Điểm sáng thu hút đầu tư tại Quảng Ngãi: Bài 1- Trung tâm công nghiệp của dải đất miền Trung

Diendandoanhnghiep.vn Nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Quảng Ngãi đang định hình rõ nét là trung tâm công nghiệp của miền Trung và cả nước.

Quảng Ngãi có vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế của khu vực miền Trung và cả nước, có cảng biển nước sâu Dung Quất mang tầm vóc của một cảng quốc tế, khả năng tiếp nhận tàu lên đến 100.000 DWT, hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từ đường sắt, đường cao tốc, QL1, sát sân bay Chu Lai,… nên có nhiều điều kiện thuận lợi cho việc phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp nặng.

Chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp

Với những tiềm năng, lợi thế nêu trên, cùng với chính sách của tỉnh Quảng Ngãi, kinh tế của Quảng Ngãi phát triển mạnh mẽ trên hầu hết các lĩnh vực, đặc biệt là ngành công nghiệp, với tốc độ khá cao.

Nếu như năm 1989, công nghiệp chỉ chiếm tỷ trọng dưới 20% trong cơ cấu GRDP của tỉnh, thì đến nay chiếm tới 53,64% trong GRDP tỉnh, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 1989-2019 đạt gần 20%/năm.

Một dấu mốc quan trọng của tỉnh Quảng Ngãi là năm 1997, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Khu công nghiệp Dung Quất (nay là Khu kinh tế Dung Quất) mà trái tim là Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Sau khi Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đi vào vận hành vào năm 2009, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh Quảng Ngãi tăng đột biến.

Nhà máy lọc dầu Dung Quất được xem là một trong những nhân tố rất quan trọng, là điểm kích hoạt cho tất cả các hoạt động công nghiệp khác trong khu kinh tế Dung Quất.

16 năm sau, vào ngày 13/9/2013, dự án Khu Công nghiệp VSIP Quảng Ngãi động thổ trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ hai nước Việt Nam và Singapore. Với những cơ chế, chính sách hỗ trợ tích cực và cam kết cụ thể của chính quyền địa phương, Khu Công nghiệp VSIP Quảng Ngãi nhanh chóng xây dựng hoàn thiện các hạng mục và đi vào hoạt động.

Trong giai đoạn 1, VSIP Quảng Ngãi đã đầu tư 360 ha có hạ tầng hoàn chỉnh từ hệ thống đường nội bộ, nhà máy xử lý nước thải, hệ thống điện đến trạm cứu hỏa... Nhằm tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, tỉnh Quảng Ngãi cũng đã thành lập tổ “một cửa” hỗ trợ thủ tục hành chính đầu tư vào Khu Công nghiệp VSIP. Các thủ tục hành chính về đầu tư, lao động, giải phóng mặt bằng… đều được giải quyết qua một đầu mối.

Công nhân làm việc tại Nhà máy lọc dầu Dung Quất

Công nhân làm việc tại Nhà máy lọc dầu Dung Quất

Đến nay, Khu công nghiệp VSIP Quảng Ngãi đã thu hút được 25 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký gần 800 triệu USD. Mới đây VSIP Quảng Ngãi vừa đón nhận làn sóng đầu tư mới đến từ Bỉ, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ với tổng vốn đầu tư 321 triệu USD. Các dự án đầu tư mới nằm trong nhóm ngành công nghệ cao, như dự án Nhà máy sản xuất sợi thép bện của Bekaert Việt Nam (Bỉ); nhà máy sản xuất và chế biến nệm của Gesin Việt Nam (Hàn Quốc); nhà máy sản xuất trang thiết bị nội thất Happy (Singapore); dự án sản xuất tròng mắt kính Hoya Lens Việt Nam (Nhật Bản)…. Đây là minh chứng cho “đất lành” Quảng Ngãi trong thu hút đầu tư!

Thành công từ Khu công nghiệp VSIP Quảng Ngãi đã mở ra hướng đi mới trong phát triển công nghiệp, chuyển dịch mạnh cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp tại địa phương.

Tập trung hỗ trợ các dự án lớn

Phát triển công nghiệp là một trong ba nhiệm vụ đột phá được đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XIX. Để công nghiệp Quảng Ngãi phát triển bền vững và hiệu quả, UBND tỉnh đề ra một số giải pháp đẩy mạnh phát triển công nghiệp trong năm 2020 như: Tiếp tục tập trung thực hiện Kết luận số 18-KL/TU ngày 19/4/2016 của Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 3, khóa XIX về đẩy mạnh phát triển công nghiệp giai đoạn 2016-2020; Thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành công nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, và Đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. 

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng, để đẩy mạnh phát triển công nghiệp, cần phải tiếp tục thực thi cam kết của tỉnh là đồng hành, hỗ trợ và phát triển công nghiệp; tập trung hỗ trợ các dự án lớn, đổi mới đầu tư hạ tầng công nghiệp. “Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi cần chủ động phối hợp với Sở Công thương tham mưu, đề xuất UBND tỉnh kiến nghị Bộ Công thương xây dựng Trung tâm lọc hoá dầu và năng lượng quốc gia trên địa bàn Khu kinh tế Dung Quất", ông Trần Ngọc Căng nhấn mạnh.

Mỗi năm Quảng Ngãi thu hút hàng trăm lượt nhà đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu cơ hội đầu tư và rất nhiều trong số đó đã chọn VSIP Quảng Ngãi làm nơi phát triển sản xuất lâu dài. Đồng thời, nơi đây cũng trở thành điểm nhấn quan trọng, là gạch nối hiệu quả giữa Khu kinh tế Dung Quất và TP.Quảng Ngãi, đang được đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, thuận tiện để phục vụ cho doanh nghiệp nhằm thu hút nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Ông Trần Ngọc Căng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi

Bên cạnh đó, ông Trần Ngọc Căng cho biết Quảng Ngãi đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư, phát triển các phân ngành công nghiệp cơ khí chế tạo, cơ khí phục vụ công nghiệp chế biến; giảm tỷ trọng ngành gia công, chế biến sử dụng đầu vào nhập khẩu, có giá trị gia tăng thấp; tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao thông qua lựa chọn, thu hút các dự án FDI. Ngoài ra, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh các sản phẩm từ nguồn phế thải (tro, xỉ) của ngành công nghiệp luyện kim; đồng thời phát triển công nghiệp bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng khẳng định, trong thời gian tới, tỉnh Quảng Ngãi sẽ tích cực phối hợp với các bộ, ngành trung ương, tỉnh Quảng Nam và các nhà đầu tư thực hiện dự án khí từ mỏ Cá Voi Xanh vào bờ, chuẩn bị các điều kiện để thực hiện các dự án điện khí tại KKT Dung Quất; Đẩy nhanh tiến độ đưa vào vận hành và phát huy hiệu quả dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát - Dung Quất; đồng thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong bồi thường, giải phóng mặt bằng, kịp thời bàn giao cho các nhà đầu tư triển khai các dự án trọng điểm như: Nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất, Khu CN-ĐT&DV VSIP...

Với nhiều chính sách đồng bộ và các giải pháp mạnh mẽ nói trên, chắc chắn trong năm 2020 và nhiều năm sắp tới, công nghiệp tiếp tục là ngành chiếm tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi và tạo động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã của tỉnh.

 

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Điểm sáng thu hút đầu tư tại Quảng Ngãi: Bài 1- Trung tâm công nghiệp của dải đất miền Trung tại chuyên mục Kinh tế địa phương của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714132543 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714132543 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10