Dù mới đưa vào sử dụng nhưng một số tuyến đê đã hư hỏng nghiêm trọng. Những công trình hàng trăm tỷ đồng này, ngày đêm phải “oằn lưng” gánh chịu sự “cày ải” bởi những đoàn xe quá tải…
Thời gian qua, dư luận vô cùng bức xúc trước hiện trạng dự án xử lý cấp bách đê điều bị sự cố do ảnh hưởng của bão lũ năm 2017 trên địa bàn huyện Thọ Xuân, Thiệu Hóa, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa làm chủ đầu tư. Trong đó có 6 công trình xử lý cấp bách đê tả, hữu sông Chu với tổng kinh phí 150 tỷ đồng vừa được hoàn thành, nghiệm thu và đưa vào sử dụng từ cuối tháng 4/2020. Tuy nhiên, đã có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng.
Đặc biệt là đoạn từ K16+700 đến K24+142 thị trấn Thọ Xuân (trước đây là xã Hạnh Phúc), và tại K24+500 đến K25+300 đoạn qua xã Xuân Hồng, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa. Được biết, mặt đê có tổng chiều dài khoảng 2km bị hư hỏng, xuống cấp. Mặt đường nhựa bị bong tróc, sụt lún, biến dạng, tạo thành những ổ voi, luống cày. Nhựa dồn về 2 bên lề đường tạo thành những con lươn khổng lồ... gây khó khăn và nguy hiểm cho người dân khi qua lại.
Thông tin về nguyên nhân của hiện trạng này, các cơ quan chức năng tại địa phương cho biết, đơn vị thi công thiết kế công trình kết cấu láng nhựa, cho phép xe có tải trọng không quá 12 tấn. Nhưng hiện nay tại 6 công trình đê tả, hữu sông Chu, tình trạng xe quá tải trọng từ 20 - 30 tấn thường xuyên lưu thông trên mặt đê đã làm nhiều đoạn mặt đê láng nhựa bị hư hỏng nghiêm trọng (?).
Tương tự, dự án đê tả Sông Cầu tại tỉnh Bắc Giang với mức đầu tư 145 tỷ đồng mặc dù mới đưa vào sử dụng nhưng đã xuất hiện tình trạng bong tróc nghiêm trọng, vết nứt xuất hiện khắp nơi, nhiều đoạn phải đập đi, làm lại, khiến người dân địa phương vô cùng bức xúc…
Được biết, đây là một dự án xử lý cấp bách các công trình đê điều bị sự cố của bão, lũ năm 2017 trên tuyến đê tả Cầu qua địa phận của huyện Hiệp Hòa và Việt Yên (tỉnh Bắc Giang) và nguyên nhân cũng do các đoàn xe có trọng tải lên tới 35 tấn, 40 tấn liên tục "cày ải" trên mặt công trình.
Đáng nói, tại đây, đơn vị thi công đã xây dựng 6 trụ bê tông cốt thép với mục đích hạn chế xe trọng tải lớn đi trên đê. Tuy nhiên chỉ trong vòng hơn 1 tháng, liên tiếp các trụ bê tông đều bị phá hoại như: cắt gọt 1 nửa thân trụ, thậm chí nhiều nơi chỉ còn “trơ trọi” lại 1 trụ, trụ còn lại được vứt lăn lóc cách đó không xa hoặc được mang đi nơi khác!
Được biết, Hạt quản lý đê Việt Yên đã thông báo cho chính quyền địa phương và lực lượng công an vào cuộc xử lý các tổ chức, cá nhân phá hoại tài sản của Nhà nước, nhưng đến nay vẫn chưa có trường hợp nào bị xử lý(?).
Ngày 22/8/2020, trao đổi với PV Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Phạm Đức Luận, Vụ trưởng Vụ Quản lý đê điều (Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn-NN&PTNT) cho biết: Phần lớn đê hiện nay dù đã được đầu tư nâng cấp cũng chỉ chịu được tải trọng tối đa 12 tấn. Thế nhưng tình trạng xe quá tải trọng, nhất là xe tải trọng từ 20-30 tấn lưu thông thường xuyên trên đê đang là vấn đề nhức nhối tại các địa phương...
“Nếu, tình trạng này kéo dài sẽ gây hư hỏng, ảnh hưởng tới an toàn đê và phòng, chống lũ lụt”, ông Luận thông tin.
Được biết, mới đây Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Công văn số 4671/BNN-PTNT gửi UBND các tỉnh, thành phố có đê về việc ngăn chặn, xử lý dứt điểm xe quá tải đi trên triền đê.
Nội dung công văn nêu rõ, những năm qua, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã quan tâm bố trí kinh phí cho các địa phương thực hiện duy tu, tu bổ, xử lý những hư hỏng của đê điều, trong đó có việc sửa chữa, cải tạo, gia cố mặt đê bị hư hỏng, xuống cấp.
Tuy nhiên, hiện nay tình trạng xe quá tải đi trên đê diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương, đặc biệt là những đoạn đê qua các khu đô thị, khu tập trung dân cư, khu vực có mỏ vật liệu và bến bãi tập kết, trung chuyển vật liệu, làm hư hỏng nghiêm trọng mặt đê, trong đó có những tuyến đê mới được đầu tư sửa chữa, nâng cấp.
“Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có đê khẩn trương chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, nhất là lực lượng công an tăng cường công tác kiểm tra trên các tuyến đê, kiên quyết ngăn chặn và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm”, nội dung công văn nêu rõ.
Được biết, đánh giá tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều đang diễn biến phức tạp, ngày 7/10/2019, Thủ tướng Chính phủ đã phải ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường quản lý đê điều và xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về đê điều.
“Gắn trách nhiệm của người đứng đầu, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc để xảy ra các vụ vi phạm và kết quả xử lý vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn”, Chỉ thị nêu rõ.
Thế nhưng, với hiện trạng đang diễn ra tại các địa phương này, dư luận không khỏi bức xúc bởi vi phạm không những không bị xử lý mà còn tiếp tục tái diễn, các đoàn xe quá tải cứ thế, ngày đêm “phá nát” những công trình trăm tỷ? Còn chuyện trách nhiệm lại bị “bỏ quên”?
Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin!
Có thể bạn quan tâm
“Loạn” vi phạm Luật Đê điều ở Hà Nội
11:01, 12/08/2020
“Loạn” vi phạm Luật Đê điều ở Hà Nội: Thủ tướng Chính phủ yêu cầu kiểm tra, xử lý
15:38, 17/08/2020
Báo động vi phạm pháp luật về đê điều (Kỳ 5): "Điểm nóng" giữa Thủ đô
14:05, 21/08/2020
Báo động vi phạm pháp luật về đê điều (Kỳ 4): Sai vì … “quyền lợi” người dân!?
11:05, 01/08/2020
Báo động vi phạm pháp luật về đê điều (Kỳ 2): Cơ quan chức năng “xé rào” cấp phép
04:50, 17/07/2020
Báo động vi phạm pháp luật về đê điều (Kỳ 1): Chính phủ “quyết liệt”, địa phương “xem thường”
11:01, 10/07/2020