“Điều mong muốn là ngành đăng kiểm sớm khắc phục được tình trạng quá tải, nâng cấp công nghệ để kiểm định xe nhanh, tăng phí nhưng thủ tục nhanh, minh bạch thì doanh nghiệp sẵn sàng ủng hộ….”.
Đây là chia sẻ của ông Bùi Văn Quản - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM xung quanh đề xuất tăng giá dịch vụ đăng kiểm đang được dư luận đặc biệt quan tâm.
>>Băn khoăn đề xuất tăng giá dịch vụ đăng kiểm
Theo đó, Hiệp hội Ô tô vận tải Việt Nam vừa có công văn gửi lãnh đạo Bộ GTVT bày tỏ quan ngại về việc có thể sẽ tái diễn tình trạng ùn tắc tại các trung tâm đăng kiểm. Đại diện hiệp hội này cho rằng, tình hình đăng kiểm trong thời gian tới nhiều khả năng sẽ tái diễn tình trạng ùn tắc vì các đăng kiểm viên đang được tại ngoại làm việc sẽ hầu tòa trong thời gian tới. Đây là vấn đề mà các đơn vị vận tải hết sức quan ngại vì dịp cuối năm và đầu năm là thời điểm nhu cầu vận tải hàng hóa và hành khách tăng cao.
"Để đáp ứng nhu cầu kiểm định xe cơ giới trong thời điểm hiện nay, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo khẩn trương điều chỉnh giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới trong thời gian sớm nhất để tạo điều kiện thực hiện các giải pháp cơ bản, đáp ứng nhu cầu kiểm định xe cơ giới một cách kịp thời", Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam kiến nghị.
Giải thích rõ thêm lý do đưa ra kiến nghị này, ông Nguyễn Văn Quyền – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết: "Giá kiểm định xe cơ giới hiện hành đã ban hành từ năm 2013, qua hơn 10 năm áp dụng đến nay không còn phù hợp khi mà các chi phí đầu vào đều tăng cao như chi phí tiền lương, tiền điện. Việc thực hiện một số quy định mới trong công tác kiểm định cũng làm tăng thêm một số khoản mục chi không nhỏ so với trước.
Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu kiểm định trong thời gian cuối năm, các đơn vị kiểm định cần phải bố trí làm thêm giờ, làm thêm ngày thứ bảy, chủ nhật và phải trả lương tăng thêm theo quy định. Mặt khác, để khôi phục năng lực kiểm định theo công suất của các trung tâm đăng kiểm thì vấn đề nguồn nhân lực là yếu tố quyết định. Để thu hút được nguồn nhân lực thì thu nhập cho người lao động là yếu tố có tính quyết định".
Được biết, hiện nay phương án điều chỉnh giá đã được Cục Đăng kiểm Việt Nam đã hoàn tất và chờ Bộ Tài chính trình dự thảo luật Giá (sửa đổi) để Quốc hội xem xét thông qua trong kỳ họp đang diễn ra. Căn cứ vào dự thảo luật Giá (sửa đổi), dịch vụ kiểm định vẫn là dịch vụ thiết yếu, do đó cần được nhà nước quy định giá và không thể để thả nổi. Theo phương án điều chỉnh giá dự kiến, giá dịch vụ đăng kiểm bình quân sẽ tăng khoảng 28%, nếu thuận lợi có thể áp dụng vào đầu năm sau.
Điểm chú ý là nếu phương tiện không đạt ở công đoạn nào, sau khi khắc phục quay lại kiểm định lần 2, trung tâm đăng kiểm sẽ kiểm tra lại và chỉ thu tiền phí thực hiện đúng công đoạn đó, thay vì thu theo lượt kiểm định như hiện nay.
>>Đề xuất tự động giãn đăng kiểm: Tháo “nút thắt” cho bài toán “ùn tắc”
Trao đổi xung quanh vấn đề này dưới góc nhìn doanh nghiệp, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, cho rằng, hiện nay tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu, lạm phát tăng cao và các nghành đang kiềm chế tăng giá để hạn chế lạm phát. Trong đó, các nghành như vận tải bị ảnh hưởng lớn nhất. Đây cũng được xem là nghành chủ đạo xương sống của nền kinh tế cũng đã phải bán xe để cắt lỗ. Chính vì vậy, việc ngành đăng kiểm đang tiến hành điều chỉnh lại giá tại thời điểm này là chưa hợp lý.
Cũng theo ông Hùng, vừa qua cơ quan điều tra đã xử lý rất quyết liệt và cũng từ đó đã bộc lộ rất nhiều điểm cần chấn chỉnh và rút kinh nghiệm trong công tác quản lý kỹ thuật, đảm bảo an toàn giao thông và nhận thức của các tổ chức, cá nhân tuân thủ pháp luật.
“Nhưng không thể vì việc thanh, kiểm tra khiến các phương tiện bị ùn ứ và lấy lý do đó để tăng giá thì vô hình chung sẽ tác động đến các kết quả mà các cơ quan quản lý nhà nước đã mất nhiều công sức làm trong thời gian qua, đồng thời sẽ tạo dư luận không tốt cho xã hội”, đại diện Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội chia sẻ.
Ở một góc nhìn khác, ông Bùi Văn Quản (chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM) cho rằng, việc tăng phí kiểm định là do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, quyết định. Mức phí tăng hợp lý thì các doanh nghiệp vận tải cũng sẽ chấp hành ngay.
Tuy nhiên, phí kiểm định tăng thì kèm theo đó chất lượng dịch vụ cũng phải cải thiện. Suốt mấy tháng qua, doanh nghiệp vận tải rất khó khăn, xe không đăng kiểm được thì mọi hoạt động kinh doanh phải ngừng. Rất nhiều doanh nghiệp rơi vào cảnh phá sản vì không "gồng" mãi được, nhìn hàng xe xếp hàng nằm bãi ai cũng ngậm ngùi.
“Điều mong muốn nhất của tất cả các doanh nghiệp chính là ngành đăng kiểm nhanh chóng khắc phục tình trạng quá tải, nâng cấp ứng dụng công nghệ để phục vụ kiểm định xe nhanh, ưu tiên xe vận tải. Tăng phí nhưng thủ tục nhanh, minh bạch, rõ ràng thì doanh nghiệp sẵn sàng ủng hộ”, ông Quản chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
Ùn tắc đăng kiểm: Cần có giải pháp căn cơ để tháo gỡ cho doanh nghiệp
03:40, 12/06/2023
Đề xuất tăng giá dịch vụ đăng kiểm: Còn lắm ý kiến trái chiều
04:00, 14/06/2023
Đề xuất tự động giãn đăng kiểm: Tháo “nút thắt” cho bài toán “ùn tắc”
03:00, 14/05/2023
Vẫn loay hoay bài toán ùn tắc đăng kiểm
03:40, 07/05/2023
Kiến nghị Thủ tướng gỡ rối đăng kiểm
03:30, 30/04/2023
Gỡ “nút thắt” ùn tắc đăng kiểm
15:00, 21/04/2023