Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội: Giải bài toán cơ chế?

SÔNG HÀN 06/04/2023 02:00

Cơ chế chính sách thông thoáng, phù hợp sẽ là nhân tố quyết định với phát triển nhà ở xã hội giai đoạn từ nay đến năm 2030.

>>Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, tiến độ đến đâu?

Theo chuyên gia, để hoàn thành mục tiêu Đề án Chính phủ, Bộ Xây dựng đã đưa ra đối với phát triển nhà ở xã hội, cần sớm tháo gỡ những hạn chế đang tồn tại - Ảnh minh họa: ITN

Theo chuyên gia, để hoàn thành mục tiêu Đề án Chính phủ, Bộ Xây dựng đã đưa ra đối với phát triển nhà ở xã hội, cần sớm tháo gỡ những hạn chế đang tồn tại - Ảnh minh họa: ITN

Cầu vượt cung

Nhà ở xã hội là một trong những chương trình nhà ở có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia. Trong nhiều thập kỷ qua, mô hình nhà ở xã hội đã được một số nước trên giới quan tâm và phát triển thành công như Mỹ, Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc... Tại Việt Nam, việc triển khai chương trình nhà ở xã hội đã trải qua khoảng 13 năm nhưng chưa thành công như mong đợi.

Tính đến nay, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị và nhà ở công nhân khu công nghiệp, quy mô xây dựng khoảng 155.800 căn với tổng diện tích hơn 7.790.000 m2.

Số dự án đang được triển khai là 401 với quy mô xây dựng khoảng 454.360 căn, trong đó có 245 dự án với quy mô 300.000 căn hộ đang thực hiện thủ tục đầu tư và có 156 dự án với quy mô 156.700 căn hộ đang đầu tư xây dựng. Ghi nhận đây là kết quả tích cực, song Chính phủ cho rằng tỷ lệ này mới đạt 65% mục tiêu đề ra đến năm 2020.

Thực tế cho thấy, nhu cầu về nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, nhà ở công nhân các khu công nghiệp luôn tăng cao theo từng giai đoạn. Số liệu từ 60/63 tỉnh, thành phố về nhà ở xã hội gửi về Bộ Xây dựng trong giai đoạn 2021-2030 là khoảng 2.400.000 căn.  

Nhìn vào thực tế trên chúng ta có thể thấy, điều mà phân khúc nhà ở xã hội đang thiếu chính là một cú hích để phân khúc này tăng sức hấp dẫn và tạo động lực cho các nhà đầu tư. 

Vui mừng thay, ngày 3/4 vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà thay mặt Thủ tướng ký quyết định phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2023”.

Đề án đặt mục tiêu đến năm 2030 xây được một triệu căn nhà ở xã hội (trong đó đến năm 2025 hoàn thành 428.000 căn); tổng vốn dự kiến là 849.000 tỷ đồng, chủ yếu bằng vốn xã hội hóa. Đề án được kỳ vọng sẽ giúp giá phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình thu nhập trung bình, thấp khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp.

Thoạt nhìn, con số 1 triệu căn nhà ở xã hội sẽ được xây dựng trong đề án có vẻ rất lớn nhưng nó cũng chỉ đáp ứng được một phần. Tuy vậy, đây là lần đầu tiên Chính phủ đưa ra một chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân bài bản, với mục tiêu rõ ràng và giải quyết hàng loạt nút thắt lâu nay.

Việc phát triển nhà ở xã hội được cho vẫn vướng mắc từ cơ chế, chính sách - Ảnh minh họa: ITN

Việc phát triển nhà ở xã hội được cho vẫn tồn tại, vướng mắc từ cơ chế, chính sách - Ảnh minh họa: ITN

>>Phê duyệt Đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội: Nhiều điểm mới

>>Thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội: Cần sớm tháo gỡ những tồn tại về chính sách

>>Đề xuất bỏ điều kiện cư trú khi mua nhà ở xã hội

Giải bài toán cơ chế?

Xét về “chiếc bánh thị phần”, rõ ràng nhà ở xã hội dành cho đối tượng có thu nhập thấp còn dư địa rất lớn để phát triển, nhưng tại sao các doanh nghiệp bất động sản đều “xa lánh” phân khúc này?

Câu trả lời chung nhất và đơn giản nhất là do lợi nhuận thấp, trong khi việc lo bài toán an cư cho một đại bộ phận này, suy cho cùng không phải là trách nhiệm của doanh nghiệp mà là của Chính phủ và các bộ ngành liên quan, cũng như các địa phương có mức độ đô thị hóa lớn.

Bên cạnh đó, thẳng thắn mà nói, trái “bong bóng” bất động sản đang tan vỡ thời gian qua phần nào lộ ra những chiêu bài thổi giá, đầu cơ bị phơi bày. Đã đến lúc các doanh nghiệp cần tỉnh ngộ để nhìn lại vai trò giá trị cốt lõi và đích thực của bất động sản. Đó là sản phẩm dành cho bởi những con người sinh sống ở đó. Giá trị của nó, suy cho cùng, do người ở định đoạt, chứ không phải các nhà đầu tư, đầu cơ.

Tức là, cần nhận ra rằng, giá trị của bất động sản, cuối cùng vẫn do người ở định đoạt chứ không phải người đầu cơ. Và từ đó hình thành tư duy xây nhà cho “người ở”, chứ không cho “người mua”, những người đang chiếm dụng cơ hội sở hữu nhà của hàng triệu công dân Việt Nam khác.

Trong bối cảnh đó, việc hoàn thành mục tiêu xây được ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 là rất cần thiết và đầy tính nhân văn. Nhiều chuyên gia, doanh nghiệp đều cho rằng việc đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội tại thời điểm hiện nay sẽ có tác động kép: Vừa giúp người dân có thu nhập thấp có cơ hội tiếp cận với nhà ở phù hợp, vừa cân đối cung - cầu, tác động hạ giá thành phân khúc nhà ở thương mại, giúp thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh hơn.

Dẫu vậy, để đạt được mục tiêu nhân văn đó, Chính phủ sẽ còn rất nhiều việc phải làm như: Sửa đổi Luật nhà ở và các quy định pháp luật về thuế, quỹ đất, nguồn vốn…Trong đó, cơ chế chính sách thông thoáng, phù hợp sẽ là nhân tố quyết định với phát triển nhà ở xã hội giai đoạn từ nay đến năm 2030. 

Nói vậy bởi vì, ngay chính Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cũng đã thẳng thắn nêu lên những khó khăn tồn đọng trong công tác triển khai các dự án nhà ở xã hội. Đó là những vướng mắc về hành lang pháp lý của loại hình bất động sản này. Bên cạnh đó ông cũng cho rằng điều cần đặc biệt chú trọng là thu hút đầu tư và xây dựng các dự án nhà ở xã hội đạt chuẩn chất lượng và rõ ràng về mặt pháp lý để phục vụ cho đối tượng người có thu nhập thấp và công nhân tại các khu công nghiệp.

Không thể phủ nhận những thành công bước đầu của chương trình nhà ở xã hội mang lại, cũng như không thể không ghi nhận đóng góp của những chủ đầu tư vì đã tiên phong vào lĩnh vực này những năm qua. Và sự kỳ vọng lớn của đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội mang lại là nó sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn, phát triển thị trường bất động sản ổn định, lành mạnh hơn.

Có thể bạn quan tâm

  • Nhà ở xã hội đội giá

    15:26, 04/04/2023

  • Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, tiến độ đến đâu?

    05:17, 04/04/2023

  • Phê duyệt Đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội: Nhiều điểm mới

    00:05, 04/04/2023

  • Thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội: Cần sớm tháo gỡ những tồn tại về chính sách

    11:30, 02/04/2023

  • Lãi suất vay ưu đãi nhà ở xã hội, công nhân từ 8,2-8,7%

    18:18, 03/04/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội: Giải bài toán cơ chế?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO