Việc Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho rằng, sẽ cắt giảm lợi nhuận của các chủ đầu tư hoặc đàm phán để giảm vốn ngân hàng là “cuộc đàm phán không công bằng”.
>>Cắt giảm lợi nhuận 8 dự án BOT là “cuộc đàm phán không công bằng”
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương) chia sẻ với DĐDN về đề xuất cắt giảm lợi nhuận 8 dự án BOT khi chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, Khoá XV.
- Tại sao đề xuất này lại là “cuộc đàm phán không công bằng”, thưa ông?
Vì một bên là cơ quan Nhà nước có đầy đủ quyền lực, đàm phán với những nhà thầu ở vị thế rất “bất lợi”. Do bị dư luận phản đối do đặt trạm thu phí sai vị trí, nhưng lỗi sai này không phải do nhà thầu mà do trước đây Nhà nước yêu cầu.
Hợp đồng đã ký, bây giờ đàm phán nhà thầu sẽ không thể “phản biện” lại. Bởi, một công ty sẽ rất khó khởi kiện một cơ quan Nhà nước. Họ phải chấp nhận chịu thiệt thòi để có làm những dự án khác. Đây là sự không công bằng.
Việc đàm phán chỉ được ghi nhận là công bằng trên tinh thần hai bên chưa ký hợp đồng. Về vấn đề này, Bộ trưởng có nói lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ. Quan điểm này đúng nhưng với điều kiện trước khi ký hợp đồng.
Còn khi hai bên đã ký hợp đồng, lợi ích không còn chỉ có rủi ro thì chia sẻ rủi ro như thế nào? Ở đây có hai chủ thể hợp đồng, một bên là Nhà nước, bên kia là nhà thầu, nếu ai làm sai thì phải chịu trách nhiệm. Đó mới là công bằng.
Nhà nước đặt vị trí sai thì Nhà nước phải chịu trách nhiệm, không thể nói đây là rủi ro và yêu cầu nhà thầu chia sẻ.
Việc can thiệp này thể hiện sự không tôn trọng quy luật vận hành tự nhiên của thị trường, đó là dùng mệnh lệnh hành chính để sửa sai những quyết định trước đây. Chúng ta phải mạnh dạn nhận sai và sửa sai để sẵn sàng tiến lên phía trước.
>>Bình Phước: Vì sao phải rà soát các dự án BOT, BT giao thông?
Còn nếu né tránh và đổ lỗi cho nhà thầu là không công bằng, đặc biệt sẽ không khuyến khích được các nhà đầu tư. Đừng lầm tưởng 8 nhà đầu tư BOT “thoái trào” mà chúng ta hành xử không đúng. Vì còn có các nhà đầu tư khác chuẩn bị đến sẽ “nhìn vào”, khi đó sẽ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư rất lớn.
Có thể chúng ta đang nhìn các nhà đầu tư này chỉ là “chim sẻ”. Nhưng khi “chim sẻ” bị “hoang mang” thì “đại bàng” sẽ “sinh nghi” về môi trường đầu tư của chúng ta.
- Ông cũng có chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải rằng, đề xuất cắt giảm lợi nhuận 8 dự án BOT cũng đồng nghĩa với “cắt giảm” niềm tin của các nhà đầu tư?
Các nhà đầu tư thực hiện theo đúng pháp luật của Nhà nước. Đơn cử, trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài thu phí cho đường lên Vĩnh Yên, nhưng hiện nay phải “dỡ trạm” khiến nhà đầu tư bị mất nguồn thu.
Ai ra quyết định đặt trạm thu phí tại đây? Việc này do Nhà nước, cụ thể là Bộ Giao thông vận tải yêu cầu đặt trạm thu phí tại vị trí này. Khi thấy đặt ở vị trí sai buộc phải bỏ trạm thì phải đền bù cho nhà đầu tư một khoản tiền để đủ thu lại như họ kỳ vọng vào mức lãi, phí vay ngân hàng…
- Ông có đề xuất, kiến nghị gì để tránh lặp lại trường hợp này đối với các dự án khác trong tương lai?
Thứ nhất, Nhà nước phải bỏ tiền đền bù cho những thiệt hại cho nhà đầu tư, lợi nhuận của nhà đầu tư phải được bồi hoàn khi trạm thu phí bị dỡ trước thời hạn.
Thứ hai, các nghĩa vụ này được thực hiện thông qua việc Nhà nước sẽ mua lại dự án trong trường hợp do lỗi của Nhà nước, bảo đảm cam kết cân đối vốn, chia sẻ khi giảm doanh thu. Các vấn đề này đã được quy định tại Luật PPP. Khi và chỉ khi Nhà nước thực hiện đầy đủ các cam kết của mình, mới thu hút được đầu tư tư nhân.
Thứ ba, cần tránh tình trạng chỉ chú trọng giai đoạn xây dựng công trình mà chưa bao quát toàn bộ vòng đời dự án, tránh xu hướng đầu tư PPP như đầu tư công và đầu tư tư nhân thuần túy.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
03:00, 22/06/2023
04:00, 19/05/2023
01:00, 25/12/2022
11:00, 10/11/2022
00:58, 29/08/2022
Trước đó, Bộ Giao thông vận tải đã đàm phán với nhà đầu tư, ngân hàng bố trí vốn Nhà nước để thanh toán cho nhà đầu tư, chấm dứt hợp đồng trước hạn đối với 5 dự án. Sửa đổi hợp đồng, bổ sung vốn Nhà nước đối với 3 dự án. Dự kiến, nguồn vốn Nhà nước để xử lý 8 dự án BOT này khoảng 10.340 tỷ đồng. Cụ thể, 5 dự án dự kiến chấm dứt hợp đồng BOT trước hạn gồm: Tuyến tránh phía Tây TP Thanh Hóa, cầu đường sắt Bình Lợi, đường Thái Nguyên - Chợ Mới và cải tạo nâng cấp quốc lộ 3, đường Hồ Chí Minh, cải tạo quốc lộ 91 TP Cần Thơ. Còn lại 3 dự án dự kiến sửa đổi hợp đồng, bổ sung vốn Nhà nước gồm: BOT cầu Ba Vì - Việt Trì; BOT cầu Thái Hà và BOT hầm Đèo Cả. |