Thông tin Cục Đăng kiểm Việt Nam đang nghiên cứu để đề xuất cơ sở bảo dưỡng ôtô đạt chuẩn được phép đăng kiểm xe tiếp tục làm nóng dư luận, nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại… lại biến tướng…
>>Vạch trần “chiêu trò” của 9 trung tâm đăng kiểm xe cơ giới
Theo đó, thông tin từ Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, đơn vị đang rà soát, nghiên cứu để đề xuất một số giải pháp lâu dài nhằm tạo điều kiện thuận lợi và quản lý tốt hơn lĩnh vực đăng kiểm xe ôtô.
Cụ thể, đơn vị này đang rà soát lại các quy định pháp lý, qua đó sẽ đề xuất một số nội dung cần sửa đổi liên quan đến công tác đánh giá thành lập mới Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới; công tác kiểm tra, đánh giá định kỳ hoạt động kiểm định của các đơn vị đăng kiểm; công tác kiểm tra an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới.
“Cục Đăng kiểm Việt Nam đang nghiên cứu, xây dựng phương án để cho phép các cơ sở bảo dưỡng sửa chữa ôtô 3S, 4S của các nhà sản xuất ôtô chính hãng thực hiện công tác kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho xe cơ giới”, nội dung thông tin mới nhất được Cục Đăng kiểm Việt Nam đưa ra. Theo đó, nội dung này đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận, thậm chí các chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại việc doanh nghiệp, người dân đi đăng kiểm sẽ chịu thiệt, thậm chí những cơ sở này sẽ có nguy cơ phát sinh những biến tướng mới.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp xung quanh vấn đề này, luật sư Nguyễn Thành Luân – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Việt bày tỏ lo ngại tình trạng "vừa đá bóng, vừa thổi còi", thậm chí gây ra cục bộ "con hát mẹ khen hay" tại các cơ sở bảo dưỡng của các hãng xe, nhất là các hãng có độ phủ rộng. Khi các cơ sở bảo dưỡng chính hãng "khám xe" có thể gây ra tình trạng độc quyền của các hãng và phần thiệt thòi thuộc về các đơn vị kinh doanh xe đã qua sử dụng, các cơ sở sửa chữa hoặc phân phối phụ tùng nhỏ lẻ.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Luân cho rằng, để phương án trên khả thi thì cần rất nhiều thời gian nghiên cứu, đánh giá cũng như đưa ra bộ tiêu chí cụ thể cho các đại lý 3S, 4S.,..Đồng thời, cần phải hoàn thiện cơ sở pháp lý, trong đó sửa lại một số nội dung trong Nghị định 139/2018/NĐ-CP quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới. Theo luật sư Luân, khoản 2 Điều 4 Nghị định này nêu rõ: "Tổ chức kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, bảo dưỡng, sửa chữa xe cơ giới".
“Ý tưởng mới của Cục Đăng kiểm đang đi ngược với điều khoản này dẫn tới, nếu muốn thông qua, thực hiện thì buộc phải sửa đổi Nghị định”, luật sư Nguyễn Thành Luân phân tích.
>>Lộ bất cập từ các trung tâm đăng kiểm xã hội hóa
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, việc bổ sung quyền đăng kiểm cho trung tâm bảo dưỡng có thể ảnh hưởng tới quyền lợi khách hàng. Chủ xe có thể bị yêu cầu sửa hoặc gợi ý thay thế phụ tùng mới để kiểm định, dù chưa cần thiết phải thay thế. Hoặc trung tâm có thể dễ dãi trong đăng kiểm để thu hút khách hàng, cạnh tranh thiếu lành mạnh như một số cơ sở đăng kiểm tư nhân thực hiện thời gian qua.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, cần tách bạch riêng hai nhiệm vụ bảo dưỡng, sửa chữa với kiểm định xe cơ giới và Bộ GTVT cần có những quy định rõ ràng về tiêu chuẩn, tiêu chí, kỹ thuật giám định ô tô để các kỹ sư, thợ tại các cơ sở bảo dưỡng phải nắm được và thực hiện.
“Đồng thời, Cục Đăng kiểm phải có cơ chế giám sát chặt chẽ, có quy định rõ ràng về hình thức xử lý, kỷ luật nếu để xảy ra tình trạng tiêu cực, “vừa đá bóng vừa thổi còi”, lợi dụng để làm những việc không đúng nhiệm vụ kiểm định xe cơ giới một cách khách quan”, ông Quyền chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
“Kháng sinh” nào để “đặc trị” sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm?
11:50, 07/02/2023
Một số lãnh đạo Cục Đăng kiểm nhận hối lộ định kỳ
20:14, 02/02/2023
Lộ bất cập từ các trung tâm đăng kiểm xã hội hóa
00:30, 30/12/2022
Vạch trần “chiêu trò” của 9 trung tâm đăng kiểm xe cơ giới
00:03, 21/12/2022