Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa có văn bản yêu cầu các TCTD tiếp tục đẩy mạnh triển khai Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp.
>>>Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp theo cụm, khu vực: Hiệu quả và lan tỏa
Theo văn bản, NHNN yêu cầu Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố, Chủ tịch Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tiếp tục đẩy mạnh triển khai Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp.
Đối với NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố, NHNN yêu cầu thường xuyên tổ chức chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp trên địa bàn theo chỉ đạo của NHNN tại Chỉ thị 01/CT-NHNN, Quyết định 83/QĐ-NHNN, Thông báo 81/TB-NHNN, Công văn 3053/NHNN-TD. Chương trình kết nối tổ chức theo hình thức phù hợp (Hội nghị, làm việc, trao đổi...) để đối thoại trực tiếp giữa ngân hàng với khách hàng; nắm bắt các khó khăn vướng mắc liên quan đến việc tiếp cận vốn vay ngân hàng để kịp thời xử lý, tháo gỡ.
Chủ động báo cáo Lãnh đạo tỉnh, thành phố, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, các Sở, ban, ngành và hiệp hội có liên quan tại địa phương nắm bắt tình hình tiếp cận vốn vay của các doanh nghiệp; không để doanh nghiệp có phương án kinh doanh hiệu quả, đáp ứng đầy đủ quy định của pháp luật mà không tiếp cận được vốn vay.
>>>Truyền thông chính sách trong hoạt động ngân hàng
Chỉ đạo các TCTD trên địa bàn; (i) tích cực tham gia Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp do NHNN chi nhánh trên địa bàn đầu mối tổ chức; (ii) chủ động thường xuyên triển khai có hiệu quả, thiết thực Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp bằng các hình thức phù hợp (như Hội nghị khách hàng, chương trình đối thoại, trao đổi với khách hàng...); (iii) cấp tín dụng hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ và các lĩnh vực thế mạnh của địa phương; (iv) chủ động tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp, người dân biết các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước, NHNN để được thụ hưởng.
Kịp thời báo cáo chính quyền địa phương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam những khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền để được xem xét xử lý, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp trên địa bàn.
Đối với các TCTD, NHNN yêu cầu thường xuyên tổ chức chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp theo chỉ đạo của NHNN tại Chỉ thị 01/CT-NHNN, Quyết định 83/QĐ-NHNN, Thông báo 81/TB-NHNN, Công văn 3053/NHNN-TD; đa dạng hóa nội dung, chuyên đề Hội nghị bằng các hình thức phù hợp nhằm tăng cường hoạt động kết nối ngân hàng với doanh nghiệp, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của khách hàng có hiệu quả, thực chất; chủ động thông báo cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, NHNN và của TCTD mình cho khách hàng, tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp thường xuyên, qua đó mở rộng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, người dân.
Chỉ đạo các chi nhánh TCTD trong hệ thống: (i) tích cực tham gia Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp tại địa bàn do NHNN tổ chức; (ii) bản thân từng chi nhánh tổ chức có hiệu quả, thiết thực Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp bằng các hình thức phù hợp (Hội nghị khách hàng, trực tiếp làm việc, trao đổi, đối thoại với khách hàng...); (iii) nghiên cứu, phát triển đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng phù hợp với các đối tượng doanh nghiệp và đăng ký các chương trình tín dụng cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp trong tiếp cận vốn tín dụng và các dịch vụ ngân hàng; (iv) cấp tín dụng hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ; (v) phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách tín dụng đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn.
Chủ động, kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc trong hệ thống; báo cáo chính quyền địa phương, NHNN, các Bộ, ngành có liên quan về các khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền; đề xuất, kiến nghị trong quá trình triển khai thực hiện.
Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp là một trong những chương trình có giá trị thúc đẩy tiếp cận và giải ngân tín dụng đã được các TCTD triển khai trong những năm qua. Trong năm 2023, chương trình này được NHNN triển khai cùng các NHNN chi nhánh trên nhiều địa bàn, "phủ sóng" gần khắp 63 tỉnh thành trong cả nước.
NHNN cho biết đây là một trong những điểm nhấn của ngành ngân hàng năm qua, với việc đã tổ chức hàng trăm chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tại 63 tỉnh, thành phố và một số vùng trên cả nước (Đông Nam Bộ, Tây Nguyên), các tỉnh, thành phố trọng điểm (Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên…), các hội nghị tín dụng chuyên đề (lĩnh vực bất động sản, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, nông sản xuất khẩu chủ lực…) nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Theo thống kê, trong năm 2023 đã có khoảng 460 buổi gặp gỡ, đối thoại giữa ngân hàng với doanh nghiệp được tổ chức trên toàn quốc. Thông qua các chương trình này, các TCTD đã hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho hơn 185.000 doanh nghiệp và một số khách hàng khác, với dư nợ trên 1,7 triệu tỷ đồng.
Cập nhật các tháng đầu năm 2024, chỉ tính riêng trên địa bàn TP.HCM, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết, năm 2024, chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã có những điều chỉnh, thay đổi cách thức tổ chức thực hiện để phù hợp với tình hình thực tế, nâng cao hiệu quả và đạt được mục tiêu chung của chương trình đó là hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo định hướng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và UBND TP. Hồ Chí Minh.
Hết quý I/2024, thông qua chương trình đã giải ngân gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp (được 17 thương hiệu ngân hàng trên địa bàn đăng ký từ đầu năm) đạt 174 nghìn tỷ đồng, chiếm 34% quy mô gói, cho hơn 42 nghìn khách hàng. Riêng hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp được tổ chức kết hợp giữa 3 quận bao gồm: quận 3, quận 10 và quận Tân Bình, với tổng số tiền cho vay hỗ trợ đạt 7.500 tỷ đồng. Trong đó, các doanh nghiệp được giảm lãi suất cho vay các khoản vay cũ; cơ cấu lại nợ giữ nguyên nhóm nợ; cho vay ưu đãi lãi suất và tăng hạn mức tín dụng.
Có thể bạn quan tâm