Điểm thi THPT Quốc gia năm 2020 tiếp tục để lại nỗi lo ở lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Nhất là trong bối cảnh Trung Quốc lộ rõ dã tâm.
Điểm thi THPT Quốc gia đã công bố lúc 0h ngày 27/8, kỳ thi diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 hoành hành, hoạt động dạy và học ngưng trệ nghiêm trọng. Có lẽ đây là kỳ thi đặc biệt nhất trong lịch sử khoa bảng nước ta!
Năm nào cũng vậy, phổ điểm các môn lại là đề tài được bàn tới nhiều nhất sau khi kết quả được công bố và chủ đề nóng nhất vẫn là điểm thi của các môn học thuộc về xã hội - nhân văn như Lịch sử, Văn học và tiếng Anh.
Trung bình điểm thi Anh văn năm nay không vượt qua ngưỡng trung bình, chỉ 4,58 điểm. Hãy tin rằng, cái dớp năm ngoái tại Sơn La, Hòa Bình đã quá kinh khủng, nên kỳ thi năm nay được thực hiện nghiêm túc.
Từ lâu, tiếng Anh được xem là ngôn ngữ toàn cầu, ngôn ngữ hội nhập, ngôn ngữ đóng vai trò cẩm nang trong bối cảnh hiện nay. Càng có nhiều người đọc thông viết thạo thứ ngôn ngữ này thì khả năng tiếp thu văn minh tiên tiến càng rộng mở.
Xin kể lại câu chuyện, trong một chuyến tàu lửa từ Huế ra Quảng Trị, một thầy giáo dạy toán tình cờ ngồi cùng băng ghế với vị khách người Hungari - đó là khách du lịch “bụi”, trên tay cầm tấm bản đồ Việt Nam, đang dò tìm các điểm đến nổi tiếng.
Thầy giáo phát hiện tấm bản đồ không có Hoàng Sa và Trường Sa, không biết xuất xứ tấm bản đồ này từ đâu tới. Với vốn tiếng Anh ít ỏi được học cách đây hơn 20 năm, thầy giáo rất vất vả để bắt chuyện và chỉ ra cái sai trong tờ bản đồ này.
Dân Tây trọng lý tính, nếu nói bản đồ này là sai (vì không có hai quần đảo của Việt Nam) thì phải chứng minh bằng cứ liệu lịch sử - kiến thức lịch sử có hạn, còn phải chuyển ngữ sang tiếng Anh không phải là chuyện dễ!
Vừa nói, vừa tra google, vừa dùng ngôn ngữ hình thể, cuối cùng vị khách người Hungari kia cầm ngòi bút đánh hai dấu chéo vào hai khu vực mà thầy giáo chỉ vào bản đồ (vị trí ước lượng các quần đảo).
Vai trò của tiếng Anh chắc khỏi phải bàn nhiều vì ai cũng biết tầm quan trọng của ngôn ngữ này. Nhưng nghịch lý ở chỗ, ở nước ta cứ ra đường thì thấy trung tâm Anh ngữ, danh sách học thêm, phụ đạo khó thiếu môn này. Vậy sao phổ điểm thấp?
Trong câu chuyện trên còn đề cập đến kiến thức lịch sử, khó yêu cầu thầy dạy toán phải tinh thông lịch sử, nhưng những người học sử, làm sử, truyền bá lịch sử không thể coi chuyện phổ điểm môn này luôn thấp là chuyện bình thường!
Là người Việt Nam yêu nước, ai cũng có thể nói rằng: “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam” nhưng tôi tin chắc không nhiều người có thể đưa ra cứ liệu để chứng minh, mặc dù chúng ta có đầy đủ những điều đó, và nó chủ yếu nằm trong ngăn kéo, trong hiểu biết của đội ngũ số ít là chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý.
Rất nhiều người Việt Nam hiểu rất rõ sử Tàu, chuyện “Tam quốc diễn nghĩa”, “Thủy hử”, “Hồng Lâu Mộng”,… và tiểu thuyết Kim Dung đã được rót vào tai người Việt từ trên sóng VOV cách đây vài chục năm.
Ngày ngày, bật tivi là thấy phim ảnh, văn hóa Trung Quốc, đủ các thể loại nhưng dù bằng cách này hay cách khác thì tư tưởng xuyên suốt là “chủ nghĩa Đại hán”, thu phục và bành trướng, nuôi dưỡng lý tưởng, dày công đào luyện để đạt được mục đích,…
Khách du lịch Trung Quốc có thể “tự tin” mặc áo có in “đường chín đoạn” đi đến khắp nơi ở nước ta, bằng cách nào đó họ đã mặc định đó là “Tây Sa” và “Nam Sa” mà không cần quan tâm đến thái độ của chúng ta (tên do Trung Quốc tự đặt lại cho hai quần đảo của Việt Nam).
Khoan hãy nói học sử, hiểu sử để trau dồi nhân cách, mà học sử để biết gốc tích, biết đất đai, lãnh thổ, cương vực của cha ông ta để lại; để mai sau lớp trẻ này có đủ kiến thức để tiếp tục gánh vác nhiệm vụ đấu tranh bằng lý lẽ, chứng cớ khoa học với kẻ thù. Đây chẳng phải là tính cấp bách của môn học này hay sao?
Trung Quốc đang tập trận phi pháp trên vùng biển của Việt Nam, đừng xem thường chuyện này. Bởi vài mươi năm nữa, nó có thể là bằng chứng chống lại chúng ta nếu như lớp trẻ bây giờ không biết được thực hư vấn đề.
Có thể bạn quan tâm
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: \"Không có ý coi nhẹ môn lịch sử\"
17:21, 16/11/2015
Trung Quốc tập trận tại Biển Đông nhằm vào ai?
05:00, 28/08/2020
“Áo giáp” trên mặt trận Biển Đông của Trung Quốc
15:00, 27/08/2020
Trung Quốc sẽ tiếp tục làm gì tại Biển Đông?
06:30, 26/08/2020
Biển Đông: Mối hiểm nguy từ dân quân biển của Trung Quốc
05:00, 26/08/2020
Khủng hoảng Mỹ-Trung gia tăng, Trung Quốc sẽ làm gì để đáp trả Mỹ?
06:00, 27/08/2020