Để quan tham “ăn” đất đến bao giờ?

NGUYỄN GIANG 02/01/2022 03:50

Đất đai luôn là lĩnh vực màu mỡ để tham nhũng, ngoài lòng tham, cơ chế kiểm soát lỏng lẻo thì chính những kẽ hở của luật pháp khiến những tham quan không bao giờ bỏ qua “miếng mồi” béo bở này…

>>Thanh Hóa: Làm rõ trách nhiệm tại 3 dự án "đất vàng" được giao không qua đấu giá

Hai cựu Chủ tịch UBND Khánh Hòa dính sai phạm liên quan đến dự án tâm linh Cửu Long Sơn Tự và Dự án biệt thự sông núi Vĩnh Trung, thuộc khu vực núi Chín khúc.

Hai cựu Chủ tịch UBND Khánh Hòa dính sai phạm liên quan đến dự án tâm linh Cửu Long Sơn Tự và Dự án biệt thự sông núi Vĩnh Trung, thuộc khu vực núi Chín khúc.

Thời gian qua, sau Đà Nẵng, TP HCM, Phú Yên, Khánh Hòa..., Bình Dương với hàng loạt lãnh đạo đương nhiệm lẫn về hưu phải đứng trước vành móng ngựa do những sai phạm liên quan đến công tác quản lý đất đai. Giờ đây, khi xem tin tức mỗi ngày, người ta không còn thấy “lạ” với những thông tin về quan chức bị khởi tố, vào tù liên quan đến đất đai nữa. Chắc chắn thực tế này sẽ chưa thể dừng lại. Nhiều người không khỏi thắc mắc rằng, tại sao nhiều quan chức vướng lao lý vì đất đai đến vậy?

Có thể thấy, tham nhũng xảy ra trong rất nhiều lĩnh vực, từ bớt xén trong xây dựng, "thổi giá" trong mua sắm công, kiểm tra, thanh tra đến việc quản lý hoạt động dịch vụ, sử dụng đất đai. Đặc biệt, liên quan đến đất đai, đã có rất nhiều cán bộ cao cấp, trong đó có nhiều cựu ủy viên trung ương Đảng, tướng tá quân đội và công an bị vướng vòng lao lý.

Đất đai là tài sản đặc biệt của đất nước, là sở hữu của toàn dân, có giá trị vô cùng to lớn nhưng được quản lý và sử dụng lỏng lẻo nên nhiều người nhắm vào đó như "miếng mồi ngon" để tham nhũng, kết quả là họ bị "ngã ngựa", bị bắt, bị xử tù. Đất đai bị quan chức "nhắm" như vậy, ngoài lòng tham và cơ chế kiểm soát sơ hở còn có những kẽ hở của luật pháp mà người ta len vào đó lợi dụng để kiếm chác, đến lúc bại lộ thì vòng lao lý đã đợi sẵn.

Trong những năm gần đây, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã chủ trương đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng, liên tục cảnh báo là cuộc chiến này không có vùng cấm, những người vi phạm dù ở cương vị nào cũng bị xử lý. Thực tế đã có nhiều quan chức, từ cấp nhỏ đến cấp to, liên quan đất đai đã bị xử lý, bị phạt tù nhưng xem ra việc này vẫn chưa ngăn cản được nạn tham nhũng.

Còn nhớ nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng từng nhận định: "Không tham nhũng lấy đâu tiền mà chạy chức vụ này chức vụ kia?!". 

Đất đai với những khối tiền tỉ được nhiều người "đổi chác", thế rồi nhiều tiền được dùng vào việc "đầu tư" chức tước và rồi phải tìm cách kiếm tiền để ít nhất là "hoàn vốn", trong nhiều trường hợp là phải "có lãi". Thế là tham nhũng lại đẻ ra tham nhũng. 

Nếu chúng ta vẫn tiếp tục duy trì cơ chế tổ chức - cán bộ thiếu sự quản lý chặt chẽ, thiếu cơ chế giám sát chặt chẽ, việc cán bộ tham nhũng là không thể tránh khỏi.

Vẫn nhớ, một đảng viên kỳ cựu từng chia sẻ với báo chí rằng, ông rất đau đớn khi thấy quan chức bị bắt, bị tù vì tham nhũng nhưng ông còn đau đớn hơn khi thấy người dân lại vui mừng, sung sướng vì quan chức bị bắt. Sở dĩ có chuyện đó vì dân rất ghét những cán bộ biến chất.

>>Vì sao hơn 8.000m2 “đất vàng” tại TP.HCM bị kiến nghị thu hồi?

Cựu Bí thư tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam.

Cựu Bí thư tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam liên quan đến việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với với khu "đất vàng" 43ha và 145ha tại TP.Thủ Dầu Một, gây thất thoát 2.700 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước.

Theo các chuyên gia, còn rất nhiều lỗ hổng của pháp luật dẫn đến tham nhũng đất đai, song vấn đề lớn hơn, đó là việc tổ chức thực hiện pháp luật không nghiêm minh và sự thiếu liêm chính của một bộ phận cán bộ có chức có quyền trong hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước.

Nhắc lại những lời trình bày của các bị cáo nguyên là cựu quan chức cao cấp ở thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt là lời giãi bày của bị cáo Đào Anh Kiệt, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh rằng: “Bị cáo phụ trách một lĩnh vực nhạy cảm, công việc nhiều, trình độ, năng lực có hạn, nhiều việc phải làm gấp làm theo chỉ đạo, trong khi pháp luật không rõ ràng”.

Nhiều người nhận định rằng, đây cũng là những lời trình bày chung của tất cả các bị cáo đã bị “ngã ngựa” vì đất, nhưng không thể biện minh cho sai phạm của mình bằng việc chỉ đổ lỗi cho sự bất cập của pháp luật, cơ chế chính sách và sự hiểu biết hạn hẹp, mà cái chính là do lòng tham.

Nếu họ biết có ngày hôm nay thì họ không làm cán bộ trong lĩnh vực này, nhưng thử hỏi xem những người đó có bao nhiêu “đất vàng”. Họ nhận chức vụ quản lý liên quan đến đất đai rất khó nhưng có ai từ chối vì lý do “tôi chưa hiểu biết về lĩnh vực này và nhường chỗ cho cán bộ khác không?”

Khi quan chức tham nhũng phải vào tù, Nhà nước mất tài sản, Đảng mất cán bộ, dân mất niềm tin... Như vậy mất mát rất lớn, thậm chí nó đe dọa sự sinh tồn của chế độ. Để không mất mát vậy nữa, cần phải xử lý các vụ việc đến nơi đến chốn. 

Tuy nhiên, suy cho cùng, để sâu xa hơn, gốc rễ hơn, cần phải có một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh về đất đai, các cấp cần phải có cơ chế kiểm soát và giám sát hiệu quả, triệt để, nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là "phải nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế" thì mới hi vọng không còn những con sâu tồn tại và "ăn" đất được nữa!

Có thể bạn quan tâm

  • Vì sao hơn 8.000m2 “đất vàng” tại TP.HCM bị kiến nghị thu hồi?

    Vì sao hơn 8.000m2 “đất vàng” tại TP.HCM bị kiến nghị thu hồi?

    15:50, 31/12/2021

  • Thanh Hóa: Làm rõ trách nhiệm tại 3 dự án

    Thanh Hóa: Làm rõ trách nhiệm tại 3 dự án "đất vàng" được giao không qua đấu giá

    00:06, 29/12/2021

  • Những khu “đất vàng” bỏ hoang tại Hạ Long

    Những khu “đất vàng” bỏ hoang tại Hạ Long

    03:50, 12/12/2021

  • Nhiều bất ngờ phiên đấu giá 4 lô đất vàng tại Thủ Thiêm

    Nhiều bất ngờ phiên đấu giá 4 lô đất vàng tại Thủ Thiêm

    00:15, 11/12/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Để quan tham “ăn” đất đến bao giờ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO