Công tác chống tham nhũng đang được thực hiện tốt và quyết liệt, nhưng cần phải làm tốt công tác phòng ngừa để cho không dám tham nhũng mới là cái gốc.
>>Nhận diện tham nhũng chính sách từ vụ án “chuyến bay giải cứu”
Dự kiến vào ngày 15/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành Kế hoạch tổ chức hoạt động chất vấn tại Phiên họp thứ 25 về giải pháp kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng luật.
Cụ thể, nhóm vấn đề thứ nhất (lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp) gồm có các nội dung thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, các giải pháp đảm bảo tiến độ, chất lượng và hồ sơ thủ tục các dự án, dự thảo Chính phủ trình Quốc hội. Giải pháp nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật, giải pháp kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật thuộc trách nhiệm của Chính phủ.
Thực trạng và giải pháp nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật. Giải pháp khắc phục tình trạng chậm ban hành, nội dung chồng chéo, mâu thuẫn và những hạn chế, sai phạm trong việc ban hành văn bản quy định chi tiết luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thực trạng và giải pháp khắc phục hạn chế, bất cập, nâng cao hiệu quả công tác đấu giá tài sản, giám định tư pháp.
Trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Bộ trưởng các Bộ Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Công an; Tổng Thanh tra Chính phủ; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Nhóm vấn đề thứ hai (lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông sản (thị trường đầu ra bị thu hẹp, nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng, một số mặt hàng nông sản chủ lực bị rớt giá, thu nhập, đời sống của người nông dân bị ảnh hưởng...).
Hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; giải pháp tháo gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) đối với thủy sản. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng, thu hồi diện tích đất trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu gạo.
Trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Ngoại giao cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Thực tế, công tác phòng, chống tham nhũng đã được Đảng, Nhà nước đặc biệt chú trọng trong thời gian vừa qua và đã đạt được nhiều kết quả với những vụ án lớn góp phần thắt chặt kỷ luật, kỷ cương trong quản lý vĩ mô, thực thi công vụ trên toàn quốc.
Nhận định về vấn đề này, đại biểu Trần Công Phàn (Bình Dương) cho rằng, phòng chống tham nhũng đặc biệt phải chú trọng nhất là khâu phòng ngừa, chứ không phải đợi đến khi đã xảy ra hậu quả mới xử lý. Mặc dù những năm qua, đặc biệt năm 2022, các cơ quan tư pháp đã triệt phá nhiều vụ án lớn. “Nhìn vào những kết quả tích cực đó cho thấy, chúng ta mới chỉ làm tốt được khâu chống tham nhũng còn “phòng” vẫn chưa được chú trọng”, đại biểu Trần Công Phàn nhấn mạnh.
>>Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng chưa đạt kỳ vọng, nguyên nhân do đâu?
>>Vì sao việc giải quyết các vụ án tham nhũng gặp khó khăn?
Theo đại biểu Trần Công Phàn, trong năm vừa qua 2 vụ án lớn mà xã hội đặc biệt quan tâm là vụ “Việt Á” và “chuyến bay giải cứu” xảy ra khi cả nước đang gồng mình chống lại đại dịch, khi mà Nhà nước áp dụng chính sách nhân đạo để thực hiện các chuyến bay giải cứu đồng bào về nước tránh đại dịch, nhưng nhóm lợi ích lại câu kết để vơ vét, trục lợi hàng nghìn tỉ đồng.
“Trong lúc mà cả xã hội khó khăn nhất, cần sự chung tay góp sức của tất cả mọi người, mọi tầng lớp trong xã hội để vượt qua đại dịch, thì một số đối tượng vẫn có thể, vẫn dám, vẫn bất chấp tất cả để tham nhũng”, đại biểu Trần Công Phàn bày tỏ.
Công tác chống tham nhũng đang được thực hiện tốt và quyết liệt, nhưng theo đại biểu Trần Công Phàn cần phải làm tốt công tác phòng ngừa để cho không dám tham nhũng mới là quan trọng, mới là cái gốc. Nếu đã tham nhũng, gây thiệt hại nặng nề và bị xử lý nghiêm thì cũng chỉ là xử lý phần ngọn.
Điều cần thiết là phải xử lý được gốc, để không cần, không dám và không thể tham nhũng. Vấn đề đặt ra ở đây là phải có một hệ thống quy định pháp luật thật chặt chẽ để cho cán bộ không thể, không có điều kiện để tham nhũng.
Đặc biệt, cần lưu ý hoàn thiện cơ chế để kiểm soát quyền lực, cần phải có cơ chế, chính sách đối với cán bộ, việc sử dụng đội ngũ cán bộ, quản lý cán bộ như thế nào để cán bộ “không thể, không dám, không muốn” tham nhũng. Đây là câu chuyện rất đáng quan tâm và đặt ra nhiều vấn đề rất đáng suy nghĩ hiện nay.
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Đỗ Đức Hồng Hà cho rằng, Chính phủ cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các cấp chính quyền, xây dựng văn hóa liêm chính của cán bộ, đảng viên và nhân dân, trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt của tập thể lãnh đạo và người đứng đầu trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, tập trung vào các lĩnh vực đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, chứng khoán, quản lý thuế...
Ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, “tham nhũng vặt”, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; khắc phục triệt để tình trạng cơ quan thanh tra, kiểm toán đã tiến hành thanh tra, kiểm toán nhưng không phát hiện vi phạm, sau đó, cơ quan có thẩm quyền khác lại phát hiện có vụ việc vi phạm về cùng một nội dung.
Có thể bạn quan tâm
11:00, 06/04/2023
15:44, 20/03/2023
12:43, 20/03/2023
03:20, 20/03/2023
16:16, 18/03/2023
20:27, 09/02/2023