Apple đã cảm nhận được những tác động đầu tiên từ việc thiếu chip toàn cầu khi iPad và MacBook sẽ bị đình trệ sản xuất do thiếu linh kiện cần thiết.
Việc một số dòng máy MacBook và iPad bị đình trệ sản xuất do tình trạng thiếu linh kiện toàn cầu là một dấu hiệu cho thấy ngay cả đối với Apple – công ty có thị phần toàn cầu khổng lồ, hiện cũng rơi vào tình trạng khan hiếm nguồn cung linh kiện chưa từng có.
Tình trạng thiếu chip đã gây ra sự đình trệ trong khâu sản xuất máy tính MacBook do thiếu thiết bị để gắn các linh kiện lên bảng mạch trước khi đưa vào khâu lắp ráp cuối cùng. Bên cạnh đó, một số hoạt động lắp ráp iPad cũng đã bị tạm ngừng do tình trạng thiếu màn hình và các linh kiện hiển thị.
Sự cố này đã khiến Apple phải đẩy lùi một phần đơn hàng của MacBook và iPad từ nửa đầu năm nay xuống nửa cuối năm. Giới chuyên gia cho rằng sự cố này là dấu hiệu cho thấy tình trạng thiếu chip ngày càng trở nên nghiêm trọng và điều này thậm chí có thể ảnh hưởng nặng nề hơn đến những công ty công nghệ nhỏ.
Apple vốn được biết đến như một trong những công ty với những chuỗi cung ứng phức tạp nhất thế giới, cùng với tốc độ huy động linh kiện một cách nhanh chóng từ các nhà cung cấp. Điều này đã giúp Apple chống chọi được với tình trạng thiếu linh kiện toàn cầu vốn đang gây áp lực cho các nhà sản xuất ô tô cũng như các nhà sản xuất điện tử.
Mặc dù nguồn cung một số linh kiện hiện nay khá “eo hẹp”, tuy nhiên cho đến nay kế hoạch sản xuất những chiếc iPhone mang tính biểu tượng của Apple vẫn không bị ảnh hưởng quá nhiều. Nhìn chung, sự thiếu hụt linh kiện vẫn là một vấn đề của chuỗi cung ứng đối với Apple nhưng chưa thể ảnh hưởng đến khả năng cung cấp sản phẩm ra thị trường.
Đứng trước những thông tin trên, Apple từ chối bình luận về câu chuyện này.
Ở một góc độ khác, đối thủ lớn nhất của Apple - Samsung Electronics, nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới, gần đây đã xác nhận rằng tình trạng thiếu chip có thể là vấn đề lớn đối với công ty trong giai đoạn Quý II năm nay. Để giải quyết vấn đề, Samsung cho biết hãng đã bổ sung các nhóm nhân viên làm việc suốt ngày đêm để tìm ra giải pháp cho vấn đề này.
Nhận xét về tình hình, chuyên gia Peter Hanbury tại Công ty tư vấn thị trường Bain & Co. cho rằng: “Các ông lớn công nghệ cũng đã phát triển chuỗi cung ứng và đối tác phức tạp, trong đó bao gồm cả việc lập kế hoạch hợp tác với các đối tác sản xuất chất bán dẫn để giải quyết tình trạng thiếu hụt như hiện nay." Tuy nhiên, giờ đây, "nhu cầu đối với một số loại sản phẩm lớn này đã vượt quá tổng công suất hiện có", ông Hanbury cho biết thêm. "Giờ đây, các hãng này phải đối mặt với những thách thức dài hạn giống như các nhà cung cấp chip và đối tác sản xuất về việc tăng thêm năng lực sản xuất, vốn mất nhiều năm và hàng tỷ USD."
Trung bình, Apple bán được khoảng 200 triệu chiếc iPhone, hơn 20 triệu chiếc MacBook, 19 triệu chiếc iPad và hơn 70 triệu đôi AirPods mỗi năm - tất cả đều nằm trong top 5 trên toàn cầu trong các phân khúc điện tử tiêu dùng tương ứng - khiến công ty trở thành một trong những lực lượng mua sắm mạnh nhất thế giới.
Apple là nhà sản xuất máy tính xách tay lớn thứ tư thế giới với 7,6% thị phần, xếp sau Lenovo Group Holding, HP và Dell vào năm 2020. Trong khi đó, iPad của Apple dẫn đầu trên thị trường máy tính bảng, với 32,5% thị phần vào năm ngoái, theo sau là Samsung, Huawei, Lenovo và Amazon, IDC.
Cuộc khủng hoảng nguồn cung đã lan sang MacBook và iPad - hai mặt hàng chủ chốt của Apple - cho thấy sự thiếu hụt linh kiện vẫn là một vấn đề nghiêm trọng và có thể giáng một đòn nghiêm trọng hơn vào những công ty công nghệ khác vốn có ít khả năng thương lượng và chuyên môn quản lý chuỗi cung ứng.
Wallace Gou- Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Silicon Motion, nhà phát triển chip điều khiển bộ nhớ flash NAND cung cấp cho Samsung, Western Digital, Micron, Kingston… chia sẻ: "Chúng tôi chưa thấy dấu hiệu kết thúc cuộc khủng hoảng này, thậm chí mọi thứ có thể còn tồi tệ hơn do một số công ty công nghệ nhỏ có thể cạn kiệt lượng linh kiện dự trữ để sản xuất các sản phẩm của họ, chưa kể đến nhu cầu mở rộng quy mô của những công ty này”.
Mặc dù trong năm 2020 và cả khi đã bước sang năm 2021, nhu cầu sử dụng máy tính vẫn rất mạnh do những hạn chế xã hội khiến tỷ lệ người dân làm việc tại nhà thông qua các thiết bị điện tử tăng đột biến. Theo cơ quan nghiên cứu IDC, thị trường máy tính toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng hơn 18% trong năm 2021, sau khi đã ghi nhận sự gia tăng ở mức 13% trong năm 2020.
Tuy nhiên, Mỹ, Nhật Bản và Đức đã yêu cầu các công ty công nghệ Đài Loan và Hàn Quốc - hai nền kinh tế sản xuất chip chủ chốt ưu tiên sản xuất chip cho ngành công nghiệp ô tô, vốn rất quan trọng đối với nền kinh tế thế giới. Điều này cũng là một nguyên nhân khiến việc sản xuất chất bán dẫn cho các sản phẩm máy tính và điện tử tiêu dùng càng trở nên hạn hẹp.
Có thể bạn quan tâm