Đề nghị Chính phủ có giải pháp điều tiết giá nhà

ĐAN THANH 07/03/2024 16:37

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị Chính phủ chủ động có các giải pháp hiệu quả để điều tiết giá nhà ở phù hợp với khả năng chi trả của người có thu nhập trung bình và thấp.

>>> Thêm niềm tin cho thị trường bất động sản

Sáng 7/3, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị toàn quốc lần thứ hai triển khai luật, nghị quyết của Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV. 

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, công tác giám sát việc triển khai đối với luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5 thuộc lĩnh vực Ủy ban Pháp luật phụ trách, bao gồm các nội dung: công tác triển khai Luật Nhà ở; tiếp tục rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và tập trung rà soát, xử lý các vướng mắc, bất cập về thủ tục hành chính theo yêu cầu tại các nghị quyết số 110/2023/QH15, số 103/2023/QH15 của Quốc hội; tình hình, tiến độ triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và các nhiệm vụ lập pháp còn lại của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Về giám sát việc triển khai Luật Nhà ở, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, Luật Nhà ở (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025. Luật có nhiều nội dung mới, quan trọng về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực nhà ở, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, giảm chi phí tuân thủ pháp luật; bổ sung nhiều cơ chế ưu đãi cụ thể, đơn giản hóa trình tự, thủ tục đầu tư dự án phát triển nhà ở nhằm huy động nguồn lực xã hội, khuyến khích doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở, trọng tâm là các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người có thu nhập thấp; bổ sung, hoàn thiện nhiều quy định nhằm khắc phục các nguyên nhân dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện về nhà ở, nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý, sử dụng nhà chung cư...

>>>Điểm mới đáng chú ý tại Luật Nhà ở 2023

Ông Hoàng Thanh Tùng cho hay, Ủy ban Pháp luật đã xây dựng kế hoạch giám sát năm 2024, trong đó tập trung theo dõi tiến độ xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Nhà ở, bao gồm: Tính kịp thời, đầy đủ của việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại khoản 2 Điều 11 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và khoản 1 Điều 40 của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của văn bản trong hệ thống pháp luật và việc tuân thủ thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục ban hành văn bản; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về nhà ở.

Toàn cảnh hội nghị

Toàn cảnh hội nghị

Đối với công tác triển khai Luật Nhà ở, Thường trực Ủy ban Pháp luật kiến nghị Chính phủ chỉ đạo sớm ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Nhà ở bảo đảm tiến độ, chất lượng, đồng bộ với các luật có liên quan mới được Quốc hội thông qua như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng. Trong quá trình tổ chức thi hành Luật, đề nghị Chính phủ kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo xử lý, giải quyết các vấn đề vướng mắc, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và đúng quy định của luật, nghị quyết của Quốc hội.

Đề nghị Chính phủ chủ động có các giải pháp hiệu quả để điều tiết giá nhà ở như tập trung phát triển mạnh nhà ở xã hội phù hợp với khả năng chi trả của người có thu nhập trung bình và thấp; đẩy nhanh tiến độ phê duyệt các dự án phát triển nhà ở để tăng nguồn cung, sẵn sàng can thiệp khi thị trường có dấu hiệu tăng “nóng”, “sốt ảo”; quan tâm xây dựng cơ sở dữ liệu, thông tin về bất động sản, nâng cao năng lực quản lý, điều tiết thị trường đất đai, bất động sản, hướng tới công khai, minh bạch và chuyên nghiệp hơn.

Khẩn trương nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt Đề án thí điểm cho phép thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất khác (không phải là đất ở); việc thí điểm nên được triển khai tại một số tỉnh, thành phố lớn... để tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc cho các dự án bất động sản, giải phóng nguồn lực về đất đai, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật của Quốc hội đề nghị Chính phủ tích cực đẩy mạnh triển khai các chính sách, quy định mới về nhà ở xã hội để tăng cường thu hút nguồn lực phát triển phân khúc này, góp phần giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn cung nhà ở vừa túi tiền, góp phần hoàn thành mục tiêu của Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021 - 2030".

Có thể bạn quan tâm

  • Đến 30/4/2025, TP.HCM có thêm 35.000 căn nhà ở xã hội

    Đến 30/4/2025, TP.HCM có thêm 35.000 căn nhà ở xã hội

    15:02, 06/03/2024

  • Yếu tố nào hỗ trợ phục hồi bất động sản nhà ở?

    Yếu tố nào hỗ trợ phục hồi bất động sản nhà ở?

    04:30, 04/03/2024

  • “Nhà ở vừa túi tiền” khơi thông thị trường địa ốc

    “Nhà ở vừa túi tiền” khơi thông thị trường địa ốc

    11:00, 03/03/2024

  • Lấy ý kiến về đề án thí điểm cho nhận đất khác làm nhà ở thương mại

    Lấy ý kiến về đề án thí điểm cho nhận đất khác làm nhà ở thương mại

    05:00, 02/03/2024

  • Nhu cầu thuê nhà ở cao cấp tiếp đà tăng

    Nhu cầu thuê nhà ở cao cấp tiếp đà tăng

    04:00, 02/03/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đề nghị Chính phủ có giải pháp điều tiết giá nhà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO