Tài chính doanh nghiệp

Vì sao kiểm toán từ chối kết luận báo cáo tài chính bán niên của TAR?

Đình Đại 24/08/2024 04:17

Với kết quả kinh doanh hậu soát xét tăng lỗ ròng, TAR còn bị đơn vị kiểm toán còn từ chối đưa ra kết luận đối trong báo cáo tài chính giữa niên độ.

Cụ thể, theo Báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2024 đã soát xét, Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (UpCOM: TAR) ghi nhận doanh thu thuần giảm 7% so với báo cáo tự lập, xuống còn hơn 3.179 tỷ đồng.

trungan(1).jpg
TAR tăng lỗ hậu báo cáo tài chính soát xét bán niên - Ảnh minh họa.

Doanh thu từ hoạt động tài chính của doanh nghiệp nửa đầu năm cũng giảm mạnh 62% so với báo cáo tự lập trước đó, xuống chỉ còn hơn 5 tỷ đồng. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp ngành gạo này tăng lỗ ròng lên hơn 8,5 tỷ đồng, so với mức lỗ gần 900 triệu đồng trong báo cáo tự lập.

Doanh nghiệp cho biết, nguyên nhân của sự chênh lệch trên là do kiểm toán điều chỉnh lại lãi dự thu của các khoản tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn và điều chỉnh chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại tỷ giá các khoản vay ngân hàng có gốc ngoại tệ.

Đáng chú ý, đơn vị kiểm toán tiếp tục từ chối đưa ra kết luận về Báo cáo tài chính bán niên 2024 của TAR. Theo đơn vị kiểm toán, TAR đang chờ kết quả xác minh của cơ quan chức năng về các vấn đề được nêu trong Kết luận thanh tra của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ngày 13/09/2023 gồm chủ sở hữu của 15 triệu cổ phiếu TAR trong đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ của Công ty; việc lập hồ sơ đăng ký chào bán riêng lẻ năm 2021; thông tin liên quan đến số liệu hàng tồn kho công bố trên báo cáo tài chính năm 2022 đã được kiểm toán với giá trị hơn 1.255 tỷ đồng.

Vì lý do trên, kiểm toán viên không thể đánh giá và định lượng mức độ ảnh hưởng các vấn đề này đến các báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2024 của TAR. Do tầm quan trọng của vấn đề nêu trên, tổ chức kiểm toán không thể đưa ra ý kiến đối với báo cáo tài chính giữa niên độ của doanh nghiệp.

Trước đó, vào ngày 31/05 vừa qua, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cũng đã quyết định đưa vào cổ phiếu TAR vào diện hạn chế giao dịch (chỉ được giao dịch vào phiên thứ Sáu hàng tuần) do tổ chức kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến về báo cáo tài chính năm 2023 của Công ty.

Theo Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong 7 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu 5,18 triệu tấn gạo, với kim ngạch đạt 3,27 tỷ USD, tăng 25,1% về lượng và 5,8% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá xuất khẩu gạo trung bình đạt 632 USD/tấn, tăng hơn 18% so với cùng kỳ năm 2023.

cptar.jpg
Cổ phiếu TAR đang trong diện hạn chế giao dịch do tổ chức kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến về báo cáo tài chính năm 2023 của Công ty.

Thống kê của Tổng cục Hải cũng cho thấy, giá xuất khẩu gạo trung bình của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2024 lên mức cao kỷ lục 636 USD/tấn, tăng 18% so với mức giá bình quân 538 USD/tấn của cùng kỳ năm 2023. Đặc biệt, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam sang Brunei lên tới 959 USD/tấn trong 5 tháng đầu năm 2024.

Bên cạnh đó, giá xuất khẩu gạo sang nhiều thị trường khác cũng tăng cao như: Hoa Kỳ đạt 868 USD/tấn; Hà Lan đạt 857 USD/tấn; Ukraine đạt 847 USD/tấn; Iraq đạt 836 USD/tấn; Thổ Nhĩ Kỳ đạt 831 USD/tấn...

Theo Công ty Chứng khoán FPTS, xuất khẩu gạo tăng trưởng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2024 nhờ động lực đến từ nhu cầu nhập khẩu của 2 thị trường chính là Philippines và Indonesia tăng trưởng tích cực trong bối cảnh tình hình sản xuất trong nước của 2 thị trường trên suy giảm.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, sản lượng gạo sản xuất nội địa của Philippines và Indonesia ước tính giảm lần lượt 5,0% so với cùng kỳ và 11,7% so với cùng kỳ do thời tiết khô hạn bởi El Nino. FPTS kỳ vọng, xuất khẩu gạo duy trì bức tranh tích cực trong quý III/2024 với động lực từ nhu cầu nhập khẩu của Philippines và Indonesia.

“Bình quân 6 tháng đầu năm 2024, giá gạo xuất khẩu vẫn cao hơn 19,2% so với cùng kỳ, bình quân đạt mức 635 USD/tấn nhờ nhu cầu nhập khẩu của các thị trường ở mức cao và Ấn Độ duy trì các biện pháp hạn chế xuất khẩu gạo trong 6 tháng đầu năm 2024”, FPTS đánh giá.

Đồng thời, Công ty Chứng khoán này cũng cho rằng, đà giảm của giá gạo xuất khẩu có thể diễn ra mạnh hơn trong thời gian tới trước động thái xem xét nới lỏng hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ. Nước này đang xem xét cho phép xuất khẩu gạo trắng với mức thuế cố định, mặt khác Chính phủcũng có thể hủy bỏ mức thuế 20% với gạo đồ.

Tương tự, đánh giá về triển vọng của ngành lúa gạo trong quý III/2024, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán VCBS cũng cho rằng, giá gạo có thể sẽ tiếp tục giảm, tuy nhiên sẽ khó giảm mạnh do thế giới vẫn được dự báo thâm hụt gạo.

Theo chuyên gia của VCBS, Indonesia đã tăng nguồn cung gạo trong nước, mức nhập khẩu gạo của nước này đã giảm so với thời gian trước, từ 2 triệu tấn xuống 1,5 triệu tấn, do đó sẽ ảnh hưởng tới lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam.

Trong khi đó, Chính phủ Ấn Độ đang xem xét nới lỏng chính sách hạn chế xuất khẩu một số loại gạo để tránh tình trạng dư thừa trong nước trước khi mùa vụ mới, do đó nguồn cung gạo thế giới có thể gia tăng trong thời gian tới.

Tuy nhiên, chuyên gia của VCBS cũng nhận định, sản lượng gạo mà Philippines dự kiến nhập khẩu trong năm 2024 có thể lên tới 4,5 triệu tấn, điều này có thể tác động tích cực lên giá gạo của Việt Nam.

Việc thị trường xuất khẩu gạo đã có tăng trưởng cả giá bán và sản lượng trong khi các doanh nghiệp đầu ngành như Trung An, Lộc Trời vẫn gặp khó khăn trong kinh doanh, cho thấy có nghịch lý trong hoạt động của doanh nghiệp với bối cảnh chung. Giả định khi thị trường gạo không còn thuận lợi, giá giảm, cạnh tranh cao, việc khắc phục kết quả lỗ của các doanh nghiệp như Trung An chưa biết sẽ đặt trên các trọng tâm nào?

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vì sao kiểm toán từ chối kết luận báo cáo tài chính bán niên của TAR?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO