nhắc kỹ. Do đó, truyền thông chính sách trong năm 2023 cần làm rõ yếu tố này.
>>>Ưu tiên nguồn lực cho doanh nghiệp nông nghiệp
Trưởng Ban Pháp chế VCCI nhấn mạnh, “tối ưu nguồn lực” là điều rất quan trọng. “Việt Nam có rất nhiều nguồn lực nhưng việc sử dụng chưa thực sự tốt. Ví dụ, giải ngân đầu tư công, nhiều dự án lớn đang bị ngâm hàng năm trời vì kẹt thủ tục. Tôi cho rằng đột phá của năm 2023 và những năm tới là phải cải cách về quy trình và thủ tục để tối ưu nguồn lực. Chúng ta chỉ cần khai thác được nguồn lực hiện có đã đủ rồi”, ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh.
Cũng theo ông Tuấn, năm 2023 là một năm rất thách thức trong giải ngân đầu tư công, việc giải ngân chương trình hỗ trợ phục hồi hầu hết đang để lại cho năm 2023, chưa kể đến áp lực giải ngân vốn đầu tư công trung hạn.
Một điểm quan trọng nữa được Trưởng Ban Pháp chế VCCI nhấn mạnh là cần chú trọng chất lượng thực thi chính sách. “Việc thực thi phải theo hướng tạo động lực thực thi trong bộ máy chính quyền các cấp. Bên cạnh đó là phải chú trọng chất lượng pháp luật, giảm chồng chéo, tăng khả năng thực thi để người thực thi yên tâm, còn doanh nghiệp dễ dàng làm theo”, ông Tuấn khẳng định.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, trong bối cảnh sức khỏe doanh nghiệp còn yếu sau cơn “bạo bệnh” vì Covid-19, phải nhanh chóng trở lại với tinh thần “Chính phủ kiến tạo”. Chính phủ cần tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, đặc biệt là ưu tiên kiềm chế lạm phát ở mức hợp lý tùy thuộc vào diễn biến thị trường và các yếu tố khách quan.
Để thúc đẩy tăng trưởng, bên cạnh việc thực hiện tốt Chương trình phục hồi thì trước mắt cần tập trung thúc đẩy đầu tư công, thu hút khách du lịch quốc tế và hỗ trợ, tạo thuận lợi thương mại.
Cùng với đó, cần có các giải pháp để giải tỏa các tâm lý có phần bất an của các nhà đầu tư, từng bước khôi phục niềm tin của thị trường. Đặc biệt, cần củng cố lòng tin và động lực cho công chức, các cơ quan nhà nước để xóa bỏ tâm lý sợ làm sai đang là rào cản, thách thức lớn trong việc đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội.
“Tôi cho rằng, không gian cho tăng trưởng, phát triển còn bao la. Vì vậy, như tôi đã nói ở trên, cần đẩy mạnh cải cách vĩ mô từ phía cung, nhất là cải cách thể chế, tháo bỏ rào cản, tạo thuận lợi đối với đầu tư kinh doanh… là cần thiết và cấp bách hơn bao giờ hết để có thể thúc đẩy tăng trưởng”, ông Cung nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
00:00, 23/01/2023
09:40, 22/01/2023
03:45, 22/01/2023
03:45, 21/01/2023
04:00, 20/01/2023