"Điểm nghẽn" thể chế cản đà phục hồi

TRẦN THỦY thực hiện 06/08/2023 03:00

Chúng ta đã vượt qua dịch bệnh, nhưng đà phục hồi kinh tế chưa được như kỳ vọng. “Điểm nghẽn” thể chế là yếu tố cản trở đà phục hồi này.

Đây là chia sẻ của TS Nguyễn Quốc Việt Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VERP), Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội với Diễn đàn Doanh nghiệp.

>>Cần "khung thể chế nới lỏng" trong thời điểm "đặc thù"

- Thưa Tiến sĩ, tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động so với số doanh nghiệp mới thành lập và quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2023 là khá cao (100 nghìn/113 nghìn) - cho thấy thực tế khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp. Những quy định về điều kiện kinh doanh đang là một trong những yếu tố gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, cần được nhận diện và tháo bỏ. Ông bình luận gì về thực tế này?

Có thể nhận thấy, sau một loạt những vụ việc sai phạm (kể cả trong quá khứ) bị xử lý, tinh thần Chính phủ kiến tạo, đột phá, dám nghĩ dám làm đã suy giảm rất nhiều, thậm chí trong phạm vi chức năng nhiệm vụ/quyền hạn của mình, nhưng nhiều cấp chính quyền cả ở địa phương lẫn trung ương có thái độ né tránh, đùn đẩy, lòng vòng công văn xin ý kiến mà không chịu đưa ra quan điểm, quyết định giải quyết, nhất là những vấn đề liên quan đến tạo thuận lợi thực hiện quyền kinh doanh của nhà đầu tư, doanh nghiệp, quyền tiếp cận tự do, bình đẳng các nguồn lực trong phát triển sản xuất – kinh doanh.

Nhiều vụ việc vướng mắc của người dân và doanh nghiệp vừa có nguyên nhân chồng chéo mâu thuẫn của hệ thống pháp luật- chính sách, vừa có nguyên nhân do đan xen chức năng, nhiệm vụ, hoặc quy hoạch/kế hoạch khi thực thi/quản lý của các cấp từ trung ương đến địa phương, nhưng các cơ quan thờ ơ, lãnh đạm không chịu sắn tay vào giải quyết. Điển hình thời gian qua là những vấn đề liên quan đến phòng cháy, chữa cháy, các quy định về môi trường trong hoạt động sản xuất – kinh doanh, các vấn đề cấp phép cho các lĩnh vực kinh doanh mới như năng lượng tái tạo, fintech, hay những vướng mắc trong việc triển khai các gói tín dụng ưu đãi hoặc đơn giản là tiếp cận các nguồn vốn cho doanh nghiệp…

Việc chung chi tham nhũng, chi phí không chính thức, mặc dù có giảm, nhưng vẫn còn phổ biến (qua điều tra của cả PCI lẫn PAPI), nhưng điều quan trọng là chi phí mà doanh nghiệp bỏ ra lại không nhận lại được sự phản hồi và xử lý tương ứng. Điều này tạo ra hệ lụy vô cùng nguy hiểm, đó là chi phí hoạt động của doanh nghiệp lại tăng lên gấp nhiều lần so với trước kia, và sự suy giảm lòng tin vào hệ thống thể chế càng lớn.

>>KHÔNG GIAN PHÁT TRIỂN MỚI CHO DOANH NGHIỆP: Thể chế cần mang tính căn cơ, lâu dài

- Việc thực hiện các mục tiêu phát triển, trong điều kiện “bình thường” đòi hỏi quyết tâm nỗ lực một, thì trong điều kiện “bất thường” như giai đoạn cả thế giới đối mặt với dịch Covid 19, và từ 2022, tiếp tục những bất định liên quan tới địa chính trị… thì cần nỗ lực quyết tâm lớn hơn nhiều lần. Trong điều kiện phải xác định những mục tiêu-nhiệm vụ ưu tiên, với những nhóm giải pháp trước mắt và lâu dài, thì vấn đề cải cách thể chế có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?

Điều kiện tiên quyết để thích ứng với mọi khó khăn, hoàn cảnh và “cơn gió ngược” bên ngoài đó là nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế - mà trước hết đó là sức khỏe của doanh nghiệp, dân doanh.

Cải cách thể chế chính là tạo môi trường kinh doanh tự do và cạnh tranh lành mạnh, qua đó đảm bảo sự công bằng cho sự phát triển của mọi thành phần kinh tế/doanh nghiệp và dân doanh.

Cải cách thể chế cũng chính là để tháo bỏ những điểm nghẽn và rào cản, tạo động lực và cơ hội mới cho sự mở rộng và phát triển có hiệu quả của nền kinh tế, góp phần vào sự thích ứng của cả nền kinh tế với các thay đổi chóng mặt của thế giới nói chung và kinh tế thị trường - mô hình tăng trưởng nói riêng.

p/Tình hình đăng ký doanh nghiệp 7 tháng năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022. Nguồn: Tổng cục Thống kê

Tình hình đăng ký doanh nghiệp 7 tháng năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022. Nguồn: Tổng cục Thống kê

- Nền kinh tế tiếp tục đối mặt với những “những cơn gió ngược”, trong đó một số nhận định cho rằng “nguy” nhiều hơn “cơ”, ông đóng góp xây dựng chính sách như thế nào, để chúng ta thực hiện được ở mức tốt nhất các mục tiêu phát triển đã đặt ra, theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định?

Trong phạm vi chủ đề của cuộc phỏng vấn hôm nay, tôi xin nêu một vài giải pháp cụ thể:

Thứ nhất, cần khôi phục một Nghị quyết riêng về cải cách thể chế, môi trường đầu tư – kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh để công tác rà soát các mục tiêu thúc đẩy môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, nhất là rà soát việc ban hành các điều kiện kinh doanh gây khó khăn, phiền hà, tăng chi phí tuân thủ chính sách và pháp luật của doanh nghiệp, bao gồm cả việc rà soát công tác thanh, kiểm tra chồng chéo, nhiều tầng nấc, làm mất thời gian và tăng chi phí của doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Việc hạn chế và tránh gánh nặng thanh tra, kiểm tra quá mức cũng sẽ hạn chế sự nhũng nhiễu, tham nhũng vặt từ đó bớt các chi phí đầu vào trong hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp.

Thứ hai, cần có cơ chế, chính sách để dứt khoát phá bỏ quan điểm sợ sai, không dám quyết (theo đúng chức trách, nhiệm vụ đã được pháp luật giao). Phá bỏ các sự cố thủ của các rào cản kinh doanh, chưa thực sự tạo thuận lợi thương mại và đầu tư theo chuẩn mực quốc tế: Quyền tự do kinh doanh, quyền công bằng trong việc tiếp cận các nguồn lực của thị trường (đất đai, năng lượng, các lĩnh vực dịch vụ).

Thứ ba, cần đánh giá tổng thể lại nhu cầu và chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất – kinh doanh cho doanh nghiệp theo từng lĩnh vực, ngành hàng, đối tượng. Đặc biệt là các chính sách hỗ trợ các ngành công nghiệp trọng điểm, chính sách hỗ trợ sản xuất, xuất khẩu, chính sách hỗ trợ công nghiệp phụ trợ, chính sách hỗ trợ chuyển dịch kinh tế xanh/năng lượng tái tạo, và đặc biệt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh theo hướng minh bạch, trách nhiệm giải trình, đáp ứng chuẩn mực thông lệ quốc tế, tránh trục lợi từ cả phía cơ quan thực thi và đối tượng thụ hưởng.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • Cải cách thể chế tạo niềm tin cho đầu tư

    Cải cách thể chế tạo niềm tin cho đầu tư

    02:00, 21/07/2023

  • Cần

    Cần "khung thể chế nới lỏng" trong thời điểm "đặc thù"

    01:11, 20/07/2023

  • KHÔNG GIAN PHÁT TRIỂN MỚI CHO DOANH NGHIỆP: Thể chế cần mang tính căn cơ, lâu dài

    KHÔNG GIAN PHÁT TRIỂN MỚI CHO DOANH NGHIỆP: Thể chế cần mang tính căn cơ, lâu dài

    10:40, 19/07/2023

  • Gỡ vướng thể chế cho đầu tư PPP

    Gỡ vướng thể chế cho đầu tư PPP

    02:00, 16/07/2023

  • Thể chế đang cản trở dòng đầu tư nước ngoài vào bất động sản

    Thể chế đang cản trở dòng đầu tư nước ngoài vào bất động sản

    16:00, 20/06/2023

  • Hoàn thiện thể chế để bắt nhịp với xu thế phát triển bền vững

    Hoàn thiện thể chế để bắt nhịp với xu thế phát triển bền vững

    11:15, 09/06/2023

  • Đổi mới thể chế để huy động nguồn lực

    Đổi mới thể chế để huy động nguồn lực

    00:47, 25/04/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
"Điểm nghẽn" thể chế cản đà phục hồi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO