24h

Đề xuất tăng mức phạt với kiểm toán độc lập: Doanh nghiệp lo điều gì?

Khôi Nguyên 04/09/2024 03:00

Trước đề xuất nâng mức phạt đối với vi phạm về kiểm toán độc lập, các doanh nghiệp lo ảnh hưởng tới tâm lý, sự gắn bó nghề nghiệp của kiểm toán viên…

tang-muc-phat-voi-kiem-toan-doc-lap-lo-anh-huong-tam-ly-kiem-toan-vien-1.jpg
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Kiểm toán độc lập (đã có hiệu lực từ 1/1/2012). Ảnh minh hoạ: TTXVN

Theo đó, Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Kiểm toán độc lập (đã có hiệu lực từ 1/1/2012). Theo cơ quan này, sau nhiều vi phạm, Bộ Tài chính đánh giá các quy định hiện hành về xử lý vi phạm kiểm toán độc lập chưa đủ răn đe và có kẽ hở. Các doanh nghiệp kiểm toán đều "không sợ và không ngại vi phạm quy định của Luật kiểm toán độc lập cũng như các văn bản hướng dẫn".

Do đó, Bộ Tài chính cho biết cần thiết sửa đổi Luật Kiểm toán độc lập, theo hướng bổ sung hình thức xử phạt và tăng mức độ xử lý với kiểm toán viên, doanh nghiệp vi phạm.

Để phù hợp với thông lệ quốc tế và tiền lệ của các quy định liên quan khác (như quy định về xử phạt vi phạm đối với lĩnh vực chứng khoán), Bộ Tài chính đề xuất trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Kiểm toán độc lập một số nội dung gồm: thời hiệu xử lý vi phạm pháp luật về kiểm toán độc lập là 10 năm; mức phạt tiền tối đa 3 tỷ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân…

Ngoài ra, tổ chức, cá nhân vi phạm có thể bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán, thu hồi chứng chỉ kiểm toán viên, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán...Cá nhân vi phạm quy định của Luật này tùy theo tính chất, mức độ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo dự thảo mới nhất, cơ quan soạn thảo cũng bổ sung các đối tượng thuộc diện kiểm toán bắt buộc. Cụ thể, các doanh nghiệp, tổ chức có quy mô lớn phải thực hiện kiểm toán bắt buộc theo quy định của Chính phủ để đảm bảo phù hợp với Chiến lược kế toán, kiểm toán đến năm 2023. Doanh nghiệp, tổ chức có giao dịch phức tạp, số lượng lao động lớn, doanh thu hoạt động cao, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế,... cũng phải được kiểm toán báo cáo tài chính hàng năm nhằm minh bạch thông tin tài chính.

Góp ý về dự thảo này, Hội kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) cho biết các doanh nghiệp kiểm toán (VAE, AASCS, Tri Thức Việt, A&C, An Việt, Chuẩn Việt, CAF) đánh giá mức phạt 3 tỷ đồng trên là quá cao so với đặc điểm hoạt động của kiểm toán (vốn góp, phí dịch vụ kiểm toán).

Ngoài ra, theo các doanh nghiệp, các kiểm toán viên hành nghề do doanh nghiệp, Ban lãnh đạo doanh nghiệp kiểm toán phân công. Do đó, họ cho rằng cần làm rõ các hành vi vi phạm dẫn tới cá nhân bị phạt tiền. Cùng đó, mức phạt 1,5 tỷ đồng cũng rất cao với cá nhân kiểm toán viên, do đó, các doanh nghiệp này lo sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới tâm lý, sự gắn bó nghề nghiệp của họ.

VACPA đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ cơ sở đề xuất mức phạt. Họ cho rằng Bộ Tài chính cần tổ chức họp, lấy ý kiến doanh nghiệp kiểm toán, kiểm toán viên để đánh giá sự phù hợp, tác động tới hoạt động của doanh nghiệp, kiểm toán viên.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết dự thảo đã nghiên cứu kinh nghiệm của một số lĩnh vực như chứng khoán, thuế và thông lệ quốc tế của các nước (thường quy định mức phạt tiền rất cao).

Theo cơ quan này, thời gian qua đã xảy ra một số trường hợp doanh nghiệp kiểm toán, kiểm toán viên hành nghề kiểm toán cho một số đơn vị có lợi ích công chúng hoặc lĩnh vực chứng khoán đã vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực kiểm toán, đạo đức nghề nghiệp. Song, mức xử phạt hiện chưa đảm bảo mức răn đe như thông lệ quốc tế hay lĩnh vực chứng khoán. Hiện, lĩnh vực chứng khoán quy định phạt đến 3 tỷ đồng với các hành vi của các đơn vị có lợi ích công chúng.

"Do vậy, mức phạt tiền như đề xuất để tương đồng với cùng một vi phạm của đơn vị có lợi ích công chúng và doanh nghiệp kiểm toán", Bộ Tài chính cho biết thêm rằng không phải tất cả hành vi đều bị xử lý ở mức tối đa, mà chỉ các vi phạm nghiệm trọng chuẩn mực kiểm toán, đạo đức nghề nghiệp mới bị vậy.

Về thời hiệu xử phạt, các doanh nghiệp cho rằng 10 năm là quá dài so với một số lĩnh vực khác, ví dụ như thuế chỉ quy định 5 năm từ ngày thực hiện hành vi vi phạm. Do đó, VACPA đề nghị làm rõ cơ sở, những hành vi vi phạm kiểm toán độc lập có thời hiệu xử lý như đề xuất của Bộ Tài chính.

Bộ Tài chính cho biết tiếp thu ý kiến của VACPA, dự thảo mới nhất đề xuất thời hiệu tương tự lĩnh vực thuế là 5 năm.

Ngoài ra, VACPA cho biết dự thảo hiện chưa quy định kiểm toán viên đăng ký hành nghề phải là hội viên của một tổ chức nghề nghiệp. Thực tế, các kiểm toán đang đăng ký tham gia tổ chức nghề nghiệp tự nguyện. Trong khi đó, thông lệ tại nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới, việc kiểm toán viên muốn đăng ký hành nghề phải là hội viên của một tổ chức nghề nghiệp là điều kiện bắt buộc.

"Quy định này tạo thuận lợi cho tổ chức nghề nghiệp trong việc kiểm tra chất lượng dịch vụ do hội viên cung cấp, giúp kịp thời xử lý các vi phạm và hỗ trợ hội viên khắc phục các tồn tại và nâng chất lượng dịch vụ", VACPA đánhg giá.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng đây chưa phải vấn đề cấp bách, cần thiết phải sửa đổi. Do đó chưa đưa vào dự thảo sửa luật lần này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đề xuất tăng mức phạt với kiểm toán độc lập: Doanh nghiệp lo điều gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO