Làm thế nào vừa tiến hành công nghiệp hoá để phát triển kinh tế mà không gây những ảnh hưởng xấu đến môi trường, làm giảm đến mức thấp nhất ô nhiễm do các ngành công nghiệp gây ra?
Hẳn chúng ta đều biết, nhiệm vụ quan trọng nhất của nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, không qua chế độ tư bản là phải xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của công nghiệp xã hội, trong đó có công nghiệp và nông nghiệp hiện đại, có văn hoá và khoa học tiên tiến.
Muốn thực hiện thành công nhiệm vụ quan trọng nói trên nhất thiết phải tiến hành công nghiệp hoá. Công nghiệp hoá là một việc cần thiết đi đôi với việc xoá đói giảm nghèo, cùng với việc nâng cao mức sống của người dân.
Những thành tựu của kỹ thuật mới như người máy, máy vi tính, ô tô, vi điện tử, laze, công nghệ thông tin, nguyên liệu mới và công nghệ sinh học đã cung cấp cơ sở và động lực cho sự hiện đại hoá nền công nghiệp truyền thống. Tái sử dụng chất thải công nghiệp, sử dụng hiệu quả năng lượng và thay thế một số loại nguyên vật liệu là xu hướng nổi bật trong lĩnh vực công nghiệp hoá hiện đại hoá.
Mặc dù có các tiến bộ quan trọng như vậy nhưng đồng thời công nghiệp hoá lại đưa đến những mâu thuẫn, đó là mâu thuẫn kinh tế giữa người với người, mâu thuẫn sinh thái học giữa con người với thiên nhiên. Chính những mâu thuẫn này đã phá hoại môi trường sống của chúng ta, nó làm ô nhiễm đất, nước, không khí, gây ra tiếng ồn, mưa axit, hoang mạc hoá, sự ấm lên toàn cầu và phá huỷ tầng ozon…
Mặt khác, không thể phủ nhận một thực tế đang tồn tại trong các khu công nghiệp đó chính là việc đầu tư hạ tầng xã hội khu công nghiệp chưa mang tính đồng bộ. Sự thiếu hụt các dịch vụ cho người lao động, như phúc lợi xã hội, nhà ở cho công nhân, dịch vụ đào tạo, thiếu các hoạt động vui chơi giải trí, nhà văn hóa, trường học, trạm y tế, phòng khám…… dẫn đến tình trạng nhiều khu công nghiệp chưa thu hút được lao động vào làm việc.
Liên quan đến vấn đề này, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh: “Từ thực tế cho thấy, hầu hết các khu công nghiệp đều chủ yếu tập trung xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và chú trọng lợi ích kinh tế mà chưa quan tâm đúng mức đến việc phát triển hạ tầng xã hội cho người lao động”.
Vậy làm thế nào vừa tiến hành công nghiệp hoá để phát triển kinh tế mà không gây những ảnh hưởng xấu đến môi trường, làm giảm đến mức thấp nhất ô nhiễm do các ngành công nghiệp gây ra? Một trong những biện pháp chính là xây dựng khu công nghiệp sinh thái.
Bởi vì, khu công nghiệp sinh thái là mô hình khu công nghiệp hướng tới việc phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường. Như phát biểu của Đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) tại phiên thảo luận ở Hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV, vừa qua, đó là:
“Khu công nghiệp sinh thái là mô hình khu công nghiệp hướng tới việc phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường không những mang lại nhiều giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp mà còn đóng góp to lớn trong việc giảm thiểu tác động của các dự án sản xuất, môi trường, góp phần xây dựng kinh tế tuần hoàn”, Đại biểu Lã Thanh Tân nhấn mạnh.
Ngày 25/10/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có tờ trình số 7320/TTr-BKHĐT trình Chính phủ về việc ban hành Nghị định sửa đổi thay thế Nghị định 82/2018/NĐ/-CP của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế.
Trong đó, Điều 39 quy định về ưu đãi đối với khu công nghiệp sinh thái, doanh nghiệp sinh thái với một số nội dung cụ thể như: Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp sinh thái được hưởng chính sách ưu đãi quy định tại khoản 1 Điều 32 của Nghị định này (Được miễn giảm tiền thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai; Được cho thuê đất trong thời hạn không quá 70 năm; Được ưu tiên vay vốn tín dụng của Nhà nước, thực hiện các hình thức huy động vốn hợp pháp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, tín dụng và pháp luật có liên quan).
Nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp sinh thái, doanh nghiệp sinh thái được ưu tiên vay vốn ưu đãi từ Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam, ngân hàng Phát triển Việt Nam, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa và các quỹ, tổ chức tài chính, nhà tài trợ trong nước và quốc tế để xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, thực hiện các biện pháp sản xuất sạch hơn, sử dụng hiệu quả tài nguyên và cộng sinh công nghiệp;...
Tuy vậy, các doanh nghiệp, chủ đầu tư muốn tiếp cận được nguồn ưu đãi đó không phải dễ. Nói vậy, bởi vì dù những “giấy phép con” đã được khắc phục nhiều để cải thiện môi trường kinh doanh, nhưng vẫn còn đó một số hạn chế nhất định.
Rõ nhất là vấn đề thẩm định, xét duyệt hồ sơ. Để khu công nghiệp được công nhận là khu công nghiệp sinh thái, ngoài đáp ứng các tiêu chí quy định tại Điều 37 của Nghị định, chủ đầu tư phải qua nhiều bước, nhiều thủ tục mới được công nhận là khu công nghiệp sinh thái.
Nói thẳng ra, quá trình thẩm định hồ sơ công nhận khu công nghiệp sinh thái phải thông qua nhiều bộ ban ngành gây khó khăn nhiều cho chủ đầu tư khu công nghiệp.
Cụ thể: Từ trình hồ sơ đăng ký chứng nhận khu công nghiệp sinh thái lên Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế. Ban quản lý gửi hồ sơ lấy ý kiến của 5 bộ ngành (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương và Bộ Xây dựng). Sau khi xin ý kiến của các bộ ngành, trong trường hợp đạt, Ban quản lý tổng hợp báo cáo UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận khu công nghiệp sinh thái.
Theo ông Phạm Hồng Điệp, chủ đầu tư khu công nghiệp sinh thái Nam Cầu Kiền thì những ưu đãi trên không thiết thực với nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, doanh nghiệp trong khu công nghiệp, chưa đủ khuyến khích nhà đầu tư phát triển theo mô hình khu công nghiệp sinh thái và các doanh nghiệp phát triển theo mô hình doanh nghiệp sinh thái.
Chính vì vậy, cần “tháo rào” một số vướng mắc về cơ chế và những chính sách ưu đãi đầu tư vào khu vực này cần thiết thực hơn, có sự đột phá để khuyến khích nhà đầu tư phát triển theo mô hình khu công nghiệp sinh thái.
Do đó, như chính Đại biểu Lã Thanh Tân đề nghị: “Ngoài những ưu đãi cho khu công nghiệp sinh thái theo quy định hiện hành thì Chính phủ cần nghiên cứu, xem xét bổ sung các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, thuê mặt nước, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp có thể được áp dụng tương tự như khu kinh tế”.
Có thể bạn quan tâm
11:01, 08/11/2021
10:00, 04/11/2021
17:18, 03/11/2021
17:17, 03/11/2021
17:12, 03/11/2021
16:45, 03/11/2021
16:32, 03/11/2021
15:42, 03/11/2021
15:30, 03/11/2021
14:50, 03/11/2021
14:25, 03/11/2021
14:18, 03/11/2021