Đẩy tín dụng ra nền kinh tế: Giải pháp nào?

DIỄM NGỌC 26/07/2023 05:30

Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Mùi, một khoản tín dụng rẻ hoặc dưới chuẩn, rủi ro sẽ rất cao, nên nếu Chính phủ muốn đẩy mạnh tín dụng ra nền kinh tế, thì phải có sửa đổi một khía cạnh nào đó về chính sách.

>>Triển khai nhiều phương thức cho vay hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn

Doanh nghiệp thiếu vốn lưu động

Theo ông Vũ Công Huân, Giám đốc công ty cổ phần tập đoàn HDC - một công ty xuất nhập khẩu và phân phối thủy sản trong nước phản ánh, hiện nay mảng xuất khẩu của doanh nghiệp thực sự khó khăn khi đơn hàng giảm khoảng 25-27%. Còn với thị trường nội địa, dù giá nguyên liệu đầu vào đã giảm khoảng 30-35% so với 6 tháng đầu năm ngoái, nhưng doanh nghiệp không có nguồn vốn để sản xuất hàng hoá.

Doanh nghiệp mong muốn ngân hàng thương mại chấp nhận rủi ro về tín dụng để áp dụng cho một bộ phận DNNVV có khách hàng tốt, dòng tiền tốt

Doanh nghiệp mong muốn ngân hàng thương mại chấp nhận rủi ro về tín dụng để áp dụng cho một bộ phận DNNVV có khách hàng tốt, dòng tiền tốt

Ông Huân chia sẻ, HDC có tiếp cận ba ngân hàng với tổng hạn mức tín dụng được cấp khoảng 80 tỷ đồng. Tuy nhiên, hạn mức có thể giải ngân tín chấp chỉ khoảng 8-10 tỷ đồng, còn lại ngân hàng yêu cầu phải có tài sản đảm bảo.

Với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) như HDC sẽ không đáp ứng được tiêu chí này, mặc dù các báo cáo tài chính, dòng tiền rất tốt. Những khách hàng lớn như Vingroup, Massan hay Lotte,... đều có dòng tiền thanh toán đúng hạn và không bao giờ chậm quá 5 ngày. Phía ngân hàng cũng chia sẻ rằng dù khách hàng tốt, nhưng quy định về cho vay tín chấp đối với DNNVV tối đa chỉ từ 3-5 tỷ đồng, nghĩa là với 3 ngân hàng thì được khoảng 10 tỷ đồng.

“Chúng tôi mong muốn Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các ngân hàng thương mại đưa ra giải pháp nào đó giúp các doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn thuận lợi hơn, hoặc chấp nhận rủi ro về tín dụng để áp dụng cho một bộ phận DNNVV có khách hàng tốt, dòng tiền tốt.

Hiện tại, đơn hàng chúng tôi bán tại nội địa chỉ đạt khoảng 35% và phải dành một phần vốn để xuất khẩu, vậy vấn đề như tôi đã chia sẻ là đơn hàng tại Việt Nam đang không thể giao đủ do không có nguồn vốn lưu động sản xuất. Khi bán hàng, khách hàng cũng nợ khoảng 2 tháng, nhưng khi mua nguyên liệu của người nông dân thì phải thanh toán ngay. Vì vậy chỉ trong 2 tháng đó, chúng tôi mong muốn ngân hàng cùng đồng hành, cùng kiểm soát và tin tưởng doanh nghiệp, giống như chúng tôi tin tưởng khách hàng và để từ đó tăng hạn mức cho doanh nghiệp”, ông Huân bày tỏ.

Về phía ngân hàng, ông Trần Long - Phó Tổng giám đốc ngân hàng BIDV - lý giải, trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của toàn ngành ngân hàng chỉ đạt 4,73%, là mức tăng trưởng tương đối thấp so với cả giai đoạn năm 2018-2022 và cũng chỉ tương đương với cùng kỳ của năm 2020.

Theo nghiên cứu thực tiễn từ phía BIDV cũng như nhiều chuyên gia chia sẻ, nguyên nhân chính ở đây có cả khách quan và chủ quan, trong đó đơn hàng và đầu ra sụt giảm là rất rõ rệt, dẫn đến các phương án kinh doanh, dự án đầu tư khả thi của doanh nghiệp cũng ít đi.

“Một vấn đề của DNNVV hiện nay là sở hữu tư nhân là chính, năng lực quản trị chưa thực sự tốt, nên rất khó để ngân hàng đánh giá một cách chính xác về năng lực, cũng như dòng tiền của doanh nghiệp.

Đặc biệt, đôi khi một doanh nghiệp lại quan hệ với nhiều tổ chức tín dụng dẫn đến ngân hàng khó đạt được mục tiêu kiểm soát dòng tiền. Chúng ta cần chia sẻ trên quan điểm thẳng thắn, là làm sao để tiếp tục nâng cao hiểu biết của doanh nghiệp về pháp lý, cùng nhau chia sẻ lợi ích - rủi ro thì mới đạt được đích đến cuối cùng”, ông Long nói.

>>Linh hoạt cơ chế để doanh nghiệp tiếp cận vốn vay

Sửa đổi chính sách phù hợp

Phân tích về thực trạng tiếp cận và hấp thụ vốn của các doanh nghiệp hiện nay, PGS.TS. Nguyễn Thị Mùi, Thành viên hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia nhìn nhận, cầu tiêu dùng trong nước và quốc tế đều đang giảm rất mạnh trong bối cảnh khó khăn chung.

Theo chuyên gia, một số bộ, ngành đã vào cuộc thực hiện cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng tác động đến tín dụng ngân hàng lại chưa thực sự kịp thời

Theo chuyên gia, một số bộ, ngành đã vào cuộc thực hiện cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng tác động đến tín dụng ngân hàng lại chưa thực sự kịp thời

Nguyên nhân đến từ nhiều phía gồm cả khách quan lẫn chủ quan, cụ thể: Thứ nhất, là từ phía doanh nghiệp bị giảm đơn hàng, giảm nhập khẩu nguyên vật liệu, giảm sản xuất kinh doanh, giảm thu nhập,... dẫn đến hàng tồn kho cao. Qua đó đã tác động mạnh đến cầu tín dụng là tất yếu.

Thứ hai, là từ phía ngân hàng đã mua vốn về thì phải cho vay, nhưng việc mở rộng tín dụng khó khăn do tìm doanh nghiệp tốt, xác định dòng tiền của doanh nghiệp không dễ. Các doanh nghiệp vẫn mong muốn tiếp tục hạ lãi suất cho vay thêm nữa, song cái khó là thời gian vừa qua ngân hàng đã huy động tiền gửi với lãi suất cao nên rất khó để lập tức điều chỉnh lãi suất đầu ra.

Đặc biệt, doanh nghiệp cũng mong muốn thủ tục đơn giản đi, nhưng vấn đề này còn tuân theo nguyên tắc: bên vay có trách nhiệm và cho vay cũng có trách nhiệm thì yếu tố đảm bảo tiền vay mới không còn nặng nề nữa.

Thứ ba, là các cơ quan ban ngành có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt là vấn đề tín dụng với nền kinh tế. Đồng tình rằng một số bộ, ngành đã vào cuộc thực hiện cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng tác động đến tín dụng ngân hàng lại chưa thực sự kịp thời.

“Trong khảo sát của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân đã nói rõ, 80% các doanh nghiệp lên tiếng là nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chưa được địa phương triển khai một cách hiệu quả, thậm chí trong kết quả khảo sát là rất kém, đồng thời chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn nảy sinh. Vì vậy, không chỉ ngân hàng thương mại, cộng đồng doanh nghiệp cố gắng, mà các địa phương cũng phải vào cuộc”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

Thực tế, nhiều lãnh đạo ngân hàng cũng thừa nhận, việc cho vay tín chấp với doanh nghiệp còn chiếm tỷ lệ chưa nhiều. Nguyên nhân một phần là nền tảng thông tin, dữ liệu của khách hàng vẫn rất sơ khai, chưa đồng nhất. Hơn nữa, khẩu vị rủi ro của mỗi ngân hàng là khác nhau và việc cho vay phải tuân theo quy định pháp luật.

Chính vì vậy, PGS.TS. Nguyễn Thị Mùi cho rằng, vấn đề của rất nhiều doanh nghiệp hiện nay là chưa tạo được niềm tin, chứng minh được đã vay rồi sẽ đảm bảo trả đủ gốc và lãi, nên ngân hàng luôn luôn yêu cầu tài sản đảm bảo.

“Tôi cho rằng, để hỗ trợ cho doanh nghiệp, chúng ta cần phải sửa một loạt các chính sách như Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV (dù đã đưa ra từ lâu và nhiều lần sửa đổi nhưng việc thực hiện vẫn chậm chạp). Có thể nói, một khoản tín dụng rẻ hoặc dưới chuẩn thì rủi ro rất cao, nên nếu Chính phủ muốn đẩy mạnh tín dụng ra, thì phải có sửa đổi một khía cạnh nào đó về vấn đề chính sách, còn các ngân hàng họ vẫn thực hiện theo nguyên tắc và giữ trách nhiệm xã hội, trách nhiệm với người gửi tiền”, bà Mùi phân tích.

Có thể bạn quan tâm

  • Bên cạnh lãi suất vay thấp, hộ kinh doanh quan tâm thêm điều gì khi vay vốn?

    04:50, 22/05/2023

  • Doanh nghiệp cần nhưng không dám vay vốn

    04:00, 31/03/2023

  • Quy định “làm khó” doanh nghiệp nông nghiệp vay vốn

    11:00, 31/03/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đẩy tín dụng ra nền kinh tế: Giải pháp nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO