Di dời trường đại học, trụ sở bộ, ngành ra khỏi nội đô – Cần một cơ chế đặc thù

GIA NGUYỄN 30/04/2021 04:30

Để thực hiện được chủ trương di dời trường đại học, trụ sở bộ, ngành ra khỏi nội đô, đảm bảo mục tiêu của 6 đồ án quy hoạch phân khu 4 quận lõi tại Hà Nội, cần một cơ chế đặc thù…

Theo rà soát của Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội, hiện có 28 cơ quan bộ, ngành Trung ương nằm tại khu vực nội đô lịch sử giới hạn từ bờ Nam sông Hồng đến đường Vành đai 2, trên địa bàn 5 quận: Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng và một phần quận Tây Hồ (không tính đến cơ quan Đảng, Chính phủ, Quốc hội ở trung tâm Ba Đình).

Trong đó đã có 11 cơ quan được cấp thẩm quyền chấp nhận chủ trương đề xuất di dời như các Bộ: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông, Tư pháp, Giao thông vận tải, Y tế, Lao động Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Thống kê.

Việc chưa thực hiện được chủ trương dì dời trường đại học, trụ sở bộ, ngành ra khỏi nội đô vẫn gây áp lực lên hạ tầng

Việc chưa thực hiện được chủ trương dì dời trường đại học, trụ sở bộ, ngành ra khỏi nội đô Hà Nội vẫn đang gây áp lực lớn lên hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật - Ảnh minh họa

Còn đối với các trường đại học, cao đẳng, tại 4 quận lõi trung tâm, hiện vẫn có 26 trường chưa thực hiện di dời, trong đó, quận Đống Đa có 10 trường đại học và học viện, mỗi trường trung bình có 10.000 sinh viên, con số này đang gây áp lực lớn về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật của khu vực.

Trong khi đó, năm 2011, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dụng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, nhấn mạnh việc sắp xếp lại hệ thống trường đại học, cao đẳng khu vực nội đô khống chế số lượng khoảng 30.000 sinh viên.

Thế nhưng, nhiều năm qua chủ trương này vẫn trì trệ bởi nhiều nguyên nhân, cơ quan bộ, ngành thì cho rằng, chưa rõ ràng về cơ chế xử lý đối với phần đất trụ sở cũ, cơ quan sở hữu trước đó có quyền bán đi để lấy quỹ xây dựng trụ sở mới hay không?

Còn chủ trương xây mới các khu, cụm đại học ở các huyện như Thạch Thất, Sơn Tây, Gia Lâm, Sóc Sơn, Chương Mỹ, Phú Xuyên với diện tích từ 3.500 - 4.500ha, quy mô khoảng 50.000 sinh viên, sau 10 năm triển khai, đến nay mới chỉ duy nhất trường Đại học Y tế cộng đồng tại quận Ba Đình đã thực hiện di dời.

Sau 10 năm thực hiện chủ trương di dời, nhiều trường đại học đều rơi vào tình trạng tương tự về sự hoang hóa cơ sở hạ tầng mới như trường Đại học Quốc gia - Ảnh: Gia Nguyễn

Sau 10 năm thực hiện chủ trương di dời, nhiều trường đại học đều rơi vào tình trạng tương tự về sự hoang hóa cơ sở hạ tầng mới như trường Đại học Quốc gia Hà Nội tại Thạch Thất - Ảnh: Gia Nguyễn

Theo Bộ Xây dựng, nguyên nhân của việc chậm trễ này chủ yếu là do công tác di dời và xây dựng cơ sở mới đòi hỏi nhu cầu vốn ngân sách rất lớn nhưng chưa được bố trí; chưa có phương án huy động nguồn lực xây dựng, các quy hoạch ngành cũng chưa hoàn thành nên chưa có cơ sở xây dựng danh mục, tiêu chí, lộ trình, biện pháp di dời các cơ sở ra khỏi khu vực nội đô...

Còn theo các chuyên gia, việc các bộ, ngành chậm di dời và giao lại đất cho Hà Nội quản lý, sử dụng là do đang vướng ở Luật Đất đai, bởi theo luật này quy định trụ sở bộ, ngành, cơ sở công nghiệp, trường đại học… được giao đất có thời hạn, trong thời hạn được giao đất thì họ có toàn quyền sử dụng, khai thác. Vì vậy, nhiều đơn vị mặc dù đã được Hà Nội bố trí quỹ đất xây dựng trụ sở mới nhưng vẫn giữ trụ sở cũ vì còn thời hạn giao đất, đây được cho là một trong những nguyên nhân dẫn đến những trì trệ như hiện nay.

“Để giải quyết những trì trệ của hiện tại để các đơn vị di dời theo đúng chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội cần một cơ chế đặc thù”, các chuyên gia nêu quan điểm.

Thông tin với báo chí, TS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cũng cho rằng, nếu có một cơ chế đặc thù thì việc phân khu đô thị nội đô theo phê duyệt của Thủ tướng và quy hoạch mới, sẽ có thêm những yếu tố thuận lợi để giải quyết những vấn đề quy hoạch phức tạp hiện nay như giãn dân, bổ sung đất cho phát triển hạ tầng.

"Việc di dời trụ sở bộ, ngành, cơ sở công nghiệp, trường đại học… là vấn đề bức thiết đặt ra từ lâu, Thủ tướng cũng từng nhiều lần có văn bản chỉ đạo nhưng vẫn chưa thực hiện tốt. Đến nay, đã có một số cơ quan bộ, ngành, các ủy ban di dời trụ sở ra khỏi nội đô, có thể coi đây là bước đi đầu tiên. Thế nhưng, một trong những mục tiêu quan trọng nhất là di dời trụ sở các bộ, ngành để có quỹ đất xây dựng các công trình công cộng và các không gian xanh đang thiếu thốn ở trong nội đô lại chưa thực hiện được", TS Đào Ngọc Nghiêm chia sẻ.

Có thể bạn quan tâm

  • Hà Nội di dời 215.000 dân khỏi nội đô: CẤP THIẾT NHƯNG… KHÔNG DỄ

    Hà Nội di dời 215.000 dân khỏi nội đô: CẤP THIẾT NHƯNG… KHÔNG DỄ

    13:59, 28/03/2021

  • Triển khai quy hoạch nội đô lịch sử cần sự dũng cảm, quyết tâm và tình yêu Hà Nội

    Triển khai quy hoạch nội đô lịch sử cần sự dũng cảm, quyết tâm và tình yêu Hà Nội

    06:00, 24/03/2021

  • Đại học Quốc gia Hà Nội ì ạch di dời... vì đâu?

    Đại học Quốc gia Hà Nội ì ạch di dời... vì đâu?

    17:00, 11/09/2020

  • Di dời các trường Đại học, Cao đẳng khỏi nội đô: Vẫn dậm chân tại chỗ

    Di dời các trường Đại học, Cao đẳng khỏi nội đô: Vẫn dậm chân tại chỗ

    13:23, 11/08/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Di dời trường đại học, trụ sở bộ, ngành ra khỏi nội đô – Cần một cơ chế đặc thù
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO