Giới chuyên gia cho rằng thành lập quỹ, phát hành trái phiếu làm nhà ở xã hội là giải pháp tạo ra nguồn vốn quan trọng song không dễ thực hiện.
>>Nghiên cứu phát hành trái phiếu Chính phủ hỗ trợ nhà ở xã hội
Vừa qua, Thủ tướng đã có chỉ đạo yêu cầu Bộ Xây dựng cùng các cơ quan nghiên cứu phương án phát hành trái phiếu Chính phủ để hỗ trợ phát triển phân khúc nhà ở này. Bộ Xây dựng cũng cần nghiên cứu thêm giải pháp về hỗ trợ lãi suất, đầu tư và xây dựng nhà ở xã hội.
Thực tế dù là phân khúc được chú trọng và liên tục đẩy mạnh thời gian qua, song, bên cạnh các khó khăn về pháp lý thì nguồn vốn vẫn là bài toán khó với doanh nghiệp làm nhà ở xã hội.
Chia sẻ tại Hội nghị nhà ở xã hội diễn ra vừa qua, đại diện VinGroup phản ánh, việc tiếp cận các nguồn vốn vay vẫn chưa thuận lợi. Bên cạnh đó, mức lãi suất cho vay ưu đãi đầu tư xây dựng đối với chủ đầu tư, mức lãi suất 8%/năm, khách hàng mua nhà ở xã hội 7,5%/năm là vẫn còn rất cao.
Còn theo ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Quân, tập đoàn này có đến 10 dự án nằm trong danh sách đủ điều kiện pháp lý để được vay gói 120.000 tỷ đồng, thế nhưng vẫn chưa thể được vay đồng nào và phải tạm dừng vì thiếu vốn.
>>Hải Phòng: Hóa giải “cơn khát” nhà ở xã hội
Góp ý về nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội, TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, đa số các dự án nhà ở xã hội tính đến thời điểm hiện nay được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn công, một số dự án do tư nhân thực hiện. Khó tiếp cận nguồn vốn vay ngân sách do được bố trí cho các dự án nhà ở xã hội rất ít. Điều kiện, thủ tục phức tạp trong khi nguồn cung nhà ở xã hội còn ít.
Do đó vị chuyên gia cho rằng không nên áp dụng theo các gói, chương trình một vài năm như hiện nay. Đặc biệt, có thể thành lập quỹ phát triển nhà ở xã hội gồm: Nguồn tiền thu từ quỹ đất cho nhà ở xã hội; Vốn góp từ các tổ chức tài chính trong và ngoài nước; Phát hành trái phiếu chính phủ/chính quyền địa phương; Vốn đối ứng, bổ sung từ các tổ chức tín dụng trong nước; Nguồn vốn ODA, các tổ chức tài chính quốc tế.
Về cơ cấu tín dụng cho vay nhà ở xã hội, có thể 40% cho doanh nghiệp và 60% cho người mua nhà. Khuyến khích, tạo điều kiện cho hộ gia đình, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân thuê nhưng phải theo quy hoạch, thiết kế chuẩn.
TS. Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết: "Các quốc gia ngay trong khối ASEAN như Singapore có quỹ cho nhà ở xã hội phát triển rất hiệu quả. Tôi nghĩ rằng cần phát triển những quỹ này để không còn phụ thuộc vào nguồn vốn ngân sách".
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế nhận thấy quỹ này rất quan trọng, bởi rất khó để ngân hàng dùng nguồn vốn ngắn hạn cho vay dài hạn với lãi suất thấp.
TS Nguyễn Trí Hiếu đề xuất quỹ này nên xuất phát từ Chính phủ phát hành trái phiếu dài hạn có ưu đãi, miễn thuế. Tiền từ trái phiếu sẽ đưa vào quỹ, cho các ngân hàng vay với lãi suất thấp khoảng 3%. Ngân hàng nhờ đó mới có thể cho người dân vay với lãi suất hấp dẫn được.
"Đây sẽ là giải pháp để tạo ra nguồn vốn quan trọng phát triển nhà ở xã hội, nhưng không dễ để thực hiện" - Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu bày tỏ.
Có thể bạn quan tâm