Địa ốc đóng băng, môi giới về đâu? (Kỳ 3): Những hệ lụy

VŨ HỒNG TÂM 19/05/2023 05:00

Những năm trước đây khi thị trường bất động sản nóng sốt, nhiều người đã từ bỏ công việc chính là "cần câu cơm" để chạy theo nghề môi giới đất và bây giờ nhiều người "vỡ mộng".

>>Quảng Nam: Doanh nghiệp xin trả dự án sau 9 năm triển khai

Chia sẻ với Diễn Đàn Doanh Nghiệp, anh Nguyễn Văn Rô - Giám đốc nhân sự xưởng máy tại KCN Hòa Cầm Đà Nẵng cho biết thời điểm nóng sốt bất động sản trước đây, trong chưa đầy hai tháng nhà máy đã “rớt” hơn 30 công nhân và nhiều chuyên viên kỹ thuật. Sau khi tìm hiểu anh mới biết họ nghỉ để ra làm môi giới đất đai có nhiều tiền hơn, thời gian nhàn rỗi nhiều hơn.

“Thời gian đó gần 9 tháng trời, xưởng không tuyển đủ người để phục vụ sản xuất, cá biệt có nhiều trường hợp nhân sự đồng ý đi làm thì đòi mức lương cao hơn so với quy chế công ty đưa ra, nhưng vì đang cần nhân sự làm việc nên đành chấp nhận. Vấn đề đáng tiếc này xảy ra đã gây lãng phí nguồn nhân lực lớn cho xưởng cũng như cho toàn xã hội vì kỹ sư, giáo viên, thạc sỹ, thậm chí nông dân cũng đi làm môi giới thì lấy đâu ra nguồn lực để lao động trong các công ty sản xuất hay nhà máy”, anh Rô chia sẻ.

a

Khi thị trường bất động sản nóng sốt, nhiều người đã từ bỏ công việc chính là "cần câu cơm” để chạy theo nghề môi giới nhà đất

Theo ông Trần Văn Lợi - Giám đốc tư vấn đầu tư bất động sản cao cấp công ty Mega chi nhánh Đà Nẵng, với lực lượng môi giới nhà đất không chuyên gia nhập thị trường đã để lại nhiều hệ lụy cho thị trường bất động sản.

Thời gian qua đã có không ít môi giới tại nhiều khu vực trên cả nước sẵn sàng dùng các chiêu trò, như tung tin đồn thổi, tự làm thị trường bằng cách cọc, mua đi bán lại bất động sản với nhau, lôi kéo người dân tham gia tạo tâm lý đám đông vào các giao dịch ảo, gây nhiễu loạn thông tin, nhằm đẩy giá bất động sản lên cao để trục lợi bất chính. Điều này gây bất cân bằng cho xã hội, cho sự phát triển của nền kinh tế.

Bà Nguyễn Thị Ngọc, Kế toán Trưởng một công ty dịch vụ tại Hội An cho biết, nghề môi giới bất động sản là ngành đặc thù đem lại thu nhập cao so với các nghề khác trong xã hội. Tuy nhiên, phần lớn các nhà môi giới hiện nay vẫn chưa thực hiện việc kê khai, đóng thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật nên cũng gây bất bình trong xã hội, gây thất thoát nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước.

Giám đốc nghiên cứu đào tạo nhân sự Công ty Niel Việt Nam, ông Tim Nguyễn chia sẻ: “Quá nhiều nhân sự lao động tại các công ty địa ốc, trong khi các ngành khác lại thiếu sẽ gây nên tình trạng bất cân xứng về lao động trong toàn xã hội, nhiều ngành nghề khó tuyển dụng được lao động và chi phí lao động tăng cao. Từ đó kéo theo năng suất lao động của toàn xã hội giảm sút do sự thiếu tập trung phát triển chuyên môn ở các ngành nghề khác”.

