Nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ, góp ý Dự thảo Nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư, nhiều ý kiến cho rằng, cần mở rộng đối tượng được hỗ trợ.
>> Dự thảo chính sách về Quỹ Hỗ trợ đầu tư chưa hỗ trợ doanh nghiệp
Thực hiện nhiệm vụ Quốc hội giao, Chính phủ, với cơ quan trực tiếp thực hiện là Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng Dự thảo Nghị định của Chính phủ về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư.
Theo Dự thảo, Quỹ sẽ hỗ trợ 2 nhóm doanh nghiệp. Nhóm thứ nhất là, doanh nghiệp có dự án đầu tư trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao và doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao có dự án đạt quy mô vốn đầu tư trên 12.000 tỷ đồng và đạt doanh thu trên 20.000 tỷ đồng/năm. Nhóm thứ hai gồm doanh nghiệp có dự án đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển với quy mô vốn đầu tư trên 3.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Dự thảo cũng nêu rõ, Quỹ sẽ chi trực tiếp bằng tiền mặt hỗ trợ doanh nghiệp các khoản chi phí: đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; đầu tư tạo tài sản cố định và đầu tư hệ thống công trình hạ tầng xã hội; sản xuất sản phẩm công nghệ cao; nghiên cứu và phát triển; hỗ trợ tín dụng, lãi suất.
Đáng nói, việc xác định đối tượng dự án đầu tư trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao, dự án ứng dụng công nghệ cao thực hiện theo quy định tại Luật Công nghệ cao năm 2008 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Vì vậy, việc ưu đãi cho những đối tượng này sẽ không gây xáo trộn so với quy định hiện tại; phù hợp với định hướng thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều băn khoăn về phạm vi áp dụng của Dự thảo. Theo đó, nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ, góp ý Dự thảo, nhiều ý kiến cho rằng, cần mở rộng đối tượng được hỗ trợ.
>> Quỹ Hỗ trợ đầu tư: “Nới” điều kiện với doanh nghiệp công nghệ cao
Nêu quan điểm vấn đề này, bà Virginia B. Foote, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) cho biết, các doanh nghiệp Mỹ chịu ảnh hưởng từ thuế tối thiểu toàn cầu hoạt động trong nhiều ngành nghề khác nhau. Do đó, nếu quỹ chỉ hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao thì quá hẹp.
“Cơ quan soạn thảo nên mở rộng đối tượng để nhiều doanh nghiệp được nhận hỗ trợ hơn”, Phó chủ tịch AmCham nhấn mạnh.
Đồng thời, bà Virginia cũng muốn làm rõ tiêu chí doanh nghiệp có dự án đầu tư trung tâm R&D. Bởi có những doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động R&D nhưng không xây dựng một trung tâm R&D riêng.
“Trong trường hợp này, nhà đầu tư có được hỗ trợ không và sẽ hỗ trợ như thế nào”, bà Virginia B. Foote bày tỏ.
Đồng quan điểm, đại diện của Canon Việt Nam cũng cho rằng, Dự thảo chỉ quy định đối tượng được hỗ trợ là doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao. Tuy nhiên, các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu là những doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.
“Các doanh nghiệp bị ảnh hưởng là những doanh nghiệp có quy mô lớn, không chỉ đóng góp vào duy trì, tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng chục nghìn lao động mà còn đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế xã hội thông qua duy trì và phát triển chuỗi nhà cung ứng, đảm bảo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động trong chuỗi cung ứng đó”, đại diện này chia sẻ.
Do đó, Canon Việt Nam đề xuất bổ sung thêm đối tượng hỗ trợ nhằm đảm bảo ưu đãi đầu tư của Luật Đầu tư và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư và nhà nước, nhiều doanh nghiệp có thể thụ hưởng từ chính sách hỗ trợ này.
Bên cạnh những vấn đề đã nêu, về chi phí đầu tư hệ thống hạ tầng xã hội, Dự thảo quy định mức hỗ trợ tối đa 50%, gồm các khoản chi phí trực tiếp đầu tư các công trình y tế, văn hóa, giáo dục, thể thao, thương mại, dịch vụ công cộng, cây xanh, công viên và công trình hạ tầng xã hội khác phục vụ cho dự án đầu tư.
Theo VCCI, đây là hình thức hỗ trợ vừa có lợi cho dự án, vừa giúp cải thiện đời sống của người lao động và cư dân xung quanh.
“Do vậy, cơ quan soạn thảo cần cân nhắc mở rộng diện hỗ trợ này. Cụ thể, bổ sung nhà ở dành cho công nhân, người lao động vào diện các công trình được hỗ trợ; cân nhắc bổ sung một số loại hạ tầng kỹ thuật dùng chung cho dự án, người lao động và cư dân xung quanh như công trình giao thông, thông tin liên lạc, cung cấp năng lượng, cấp nước, thu gom và xử lý chất thải…; ngoài chi phí đầu tư ban đầu, cân nhắc hỗ trợ một phần chi phí vận hành, bảo dưỡng các công trình này”, VCCI đề nghị
Bên cạnh đó, sản xuất xanh, thân thiện với môi trường đang trở thành xu hướng. Vì vậy, VCCI cũng đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, cân nhắc một số vấn đề liên quan đến quy định về: hỗ trợ chi phí chuyển đổi năng lượng, kinh tế tuần hoàn. Hỗ trợ chi phí một số loại bảo hiểm bắt buộc, bắt buộc mua bảo hiểm, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế do các loại bảo hiểm này có tác động tích cực trong nền kinh tế như phòng chống cháy nổ, cải tạo phục hồi môi trường, an sinh xã hội cho người lao động.
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp còn nhiều băn khoăn về Quỹ Hỗ trợ đầu tư
01:00, 07/04/2024
Dự thảo chính sách về Quỹ Hỗ trợ đầu tư chưa hỗ trợ doanh nghiệp
03:30, 30/03/2024
Quỹ Hỗ trợ đầu tư: “Nới” điều kiện với doanh nghiệp công nghệ cao
03:00, 21/03/2024
Nhà đầu tư thắc mắc sẽ “được gì” từ Quỹ Hỗ trợ đầu tư?
03:30, 08/03/2024
Tiếp tục xin ý kiến về Quỹ hỗ trợ điện ảnh
19:40, 06/04/2022