Bên cạnh những “quả ngọt” gặt hái được từ những chuyến “đánh bắt xa bờ” thì cũng không ít doanh nghiệp bất động sản tại Đà Nẵng đã “sẩy chân” và nhận “trái đắng”.
Trong một lần trà dư tửu hậu, Giám đốc một công ty bất động sản tại Đà Nẵng trăn trở tìm cách lấy tiền ký quỹ tại một dự án ở một tỉnh phía Bắc vì chủ đầu tư không chịu trả.
Anh kể: Qua giới thiệu của một công ty anh có tiếp cận dự án nói trên và ký hợp đồng với một sàn giao dịch để đảm nhận vai trò phát triển, phân phối dự án (sàn giao dịch này đại diện nhóm công ty trong đó có công ty của anh ký trực tiếp với chủ đầu tư).
Mọi việc ban đầu rất thuận lợi nhưng sau đó, khi tiến hành mở bán thì giá mà chủ đầu tư đưa ra cao hơn giá đất xung quanh, lại bị chơi xấu nên dù đã tiếp thị, quảng bá đến khách hàng bằng rất nhiều kênh nhưng không bán được hàng.
Giá chủ đầu tư đưa ra cao hơn giá thị trường từ 2-3 triệu/m2 nhưng vì dự án hoàn thiện hạ tầng, pháp lý hoàn chỉnh nên chúng tôi tự tin sẽ làm được. Tới khi mở bán chính thức thì không bán được, một phần là thị trường đóng băng vì COVID-19, nhưng phần lớn là bị chơi xấu vì từ xa đến.
"Lỗi là do mình đã quá tin vào sự giới thiệu vào chủ đầu tư nên không tìm hiểu kỹ thị trường xung quanh. Giờ bán cũng không được mà lấy lại tiền cũng không xong do chủ đầu tư không chịu trả” - vị này chia sẻ.
Thật ra, câu chuyện của vị lãnh đạo nói trên không phải là mới trong làn sóng di cư, “đánh bắt xa bờ” của các doanh nghiệp bất động sản trong thời gian qua. Nhiều trường hợp, còn nghiêm trọng hơn khi kẻ thì vào tù, người thì lao đao do trót tin, chuyển tiền cho đối tác.
Câu chuyện Tổng giám đốc Công ty Cổ phần tập đoàn đầu tư địa ốc H. đã bị khởi tố, bắt giam về hành vi “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” khiến giới bất động sản miền Trung xôn xao là một ví dụ.
Theo điều tra vào giữa năm 2019, vị này ký hợp đồng với Công ty CP Bất động sản L., thỏa thuận giao dịch 17 thửa đất tại Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình với giá trị gần 27 tỉ đồng. Công ty L. đã chuyển tiền gần 26 tỉ đồng và yêu cầu thực hiện thủ tục chuyển nhượng. Tuy nhiên, vị này không thực hiện mà đem 12 thửa đất trong số 17 thửa nói trên, chuyển nhượng cho người khác để nhận hơn 16 tỉ. Ngoài ra, còn mang 2 thửa đất thế chấp tại ngân hàng để vay số tiền 2 tỉ đồng, các thửa còn lại vị này lạm dụng tín nhiệm, thế chấp để vay một số tổ chức, cá nhân khác, chiếm đoạt số tiền 6,5 tỉ đồng.
Còn nhiều câu chuyện dở khóc, dở cười khác liên quan đến những thương vụ hợp tác nói trên mà điển hình là vì “người mới” nên nhiều công ty bất động sản do quen làm theo cách cũ nơi địa phương mà mình đóng trụ sở chính nên nhiều chuyện xảy ra như dừng hợp đồng đột ngột do chính quyền sở tại yêu cầu, người này gửi đơn tố cáo người kia lên các cơ quan chức năng, đâm đơn ra tòa, khi “cơm không lành, canh không ngọt;…
Các chuyên gia bình luận, xu hướng liên kết giữa các chủ đầu tư dự án ở tỉnh lẻ với các sàn giao dịch, các công ty bất động sản không phải là mới mà nó đã diễn ra từ nhiều năm qua và là điều tất yếu. Việc các doanh nghiệp có thể kết nối với nhau là việc vô cùng quan trọng bởi sự hợp tác này không chỉ hỗ trợ chính bản thân doanh nghiệp, mà còn giúp tạo nên những giá trị liên kết, giúp thị trường bất động sản phát triển minh bạch, lành mạnh và bền vững.
“Các doanh nghiệp tại địa phương họ có lợi thế quan hệ, quỹ đất lớn, am hiểu phong tục tập quán tại địa phương. Mỗi doanh nghiệp có một thế mạnh khác nhau nếu cùng nhau kết nối lại thì cả hai sẽ cùng giúp nhau phát triển, giúp dự án thành công. Và khi đó khách hàng, người mua khi quyết định đầu tư vào dự án thì phần thắng tất yếu sẽ thuộc về họ” - ông Văn Tuấn Huy, Giám đốc đầu tư Công ty CP Đầu tư bất động sản DanaReal chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm