Lợi thế xuất khẩu các nông sản chủ lực của Việt Nam sang EU nói chung và Hà Lan nói riêng rất lớn nhưng chưa có nhiều mặt hàng có chỗ đứng vững chắc bằng thương hiệu và chất lượng.
>>>EVFTA tiếp tục được tận dụng hiệu quả
Ông Như Nguyễn - Giám đốc công ty VIEC, một trong những đối tác xuất nhập khẩu của Việt Nam tại Hà Lan đã chia sẻ những tiềm năng, thế mạnh của nông sản Việt Nam cũng như “mách nước” cách giữ khách hàng, mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt là khai thác hiệu quả lợi thế xuất khẩu từ hiệp định EVFTA.
Theo ông Như Nguyễn, để mở cửa cánh cửa vào thị trường châu Âu với gần 450 triệu dân thì đưa nông sản qua Hà Lan - quốc gia thuộc EU là con đường hợp lý. Hà Lan tuy có 17 triệu dân nhưng từ đây có thể tái xuất sang các nước châu Âu khác. Hiệp định EVFTA mở ra cơ hội cho nông sản hàng hoá Việt Nam vào châu Âu với thuế suất có thể giảm bằng 0. Còn có tiềm năng để các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam khai thác và mở rộng thị trường này.
“Để mua được một bao gạo Việt Nam tại Hà Lan rất khó, người tiêu dùng vào siêu thị bán hàng châu Á mới mua được, còn các siêu thị truyền thống của Hà Lan không có. Nếu vào được 1% dân số của gần 500 triệu dân châu Âu - tức là cộng đồng người châu Á thì cơ hội mở rộng thị trường là rất lớn. Chưa kể, thị trường Hà Lan hiện còn có nhu cầu nhiều về cà phê, hạt tiêu nhưng hiện tại cà phê Việt Nam bán tại chuỗi siêu thị Hà Lan chỉ đếm trên đầu ngón tay” - ông Như Nguyễn cho hay.
Sau nhiều năm kinh nghiệm tư vấn xuất nhập khẩu cho thị trường Hà Lan, Giám đốc công ty VIEC cho rằng, để khai thác lợi thế này, vấn đề quan trọng cần biết là quota nhập vào Hà Lan hàng năm và chiến lược phát triển thị trường lâu dài. Phân tích thị trường của một số nông sản chủ lực của Việt Nam đã vào Hà Lan như vải thiều, bưởi và gạo ST25, ông Như Nguyễn cho rằng, kết quả này mới chỉ là bước đầu và xuất khẩu theo mùa vụ là chính. Trong khi đó, sản phẩm cùng loại của đảo quốc Madagasca là vải thiều hay các mặt hàng cà phê của Tây Ban Nha, Ý lại có dấu ấn thành công trên thị trường.
Sự khác biệt nằm ở đâu? “Đó chính là chiến lược” - ông Như Nguyễn tiếp tục phân tích. “Chúng ta chỉ xuất khẩu vải thiều tươi và không có thương hiệu. Cách duy nhất chúng ta cạnh tranh là giá thấp. Vì thế, sau khi lô hàng vải thiều đầu tiên vào Hà Lan năm ngoái thì năm nay không thấy đưa nông sản chủ lực này sang. Thiếu chiến lược có thể xem như chúng ta dọn đường cho các nước khác đưa sản phẩm vào. Thực tế, sau đó do tính chất mùa vụ Madagasca đưa vải thiều của họ vào Hà Lan nhưng cách họ làm bài bản, sau vải tươi là các sản phẩm có giá trị cao hơn như vải thiều đóng hộp, bột vải thiều và họ chiếm lĩnh thị trường. Giá bán 800.000 đồng/kg vải thiều nhưng chúng ta chưa cho người Hà Lan biết giá trị của sản phẩm vì chúng ta thiếu nhiều bước để quảng bá thương hiệu”.
Công ty VIEC thành công trong việc đưa hai thương hiệu cà phê và gạo của Việt Nam đến trực tiếp người tiêu dùng thông qua hình thức bán hàng offline và trên sàn thương mại điện tử, từ đó công ty dễ dàng nắm bắt được nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng của khách hàng và quản lý được thị trường. Đây cũng là hai mặt hàng nông sản của Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu vào Hà Lan và các nước EU.
Dư địa thị trường cho hai mặt hàng này là rất lớn. Để tạo được niềm tin với khách hàng, theo ông Như Nguyễn, ngoài việc đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng như Global GAP, kiểm tra dư lượng, cần sự đầu tư bài bản trong xây dựng thương hiệu, thay vì sản xuất và đóng gói như hiện nay và khi bán ra thị trường dưới thương hiệu khác.
Lãnh đạo công ty lấy đơn cử mặt hàng cà phê, nếu chỉ đóng gói và xuất khẩu như hiện nay, một gói cà phê 500 gram bán tại Hà Lan có giá 6 euro, mức giá đầu nhập mua vào là 2 euro, giá trị rất thấp nhưng cà phê của Tây Ban Nha đưa vào có thương hiệu của họ sẽ bán được với giá 18 euro. Nếu cà phê Việt Nam có thương hiệu xuất đi từ Việt Nam có thể bán với giá 15 euro cho 250gram, giá trị gia tăng là rất lớn.
Vì vậy, để đưa ra chiến lược kinh doanh cho thị trường châu Âu nói chung và Hà Lan nói riêng, Giám đốc công ty VIEC Như Nguyễn cho rằng, trong ngắn hạn, các doanh nghiệp Việt nên tập trung sản xuất và xuất khẩu sản phẩm nông sản có giá trị cao, giữ thương hiệu và luôn luôn đảm bảo chất lượng. Về dài hạn, có tầm nhìn xa để bao quát thị trường thông qua việc tìm hiểu văn hoá của người tiêu dùng, văn hoá của thị trường, nhanh nhạy nắm bắt xu hướng tiêu dùng của thị trường để cung ứng. Đó mới là cách giữ uy tín, giữ người tiêu dùng và giữ thị trường.
Có thể bạn quan tâm
Câu chuyện xuất khẩu nông sản: Cẩn trọng không bao giờ thừa
11:00, 08/09/2022
Xuất khẩu nông sản 6 tháng đầu năm: Tiêu và Cà phê tăng trưởng nhờ đâu?
04:40, 27/07/2022
Hỗ trợ kết nối giao thương, xuất khẩu nông sản sang EU
03:40, 16/07/2022
Cách nào hạn chế rủi ro cho doanh nghiệp xuất khẩu nông sản
09:09, 02/05/2022
Câu chuyện xuất khẩu nông sản: Nội lực của doanh nghiệp mới là quan trọng
10:00, 21/03/2022
Xuất khẩu nông sản sang EU tăng mạnh
04:00, 11/01/2022
Tìm cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang thị trường châu Âu
04:00, 10/08/2021