Đích ngắm mới trong thu hút FDI (Kỳ I): Lượng và chất chưa song hành

TS. Lê Huy Khôi - Trưởng ban Nghiên cứu và Dự báo thị trường, Viện Nghiên cứu Thương mại - Bộ Công Thương 26/07/2018 11:20

Trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan toả, và sau 30 năm thu hút FDI, đã đến lúc Việt Nam cần có sự thay đổi mạnh mẽ trong cách tiếp cận và thu hút FDI.

Số liệu đến hết tháng 5/2018 cho thấy, cả nước có 25.691 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 323 tỷ USD. Điều đáng mừng là nếu tính theo tỷ lệ % GDP, vốn FDI vào Việt Nam hiện đang vượt Trung Quốc, Ấn Ðộ và phần lớn các nước ASEAN.

Những “mảng tối” FDI

Dù vậy, khi xem xét các mục tiêu trong nhóm tiêu chí đánh giá tác động của FDI đối với phát triển kinh tế thì chúng ta không đạt được như mục tiêu đặt ra.

Thứ nhất, dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam dù cao nhưng chưa thực sự có tác động lan toả đến các khu vực kinh tế trong nước, chưa có sự bứt phá trong xu thế thu hút, sử dụng FDI. Mặt khác, số lượng dự án FDI nhiều, nhưng phần lớn có giá trị gia tăng thấp, bởi giá trị giữ lại duy nhất từ các dự án FDI là tạo công ăn việc làm thông qua thu hút lớn lực lượng lao động trình độ thấp, còn lại toàn bộ giá trị gia tăng lại ở nước ngoài.

Có thể bạn quan tâm

  • Thu hút FDI thế hệ mới: Đâu là những lĩnh vực Việt Nam ưu tiên thu hút trong thời gian tới?

    Thu hút FDI thế hệ mới: Đâu là những lĩnh vực Việt Nam ưu tiên thu hút trong thời gian tới?

    11:02, 22/07/2018

  • Thu hút FDI thế hệ mới: Chuyển dịch trọng tâm ưu đãi đầu tư như thế nào?

    Thu hút FDI thế hệ mới: Chuyển dịch trọng tâm ưu đãi đầu tư như thế nào?

    15:00, 21/07/2018

  • Thu hút FDI thế hệ mới: IFC đề xuất 6 khuyến nghị về cơ quan quản lý đầu tư

    Thu hút FDI thế hệ mới: IFC đề xuất 6 khuyến nghị về cơ quan quản lý đầu tư

    05:43, 20/07/2018

  • Kinh nghiệm thu hút FDI thế hệ mới nhìn từ Trung Quốc

    Kinh nghiệm thu hút FDI thế hệ mới nhìn từ Trung Quốc

    06:30, 19/07/2018

  • Hài hòa và bao trùm trong chiến lược FDI thế hệ mới

    Hài hòa và bao trùm trong chiến lược FDI thế hệ mới

    05:30, 22/04/2018

Cũng cần phải nhắc lại, mục tiêu nội địa hóa, phát triển ngành công nghiệp phụ trợ trong nước đã không đạt được so với yêu cầu đặt ra. Các doanh nghiệp FDI lợi dụng những kẽ hở về mặt chính sách và quản lý đầu tư của Việt Nam nên họ chỉ nhập khẩu, sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp phụ trợ của họ. Điều này không chỉ khiến ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam không thể phát triển mà còn là kẽ hở rất lớn cho việc chuyển giá, trốn thuế.

  FDI đã có mặt ở 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương dẫn đầu với 45,52 tỷ USD (chiếm 14,1% tổng vốn đầu tư), tiếp theo là Bình Dương với 30,8 tỷ USD (chiếm 9,5%), Hà Nội với 27,85 tỷ USD (chiếm 8,6%)...

Thứ hai, tác động của FDI đối với xã hội và môi trường ở Việt Nam cũng không đạt được mục tiêu đề ra. Mặc dù số lượng lao động được tạo ra trong khu vực FDI là khá cao, nhưng vấn đề tiền lương, thu nhập và nâng cao đời sống xã hội là không đáng kể. Những dự án công nghệ rác, công nghệ lạc hậu vẫn tìm cách thâm nhập vào Việt Nam để lại những hậu quả khôn lường. Những vi phạm và tranh chấp lao động đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người lao động và gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Hầu như không có doanh nghiệp FDI nào thực sự ý thức và coi trọng mục tiêu nâng cao tỷ lệ lao động có trình độ kỹ thuật cao, nâng cao giá trị cho chuỗi cung ứng hay năng lực cạnh tranh cho địa phương.

Trong khi đó, việc chuyển giao và tiếp thu công nghệ từ các doanh nghiệp FDI cũng vô cùng hạn chế. Các dự án công nghệ cao mang lại nhiều giá trị gia tăng mới chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong đầu tư FDI và chưa thu hút được công nghệ nguồn…

Nhắm đến những dòng vốn FDI chất lượng

Khách quan mà nói, môi trường thu hút FDI của Việt Nam dù đâu đó vẫn còn những “điểm nghẽn” nhưng xét một cách tổng thể, Việt Nam vẫn là một điểm đến hấp dẫn còn khá ít ỏi trong khu vực.

Những dấu hiệu gần đây cho thấy, khả năng một “làn sóng” đầu tư mới và mở rộng sẽ tiếp tục “đổ” vào Việt Nam trong thời gian tới. Điều đáng nói là dòng vốn này không còn tập trung vào một số địa phương như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… như trước nữa mà bắt đầu lan toả ra nhiều địa phương khác. Đơn cử gần đây, một số dự án như: Laguna Lăng Cô được cấp chứng nhận đăng ký tăng vốn từ 875 triệu USD lên 02 tỷ USD của Tập đoàn Banyan Tree tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, hay như nhà đầu tư Sembcorp của Singapore ký biên bản ghi nhớ với tỉnh Quảng Ngãi về việc đầu tư, phát triển điện Dung Quất với quy mô vốn hơn hai tỷ USD, công suất 750 MW, dự kiến vận hành thương mại vào năm 2024… là những minh chứng rõ ràng trong câu chuyện này.

Việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư gần đây xây dựng chiến lược thu hút FDI thế hệ mới đã gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng, Việt Nam đang chuyển cấp độ thu hút FDI từ lượng sang chất. Thu hút FDI sẽ chuyển từ ưu đãi, mời chào sang sàng lọc, sao cho phù hợp từng địa phương, lĩnh vực… để tăng tối đa hiệu ứng lan tỏa của dòng vốn FDI.

Nhưng làm thế nào để dòng vốn FDI thế hệ mới đi vào thực chất hơn, tránh những “vết xe đổ” như đã phân tích ở trên vẫn là một dấu hỏi lớn ở thời điểm này.

Kỳ II: Bốn chiến lược cốt lõi thu hút FDI thế hệ mới

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đích ngắm mới trong thu hút FDI (Kỳ I): Lượng và chất chưa song hành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO