Bà Trang Bùi - CEO Cushman & Wakefield Việt Nam dự báo, điểm sáng của thị trường trong năm 2023 có thể thuộc về bất động sản công nghiệp.
>>Thời điểm đầu tư bất động sản thương mại
Theo bà Trang Bùi, những lo ngại về bất ổn kinh tế vĩ mô trên toàn cầu đã làm chậm các hoạt động đầu tư từ đầu năm nay. Diễn biến thị trường vừa qua cho thấy một số nhà đầu tư ban đầu đã "nhấn nút" tạm ngừng để tái cấu trúc chiến lược đầu tư nhằm thích ứng với tình hình mới.
Bà Trang Bùi nhận định, sự phát triển của ngành bất động sản luôn phụ thuộc vào bức tranh chung của nền kinh tế. Mặc dù nền kinh tế chúng ta có những dấu hiệu phục hồi ban đầu và bức tranh kinh tế vĩ mô Việt Nam được đánh giá vẫn ổn định khi Chính phủ làm tốt trong cuộc chiến chống lạm phát.
Nhưng không loại trừ nguy cơ rơi vào tình trạng đóng băng của thị trường bất động sản khi tình hình kinh tế - địa chính trị trên toàn cầu vẫn có dấu hiệu chững lại hoặc bước đầu suy thoái, lạm phát gia tăng và chính sách tiền tệ thắt chặt ở nhiều quốc gia. Vị chuyên gia cho rằng đây sẽ là một trong các yếu tố chính ảnh hưởng đến quyết định của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, doanh nghiệp đến các nhà đầu tư cá nhân.
Bên cạnh đó, với tình hình hạn chế tín dụng và lãi suất hiện tại, vấn đề nguồn vốn sẽ là khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp trong nước và nhà đầu tư, người mua cá nhân vào năm tới, đặc biệt là các doanh nghiệp có cơ cấu nguồn vốn không bài bản và lạm dụng đòn bẩy tài chính.
Không những vậy, các vướng mắc trong khung pháp lý đã công bố và đang hoàn hiện sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung của thị trường. Chi phí phát triển ngày càng tăng trong thời gian chờ tháo gỡ pháp lý dự án và tính hình khan hiếm nguồn cung sẽ khiến mức giá bán tăng cao.
>>Lợi thế cạnh tranh bất động sản công nghiệp Hải Phòng
Song, ở góc nhìn tích cực hơn, CEO Cushman & Wakefield Việt Nam cho biết điểm sáng của thị trường trong năm tới có thể sẽ thuộc về bất động sản công nghiệp.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn FDI thực hiện đạt mức cao nhất trong 5 năm qua là 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm trước. Các lĩnh vực thu hút FDI là ngành sản xuất và chế biến, chế tạo 61%, bất động sản 16% và công nghệ, điện và lĩnh vực khác 23%. Các nước dẫn đầu về tổng vốn đăng ký gồm: Singapore (23,3%), Hàn Quốc (17,6%), Nhật Bản (17,3%).
Theo số liệu của RCA Analytics, trong năm 2022, phân khúc bất động sản công nghiệp đứng đầu tính theo giá trị chuyển nhượng, chiếm 38% giá trị, vượt hơn phân khúc văn phòng với 36%.
"Đánh giá chung nền kinh tế Việt Nam đang trong quá trình công nghiệp hóa, nên xu hướng phát triển bất động sản công nghiệp là tất yếu. Ngoài ra, nhờ nguồn vốn đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực bất động sản công nghiệp đã cung cấp một nguồn cung dồi dào cho thị trường. Cushman & Wakefield ước tính trong năm 2023, thị trường sẽ đón nhận nguồn cung mới đạt khoảng 4,1 triệu m2 cho nhà xưởng xây sẵn và 2,8 triệu m2 cho nhà kho xây sẵn để phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp" - bà Trang Bùi chia sẻ.
CEO Cushman & Wakefield cũng bổ sung, việc mở cửa biên giới từ sớm trong khi Trung Quốc vẫn áp dụng chính sách Zero-Covid đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đến và làm việc tại Việt Nam. Chính điều này cũng thúc đẩy làn sóng dịch chuyển của doanh nghiệp quốc tế sang nhiều nước khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam nhờ vào những nền tảng kinh tế tốt và vị trí địa lý thuận lợi.
"Việt Nam đã và đang tìm cách nâng cao chuỗi giá trị và trong nhiều năm đã được xác định là trung tâm sản xuất của Châu Á Thái Bình Dương. Ngoài khả năng tiếp cận các nguồn nguyên liệu và nhân công, các nhà sản xuất toàn cầu cũng xem xét các vấn đề cơ sở hạ tầng, thuế, môi trường pháp lý, chi phí di dời của điểm đến sản xuất. Nhờ các yếu tố đã nêu, tôi tin rằng năm 2023, bất động sản công nghiệp sẽ là loại hình dẫn dắt thị trường" - CEO Cushman & Wakefield Việt Nam nhận định.
Có thể bạn quan tâm