Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ODA

Hằng Hà 23/09/2019 00:00

Các dự án không thể giải ngân hết kế hoạch trong năm 2019, được đưa phần vốn chưa sử dụng hết vào kế hoạch năm 2020.

Tình hình giải ngân vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài trong một số năm gần đây và trong năm 2019 rất chậm.

Ước từ đầu năm đến 31/8/2019, giải ngân nguồn vốn này được 6.480 tỷ đồng, chỉ đạt 10,7% kế hoạch

8 tháng năm 2019, giải ngân nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài chỉ đạt  hơn 10% kế hoạch

Số liệu thống kê từ Bộ Tài chính cho thấy, trong 3 năm 2016 - 2018, tổng số vốn đầu tư công từ nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài Quốc hội giao là 184.033 tỷ đồng, trong đó Chính phủ đã giao 175.188 tỷ đồng. Tổng vốn đã thực hiện mới đạt 137.176 tỷ đồng, bằng 74,53% dự toán được Quốc hội giao.

Ước từ đầu năm đến 31/8/2019, giải ngân nguồn vốn này được 6.480 tỷ đồng, chỉ đạt 10,7% kế hoạch vốn do Quốc hội giao (60.000 tỷ đồng) và 15,7% kế hoạch do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo (40.735 tỷ đồng).

Chi thường xuyên từ nguồn vốn nước ngoài 8 tháng đầu năm đạt 862 tỷ đồng, bằng 8,5% dự toán Quốc hội phê duyệt. Trong đó có 35 bộ, ngành, địa phương từ đầu năm 2019 đến nay chưa có giải ngân; nhiều bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân rất thấp, như: Bộ Y tế (4,8%), tỉnh Quảng Ninh (0,5%), Quảng Nam (2,3%), Hưng Yên (8,3%).

Qua số liệu về cho vay lại 8 tháng qua cho thấy, chính quyền địa phương đã giải ngân khoảng 247 tỷ đồng, đạt hơn 1,4%; doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập đã giải ngân 8.894 tỷ đồng, đạt 33,9% hạn mức giải ngân cho vay lại.

Có thể bạn quan tâm

  • ODA giải ngân chậm: Thẩm quyền Trung ương, vướng mắc địa phương

    ODA giải ngân chậm: Thẩm quyền Trung ương, vướng mắc địa phương

    11:10, 20/09/2019

  • ACV kiến nghị tự đầu tư sân bay Long Thành, không dùng vốn ODA

    ACV kiến nghị tự đầu tư sân bay Long Thành, không dùng vốn ODA

    17:01, 09/08/2019

  • Giao vốn chưa kịp thời làm chậm giải ngân ODA

    Giao vốn chưa kịp thời làm chậm giải ngân ODA

    00:02, 23/07/2019

  • Thủ tục đẩy chi phí vốn ODA tăng

    Thủ tục đẩy chi phí vốn ODA tăng

    00:00, 20/07/2019

Theo Bộ Tài chính, vướng mắc chủ yếu tập trung vào các nhóm vấn đề như khâu giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn chậm, thiếu so với nhu cầu; một số chủ đầu tư chưa lường trước được các yếu tố tác động nên xây dựng kế hoạch vốn chưa sát với khả năng thực hiện của các dự án, dẫn đến nhiều dự án được giao kế hoạch vốn lớn hơn nhiều so với khả năng thực hiện.

Thực tế còn nhiều dự án cần điều chỉnh kế hoạch vốn, tăng tổng mức đầu tư nhưng gặp vướng mắc liên quan đến trình tự thủ tục, thẩm quyền, đặc biệt là những dự án lớn thuộc cấp cao quyết định. Nhiều dự án khi được điều chỉnh đã hết thời gian giải ngân và phải xin gia hạn dự án, gia hạn giải ngân kéo theo nhiều thủ tục pháp lý rất phức tạp.