Từng là một khách hàng đi tìm mua đất để xây nhà, ông Lê Minh Khoa (Quảng Nam) cho biết thông tin pháp lý về đất, môi giới đã không đưa ra rõ ràng ngay từ đầu mà dùng chiêu trò kỳ kèo, đẩy giá khi biết nhu cầu thực của khách, dù rất muốn mua tài sản. Ông Khoa cho rằng muốn gặp được chính chủ để thương lượng nhưng rất khó, bắt buộc phải qua môi giới để giao dịch.

“Chưa nói đến chuyện an toàn hay không nhưng khi đi công chứng sang tên mua bán thì ngoài việc lấy tiền “màu” bên bán, môi giới còn xin tôi cho tiền dịch vụ với lý do thời buổi khó khăn, chi phí để gặp chủ và xăng xe điện thoại đi lại tốn kém… không cho thì gây khó dễ đủ điều vì biết tôi nhà quê ra”, ông Khoa chia sẻ.

Với bà Nguyễn Thị Mai, một nhà đầu tư ở khu vực Hòa Vang khi tìm hiểu đầu tư đất dự án đã nếm trái đắng khi gặp phải hàng “rởm”. Người này kể môi giới khi đưa đi xem đất đã che giấu sự thật về tính pháp lý dự án, không nói gì đến chuyện đất bị quy hoạch, nên sau khi mua xong đi công chứng giao tiền đôi bên, chị tiếp tục bán sang tay cho người khác mua xây nhà, thì mới vỡ lẽ là đất bị dính quy hoạch nên người mua không thể xây nhà được.

“Lúc đó ôm cũng không được mà bán cũng không xong, liên hệ lại môi giới kia thì điện thoại đã đổi số”, người này bức xúc.

a

Phần lớn các nhà môi giới hiện nay vẫn chưa thực hiện việc kê khai, đóng thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật nên cũng gây bất bình trong xã hội, gây thất thoát nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước.

Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, hiện nay những quy định về xử lý, xử phạt trong hoạt động môi giới bất động sản chưa đủ mạnh. Nên chăng đã đến lúc phải có những quy chuẩn về nghề môi giới bất động sản cho cá nhân và tổ chức. Có quy chuẩn sẽ dễ nhận diện rõ điều kiện cần và đủ cho cá nhân, tổ chức tham gia hành nghề môi giới bất động sản, qua đó có cách quản lý, giám sát và có những chế tài xử lý phù hợp để hoạt động môi giới trở nên chuyên nghiệp hơn.

Ở góc nhìn vĩ mô, những hệ lụy gây ra do hoạt động môi giới bất động sản không đúng theo quy định dễ dẫn đến lũng đoạn thị trường, thất thoát nguồn thu thuế nhà nước do “lách luật” không kê khai thu nhập, gây ra những cơn sốt ảo.

Mặc khác, giá bất động sản nếu tăng quá mức khi đã bị thổi lên cực đỉnh thì những người thực sự có nhu cầu mua đất để xây dựng nhà ở, kinh doanh, hay làm dịch vụ thương mại bị thiệt thòi vì không còn khả năng để mua.

Hơn nữa giá đất tăng quá cao cũng sẽ kìm hãm việc thu hút đầu tư của các tổ chức nước ngoài (doanh nghiệp FDI) vào Việt Nam. Về phía Nhà nước, các chủ đầu tư dự án khi giá đất tăng quá cao thì việc đền bù giải tỏa cho người dân để thu hồi, chỉnh trang đô thị, hoàn thiện kết cấu hạ tầng sẽ khó khăn và tốn nhiều chi phí hơn.

Có thể bạn quan tâm

  • Địa ốc đóng băng, môi giới về đâu (Kỳ 2): Đóng cửa, sa thải

    Địa ốc đóng băng, môi giới về đâu (Kỳ 2): Đóng cửa, sa thải

    11:59, 17/05/2023

  • Thị trường địa ốc đóng băng, môi giới về đâu?

    Thị trường địa ốc đóng băng, môi giới về đâu?

    10:00, 15/05/2023

  • Năm khó của môi giới nhà đất

    Năm khó của môi giới nhà đất

    11:15, 09/05/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Địa ốc đóng băng, môi giới về đâu? (Kỳ 3): Những hệ lụy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO