Dự án CCN Phương Nam (TP Uông Bí) vừa được đưa vào sử dụng. Đây là một trong những dự án trọng điểm của TP Uông Bí, khi đi vào hoạt động sẽ hiện thực hoá chiến lược phát triển của địa phương.
>>>Thêm nhà đầu tư Nhật Bản rót vốn vào tỉnh Quảng Ninh
Thúc đẩy...
Theo BQL CCN Phương Nam - Uông Bí: CCN có diện tích trên 62ha, tổng vốn đầu tư trên 545 tỷ đồng; trong đó 75% diện tích là đất xây dựng nhà máy, xí nghiệp, xưởng sản xuất, còn lại để xây dựng các công trình giao thông, cây xanh, trung tâm quản lý điều hành, dịch vụ tổng hợp… CCN Phương Nam là địa điểm lý tưởng để đón các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (TTCN), dịch vụ công nghiệp, doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông - lâm - thủy sản, sản xuất lắp ráp cơ khí, sửa chữa thiết bị…, đặc biệt là các cơ sở thương mại, công nghiệp trên địa bàn gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp quy hoạch đô thị, buộc phải di dời vào CCN.
Để thúc đẩy tiến độ vận hành của CCN Phương Nam, ngay từ khi hoàn tất các khâu đầu tư hạ tầng, thành phố cùng với đơn vị chủ đầu tư là Công ty CP Tập đoàn kinh tế Hạ Long và Công ty CP CCN Cẩm Thịnh thảo luận, thống nhất cân nhắc các điều kiện thu hút doanh nghiệp thứ cấp vào hoạt động, như: Khung giá thuê đất ở mức thấp hơn so với mặt bằng chung; phân loại diện tích, thời hạn thuê đất phù hợp với nhiều loại đối tượng; chủ đầu tư hạ tầng CCN Phương Nam hỗ trợ doanh nghiệp thuê đất tại CCN được tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng, hỗ trợ triển khai các TTHC cần thiết khác…
Theo đại diện Thành phố Uông Bí, hiện thành phố có gần 100 cơ sở TTCN đang hoạt động nhưng không phù hợp quy định sử dụng đất, quy hoạch đô thị, không đáp ứng các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường cũng như PCCC. Theo quy định, các cơ sở TTCN này thuộc diện phải di dời. Với nguyên tắc công khai minh bạch thông tin và có sự định hướng của thành phố, đã có 17 cơ sở TTCN đăng ký di dời vào CCN Phương Nam.
Mới đây, thành phố Uông Bí tổ chức gặp mặt 17 chủ cơ sở TTCN đã đăng ký vào CCN Phương Nam, một số chủ cơ sở TTCN có nhu cầu di dời khác. Tại cuộc họp này, lãnh đạo thành phố yêu cầu các đơn vị chức năng rà soát, phân loại những cơ sở TTCN thuộc diện được hỗ trợ và không được hỗ trợ theo chính sách của Nhà nước khi vào CCN Phương Nam; chuẩn bị nguồn lực để hỗ trợ các cơ sở kịp thời, nhất khi thuê đất và xây dựng nhà xưởng sản xuất tại CCN Phương Nam. Thành phố quyết tâm thực hiện đúng Nghị quyết số 201/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, kiên quyết không để những cơ sở tiểu thủ công nghiệp không phù hợp còn hoạt động, tồn tại trong khu dân cư.
Theo ông Bùi Xuân Tờ - Giám đốc Công ty CP CCN Cẩm Thịnh, từ sự chung tay của TP Uông Bí cũng như nỗ lực của chủ đầu tư CCN Phương Nam, ngay thời điểm khánh thành đã có 10 nhà đầu tư triển khai hoạt động sản xuất tại CCN Phương Nam, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài. Các đơn vị này đã vận chuyển thiết bị, lắp đặt nhà xưởng hoặc đang hoàn tất các thủ tục thuê đất với diện tích khoảng 70.000m2.
Đáng mừng là số cơ sở tiêu thủ công nghiệp cùng nhiều doanh nghiệp khác nhanh chóng tìm hiểu và tiếp cận các chính sách thuê đất tại CCN để khẩn trương triển khai đầu tư sản xuất. Với tiến độ này các chủ đầu tư CCN Cẩm Thịnh đặt mục tiêu hết tháng 6/2024 CCN Phương Nam sẽ cơ bản được lấp đầy, bước vào giai đoạn sản xuất thực tế.
Nỗ lực chung tay
Theo UBND TP Uông Bí: CCN Phương Nam được triển khai từ năm 2021, đến nay hạ tầng CCN Phương Nam đã cơ bản hoàn thành, đang hoàn tất các thủ tục để đón các nhà đầu tư thứ cấp từ quý I/2024.
Được thành lập tại Quyết định số 729/QĐ-UBND của UBND tỉnh, do Công ty CP Công nghiệp Cẩm Thịnh làm chủ đầu tư. CCN có diện tích trên 62ha với quy hoạch về hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, tổng vốn đầu tư trên 545 tỷ đồng. Trong đó 75% diện tích là đất xây dựng nhà máy, xí nghiệp, xưởng sản xuất; phần còn lại để xây dựng các công trình giao thông, cây xanh, trung tâm quản lý điều hành, dịch vụ tổng hợp.
Thời gian hoạt động của CCN Phương Nam là 50 năm, kể từ ngày được thành lập. Theo kế hoạch ban đầu, thời gian thi công 1 năm, thời điểm hoàn thành vào quý I/2022, nhưng do những vướng mắc về GPMB, đến nay CCN mới cơ bản hoàn thành các hạng mục hạ tầng.
Đây là một trong những dự án trọng điểm của thành phố nhằm quy hoạch, bố trí các cơ sở CN, TTCN, dịch vụ công nghiệp, sản xuất hàng tiêu dùng, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông - lâm - thủy sản, sản xuất, lắp ráp cơ khí, sửa chữa thiết bị... trên địa bàn thành phố và vùng lân cận theo hướng xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, đảm bảo chuẩn liên kết ngành, đa ngành. Đồng thời phục vụ việc di dời các cơ sở TTCN gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp quy hoạch đô thị trên địa bàn thành phố.
Sau khi giải quyết khó khăn về vướng mắc về GPMB, chủ đầu tư đã tập trung các nguồn lực thi công. Đến nay các hạng mục hạ tầng của CCN cơ bản hoàn thành. Sau khi hoàn tất các thủ tục nghiệm thu, cấp phép theo quy định, thành phố sẽ tiến hành di dời gần 200 cơ sở sản xuất CN, TTCN gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp quy hoạch đô thị ra khỏi các khu dân cư trên địa bàn, chuyển vào CCN.
Đây cũng là tiền đề quan trọng để thành phố triển khai Nghị quyết số 201/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, nhằm bảo vệ môi trường đô thị. Đồng thời tạo điều kiện để các cơ sở này có thể mở rộng quy mô sản xuất.
Theo thống kê, trong đợt 1 sẽ có 93 cơ sở CN, TTCN phải di dời vào CCN Phương Nam, thời gian hoàn thành chậm nhất đến 1/12/2025. Lãnh đạo các phòng, ban chức năng của thành phố đã gặp gỡ, thông tin đến chủ các cơ sở về kế hoạch di dời, đồng thời tiếp nhận, rà soát hồ sơ đề nghị hỗ trợ của chủ cơ sở để thẩm định, trình UBND thành phố xem xét, quyết định phê duyệt hỗ trợ kinh phí theo quy định.
Với vị trí giao thông thuận lợi và hạ tầng đồng bộ, hiện đại, CCN Phương Nam là một dự án có tính khả thi, hiệu quả kinh tế - xã hội cao, đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư thứ cấp. Nhiều công ty, doanh nghiệp vừa và nhỏ, ngành nghề chuyên về sản xuất, gia công đã chủ động đăng ký thuê đất làm nhà xưởng, mở rộng quy mô phát triển sản xuất. Các doanh nghiệp này đều mong muốn bên cạnh chính sách hỗ trợ chung, chủ đầu tư CCN và thành phố đưa ra khung giá thuê đất ưu đãi phù hợp với điều kiện tài chính, quy mô sản xuất của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ông Nguyễn Đức Hòa - Phó Chủ tịch UBND thành phố, cho biết: Đây là một trong 25 dự án trọng điểm, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Sau khi hoàn thiện hạ tầng CCN Phương Nam, thành phố sẽ tập trung thu hút các dự án đầu tư trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, công nghệ cao, dự án hỗ trợ cho các lĩnh vực công nghiệp khác. Đây là tiền đề để thu hút đầu tư, đáp ứng mục tiêu xây dựng Uông Bí là thành phố động lực phát triển trong chuỗi đô thị - công nghiệp xanh phía Tây của tỉnh.
Có thể bạn quan tâm