Đề xuất mở rộng room tín dụng cho bất động sản

MAI AN 20/12/2022 12:53

Các chuyên gia cho rằng cần tiếp tục mở rộng room tín dụng cho lĩnh vực bất động sản ở mức hợp lý, phù hợp với năng lực tài chính của tổ chức tín dụng và các giải pháp điều hành của Nhà nước.

>>Một năm “lên bổng xuống trầm” của thị trường bất động sản 2022

Các chuyên gia cho rằng thị trường rất cần sự can thiệp nhanh chóng của Nhà nước thông qua các cơ chế chính sách hợp lý để từ đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp “vực dậy”. 

Trước những khó khăn của thị trường bất động sản, mới đây, Chính phủ đã có loạt động thái nhằm hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn.

Ngày 17/11/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1435/QĐ-TTg thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường và triển khai thực hiện các dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp. 

Ngày 14/12/2022, Thủ tướng Chính phủ đã có thêm Công điện 1164/CĐ-TTg chỉ đạo Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, yêu cầu triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở ổn định, lành mạnh, bền vững, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên góp phần phục hồi phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.

Trước đó, đầu tháng 12, Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành chính sách nới room tín dụng từ 1,5 – 2%.

Tuy nhiên, góp ý về giải pháp nhằm giải quyết khó khăn cho thị trường bất động sản, nhằm tránh gây sốc, làm đóng băng thị trường bất động sản, gây tác động xấu lan truyền đến hệ thống các tổ chức tín dụng và đời sống xã hội, GS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Nhóm nghiên cứu đề xuất cần rà soát, xử lý các dự án phát triển đô thị, phát triển nhà ở đang triển khai và đã giao dự án nhưng chưa triển khai để phân loại các dự án (được tiếp tục triển khai, cần tạm dừng, cần điều chỉnh cơ cấu...).

Bên cạnh đó, lập danh mục các dự án rà soát quỹ đất, hoàn thiện thủ tục pháp lý, lựa chọn đầu tư để thực hiện các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp… nhằm triển khai hiệu quả đề án “Đầu tư ít nhất 1 triệu hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”.

>>Nguồn vốn “mồi” hỗ trợ người dân tiếp cận nhà ở xã hội

Cần rà soát, xử lý các dự án phát triển đô thị, phát triển nhà ở để có giải pháp tháo gỡ nhanh thủ tục đầu tư của các dự án

Đồng thời, Nhóm nghiên cứu cũng cho rằng doanh nghiệp bất động sản cần chủ động điều chỉnh hoạt động kinh doanh, tái cơ cấu thông qua các biện pháp giảm giá bán, điều chỉnh cơ cấu hàng hóa cho phù hợp với khả năng chi trả của thị trường.

GS TS Phạm Hồng Chương cũng cho rằng, về phía cơ quan quản lý Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, phát triển nhà ở, kinh doanh bất động sản theo hướng tăng cường quản lý nhà nước, kiểm soát có hiệu quả công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, kế hoạch phát triển nhà ở, giá bất động sản bảo đảm cân đối cung cấu, phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và nhu cầu của thị trường.

Với nhóm giải pháp tín dụng, nhóm đề nghị cần tiếp tục mở rộng room tín dụng cho lĩnh vực bất động sản ở mức hợp lý, phù hợp với năng lực tài chính của tổ chức tín dụng và các giải pháp điều hành tiền tệ, tín dụng của Ngân hàng Nhà nước; Ban hành các tiêu chí cho vay đối với các loại bất động sản khác nhau, hạn chế tập trung tín dụng quá nhiều vào các dự án nhà ở cao cấp; tập trung nguồn vốn vào các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có hiệu quả cao, tiêu thụ tốt, đáp ứng nhu cầu thực của người dân.

Đồng quan điểm, ông Đỗ Viết Chiến, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng cho rằng ở giai đoạn này thị trường rất cần sự can thiệp nhanh chóng của Nhà nước thông qua các cơ chế chính sách hợp lý để từ đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp “vực dậy”. 

Ông Chiến cho biết, doanh nghiệp bất động sản thông qua cơ chế chính sách của Nhà nước để tự “cứu” lấy mình.  Theo đó, doanh nghiệp nào có năng lực thật sự, biết cách ứng phó với những biến động của thị trường, sức cạnh tranh mạnh, doanh nghiệp đó sẽ vượt qua khó khăn còn vai trò của Nhà nước lúc này là vai trò hỗ trợ, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, cởi mở.

Có thể bạn quan tâm

  • Thị trường bất động sản 2023 sẽ “đảo chiều” khởi sắc

    Thị trường bất động sản 2023 sẽ “đảo chiều” khởi sắc

    03:00, 20/12/2022

  • Tạo niềm tin và đem đến những điểm sáng cho thị trường bất động sản

    Tạo niềm tin và đem đến những điểm sáng cho thị trường bất động sản

    02:43, 20/12/2022

  • Nội lực và kỳ vọng thị trường bất động sản 2023

    Nội lực và kỳ vọng thị trường bất động sản 2023

    21:39, 19/12/2022

  • Một năm “lên bổng xuống trầm” của thị trường bất động sản 2022

    Một năm “lên bổng xuống trầm” của thị trường bất động sản 2022

    11:22, 19/12/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đề xuất mở rộng room tín dụng cho bất động sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO