Đó là phát biểu của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ.
>>>Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ
Phát biểu tham luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng khẳng định, với vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên thuận lợi, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đầy đủ, thuận lợi trong kết nối, giao thương trong nước và quốc tế, vùng Đông Nam Bộ đóng vai trò là trung tâm lớn về du lịch, phát triển các loại hình dịch vụ công nghiệp, công nghệ thông tin, viễn thông, logistics...
Theo Bộ trưởng GTVT, vùng Đông Nam Bộ có tỷ lệ và tốc độ đô thị hóa cao, mật độ dân cư lớn nên cũng đặt ra nhiều thách thức trong quá trình quản lý, xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng.
Thời gian qua, Bộ GTVT đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và các địa phương trong Vùng Đông Nam Bộ tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông và đã đạt được những kết quả nhất định.
Cụ thể, đã đưa vào khai thác 103km, đang thi công 178km và chuẩn bị khởi công 126km; phấn đấu đến 2025 sẽ có trên 400km đường cao tốc đưa vào khai thác. Về đường sắt, đang triển khai nâng cấp, cải tạo đường sắt Thống Nhất đoạn Nha Trang – TP.HCM; đẩy nhanh tiến độ các dự án đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên, Bến Thành - Tham Lương; nghiên cứu xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, TP.HCM - Cần Thơ, Biên Hòa - Vũng Tàu, Thủ Thiêm - Long Thành...
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng nhìn nhận, đây mới là những kết quả bước đầu, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của vùng vẫn còn tồn tại, hạn chế, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và nhu cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Ngoài ra, mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông cấp vùng, liên vùng còn thiếu và chưa đồng bộ; các tuyến Vành đai 3, Vành đai 4 TP.HCM chưa hoàn chỉnh; tiến trình xây dụng đường sắt đô thị tại TP.HCM còn chậm nên chưa giải quyết triệt để được ùn tắc giao thông nội đô...
Nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đông Nam Bộ nhanh, bền vững phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế vùng và từng bước khắc phục các tồn tại, hạn chế trong thời gian qua, Bộ GTVT đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.
Cụ thể, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng phê duyệt 5 quy hoạch ngành quốc gia lĩnh vực giao thông vận tải. Trong đó, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ đã được quy hoạch theo hướng tích hợp, bảo đảm tính liên kết đồng bộ, phát huy lợi thế của từng phương thức vận tải.
>>>Đông Nam Bộ: Cần thiết thành lập Quỹ phát triển hệ thống giao thông vùng
Để đạt được các mục tiêu nêu trên, Bộ trưởng Bộ GTVT nhấn mạnh, cần triển khai đồng bộ các giải pháp trong phối hợp triển khai thực hiện và thu hút nguồn lực xây dựng mạng lưới giao thông vùng Đông Nam Bộ.
Cụ thể, cần sớm hoàn thiện các quy trình, quy hoạch vùng tích hợp đầy đủ, thống nhất và đồng bộ với 5 quy hoạch chuyên ngành giao thông vận tải đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, xây dựng danh mục dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đến năm 2030 của vùng.
“Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ chỉ đạo, phối hợp với các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trong vùng tổ chức Hội nghị xúc tiến, kêu gọi đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông để huy động tối đa các nguồn vốn ngoài ngân sách, sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách Nhà nước với mục tiêu “Lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, trong đó, tập trung vào các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, có tác dụng lan tỏa, tạo ra liên kết vùng”, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.
Trước đó, khi báo cáo kế hoạch triển khai hoạt động Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ 6 tháng cuối năm 2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng cũng đánh giá, mặc dù đóng góp vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của cả nước nhưng phát triển vùng Đông Nam Bộ đã và đang đối mặt với nhiều thách thức và còn bộc lộ nhiều hạn chế.
Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT, mạng lưới kết cấu hạ tầng nội vùng và liên vùng còn thiếu và chưa đồng bộ, chênh lệch về phát triển giữa các địa phương trong vùng chưa được rút ngắn; liên kết trong vùng vẫn còn hạn chế, chưa thực chất và hiệu quả.
“Xây dựng không gian kinh tế thống nhất chưa hiệu quả, nguồn lực bị phân tán; lợi ích kinh tế của từng địa phương bó buộc theo địa giới hành chính, thậm chí còn cạnh tranh nhau, làm triệt tiêu lợi thế chung của toàn vùng. Các vấn đề về ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước, úng ngập cục bộ tại TP.HCM và một số địa phương trong vùng chưa được giải quyết”, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng đánh giá.
Chính vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định rõ việc cần đổi mới cách thức hoạt động, điều phối và phương thức liên kết giữa các địa phương trong vùng nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch về trình độ phát triển giữa các địa phương trong vùng, đồng thời phát huy hiệu quả hơn nữa sức mạnh tổng hợp của toàn vùng Đông Nam Bộ.
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của chủ trương phân cấp cho địa phương thực hiện và có sự điều phối chung để triển khai các dự án hạ tầng chiến lược vùng Đông Nam Bộ, đồng thời đề nghị cần nghiên cứu hình thành Quỹ phát triển hạ tầng vùng. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trên cơ sở đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt nguồn lực ngoài Nhà nước nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng.
Có thể bạn quan tâm
Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ
09:30, 18/07/2023
Bình Phước: Tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng cao nhất vùng Đông Nam Bộ
17:00, 11/07/2023
Đông Nam Bộ: Cần thiết thành lập Quỹ phát triển hệ thống giao thông vùng
02:30, 08/07/2023
TP.HCM và các tỉnh vùng Đông Nam Bộ thúc đẩy các dự án giao thông mang tính liên kết vùng
15:22, 07/07/2023
Tây Ninh đứng thứ 2 về tăng trưởng kinh tế trong vùng Đông Nam Bộ
02:18, 03/07/2023