Ngoài ra, việc tổ chức đấu thầu, ký kết hợp đồng với nhà thầu và tổ chức triển khai thực hiện các gói thầu tại nhiều dự án còn chậm. Có dự án mặc dù được ghi kế hoạch, được giao vốn nhưng lại không có đủ điều kiện thực hiện giải ngân rút vốn. Ngược lại có dự án, chương trình dù không được ghi đủ kế hoạch vốn dẫn tới thiếu vốn nên không đủ điều kiện để giải ngân…

Vì vậy, kết thúc năm dự án không giải ngân hết kế hoạch được giao, phải cắt giảm hoặc chuyển nguồn sang năm sau. Một số dự án không có khả năng thực hiện vẫn được đăng ký và giao kế hoạch vốn nên không thể giải ngân. Đặc biệt, công tác phân bổ kế hoạch vốn còn chậm, giao nhiều lần chưa phù hợp với yêu cầu tiến độ các dự án, việc điều chỉnh kế hoạch vốn giữa các dự án còn chưa kịp thời gây khó khăn cho công tác giải ngân…

Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư chưa chú trọng đến công tác lựa chọn tư vấn lập hồ sơ cũng như công tác rà soát, kiểm tra hồ sơ, dẫn đến chất lượng hồ sơ có nhiều nội dung phải sửa đổi, hiệu chỉnh…  Do vậy, làm kéo dài thời gian thẩm định, trình phê duyệt và triển khai thủ tục tiếp theo. Nhiều dự án chưa có kế hoạch chuẩn bị trước nên khi triển khai thực hiện còn vướng về quy hoạch, đền bù, giải tỏa dẫn đến kéo dài thời gian lập dự án.

 “Từ thực tế này, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ kiến nghị các nhóm biện pháp tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài” - ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại Bộ Tài chính cho biết.

Bộ Tài chính đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc giao đủ kế hoạch 60.000 tỷ đồng vốn nước ngoài năm 2019. Trên cơ sở đó, các bộ chủ quản, cơ quan tài chính các cấp hoàn thành việc giao, nhập và phê duyệt trên Tabmis để các dự án có cơ sở giải ngân hết kế hoạch vốn trong thời gian còn lại của năm 2019. Đối với các dự án không thể giải ngân hết kế hoạch trong năm 2019, cho phép các bộ, ngành và địa phương được đưa phần vốn chưa sử dụng hết vào kế hoạch năm 2020 nhằm đảm bảo triển khai liên tục để hoàn thành dứt điểm các dự án đang triển khai. 

Đồng thời, để giúp các dự án có thể nhanh chóng triển khai theo đúng tiến độ trong khi cơ chế điều chỉnh kế hoạch vốn chưa được sửa đổi, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện việc rà soát và báo cáo ngay các cấp có thẩm quyền thực hiện việc điều chuyển các nguồn vốn giữa các dự án cho phù hợp với nhu cầu giải ngân thực tế, đặc biệt là đối với các dự án điều chuyển, điều chỉnh nội bộ trong kế hoạch của các bộ, ngành, địa phương đã được bố trí nhưng không được vượt kế hoạch. 

Trong thực thi, cơ quan chủ quản chủ động cùng các cơ quan có liên quan giải quyết các vướng mắc về đấu thầu mua sắm, thuế, giải phóng mặt bằng, đôn đốc các chủ dự án khẩn trương hoàn hiện hồ sơ để ký kết hợp đồng cho vay lại. Khi có khối lượng hoàn thành cần làm ngay thủ tục kiểm soát chi, gửi đơn rút vốn để Bộ Tài chính kịp thời gửi nhà tài trợ, theo dõi sát tiến độ từng dự án, kịp thời có đề xuất điều chuyển, điều chỉnh kế hoạch vốn cho phù hợp.

Với các dự án có thay đổi về chủ trương đầu tư, các Bộ chủ quản và địa phương làm thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ ít nhất 6 tháng trước ngày kết thúc dự án; đối với đề nghị gia hạn rút vốn tại hiệp định vay nước ngoài, cơ quan chủ quản cần gửi Bộ Tài chính ít nhất trước 3 tháng để thực hiện đàm phán với nhà tài trợ và báo cáo cấp có thẩm quyền theo đúng quy định.

Bên cạnh đó, các cơ quan cho vay lại, đặc biệt là Ngân hàng Phát triển Việt Nam phối hợp với các cơ quan chủ quản và chủ dự án tháo gỡ các vướng mắc về thẩm định cho vay lại, thẩm định tài sản đảm bảo, ký hợp đồng cho vay lại. Đối với vướng mắc của các dự án cho vay lại qua Ngân hàng này, Bộ Tài chính đề xuất tổ chức các buổi làm việc với các bên có liên quan để tháo gỡ các vướng mắc cụ thể của từng dự án.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ODA
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO