Dù ảnh hưởng của dịch bệnh COVID -19, nhưng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Điện Biên (GRDP) vẫn ước đạt 5.335,4 tỷ đồng, tăng 0,54% so với cùng kỳ năm trước.
Đổi mới lề lối làm việc, cắt giảm thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục, hạn chế gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp là những ưu tiên hàng đầu của tỉnh Điện Biên trong công tác cải cách hành chính, góp phần tạo đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Nhờ những nỗ lực đó, trong 6 tháng đầu năm 2020, dù ảnh hưởng của dịch bệnh COVID -19, nhưng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Điện Biên (GRDP) vẫn ước đạt 5.335,4 tỷ đồng, tăng 0,54% so với cùng kỳ năm trước.
Thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết này trên địa bàn tỉnh, trong đó đã lồng ghép với việc thực hiện Đề án nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), đồng thời xác định rõ mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể đến từng cơ quan, đơn vị của tỉnh trong việc thực hiện Kế hoạch.
Cụ thể, 100% hồ sơ tiếp nhận về đăng ký kinh doanh được xử lý đúng và sớm hơn thời gian quy định. Thời gian cấp phép xây dựng và thủ tục liên quan (kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ) trong 3 ngày làm việc. Công tác đăng ký thuế cũng được thực hiện tự động, rút ngắn còn 3- 5 phút.
Bên cạnh đó, cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đã cung cấp các thủ tục hành chính của các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã với tổng số 2.101 thủ tục hành chính. Đồng thời, tỉnh triển khai kết nối liên thông Hệ thống quản lý văn bản và điều hành vào Trục liên thông văn bản Quốc gia với Văn phòng Chính phủ và 29 đơn vị trong tỉnh (19 sở, ngành, 10 UBND cấp huyện)…
Đặc biệt, tỉnh giảm tối đa số lần thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, kể cả thanh tra chuyên ngành. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 157/QĐ-UBND ngày 21/02/2020 về việc phê duyệt danh mục thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp năm 2020. Theo đó, Lãnh đạo tỉnh chỉ đạo thực hiện công khai kế hoạch và theo dõi việc thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra để kịp thời điều phối xử lý kịp thời không để xảy ra việc thanh tra, kiểm tra trùng lắp, chồng chéo, đảm bảo thực hiện đúng quy định không thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp quá 01 lần/năm.
Ông Mùa A Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho biết, tỉnh sẽ thường xuyên rà soát, đánh giá tình hình thực hiện từng tiêu chí, từng chỉ số đánh giá để kịp thời chấn chỉnh ở từng cơ quan, đơn vị hướng tới mục tiêu tiếp tục tăng về điểm số và thứ hạng của các chỉ số đánh giá môi trường kinh doanh của tỉnh như: chỉ số PCI; chỉ số Par-Index; chỉ số PAPI; SIPAS, POBI... Ngoài ra, tỉnh tạo môi trường đầu tư công khai, minh bạch, bình đẳng, lành mạnh cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, gắn mục tiêu phát triển cộng đồng doanh nghiệp với quyết tâm cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Điện Biên sẽ quyết tâm thực hiện nhiệm vụ hiện đại hóa nền hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử và cung cấp dịch vụ công trong hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước. Mặt khác, tỉnh nâng cao hiệu quả thực chất của cơ chế một cửa, một cửa liên thông; đồng thời gắn cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử với sắp xếp tổ chức bộ máy biên chế tinh gọn, hiệu quả, công khai, minh bạch.
Tỉnh cam kết tạo hành lang pháp lý thông thoáng, khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển, trên cơ sở thực hiện nghiêm túc Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư, Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và các văn bản hướng dẫn có liên quan… Ngoài ra, tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp, nhà đầu tư khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các lĩnh vực có thế mạnh, tiềm năng của tỉnh. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thủ tục, đất đai, chính sách tín dụng đối với các dự án đã và đang cấp phép và có chủ trương đầu tư để sớm khởi công xây dựng.
Gỡ vướng cho doanh nghiệp
Song song với cải cách hành chính, các cấp, các ngành trong tỉnh đã đẩy mạnh hoạt động tiếp nhận kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp dưới nhiều hình thức; tập trung giải quyết, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Ở cấp tỉnh, UBND tỉnh tiếp tục duy trì gặp mặt định kỳ với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, qua đó nắm bắt tình hình, chỉ đạo kịp thời và đôn đốc các ngành, các địa phương thực hiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, nhất là những khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp đang gặp phải do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Đến nay, các kiến nghị của doanh nghiệp đã cơ bản được các cấp, các ngành giải quyết triệt để. Một số nội dung có tính chất phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực đang được UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo giải quyết. Một số nội dung liên quan đến cơ chế, chính sách, vượt thẩm quyền của UBND tỉnh đã được tổng hợp, báo cáo Chính phủ và các Bộ, ngành TƯ xem xét giải quyết.
Ông Mùa A Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, khẳng định, tỉnh sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngành, các địa phương trong tỉnh đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp theo đúng Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của các Bộ, ngành TƯ, nhất là cơ chế chính sách về miễn giảm, giãn hoãn nộp thuế, bảo hiểm xã hội, tiền thuê đất, chính sách tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi,...
“Không chỉ vậy, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện Đề án đánh giá Bộ chỉ số đánh giá năng lực điều hành của cấp Sở, ngành và địa phương (DDCI), để từ đó xây dựng kế hoạch hành động cụ thể nhằm cải thiện chất lượng điều hành của các cơ quan, đơn vị trong 06 tháng cuối năm và các năm tiếp theo”, ông Mùa A Sơn nhấn mạnh.