Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đến nay những “rào cản trong việc triển khai các dự án trồng mắc ca ở Điện Biên đã căn bản được tháo gỡ.
Đó là ghi nhận của ông Bùi Văn Định, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư & Phát triển Mắc ca Tây Bắc, sau hơn một tháng Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, Lê Thành Đô chủ trì cuộc họp với các Sở ban ngành, huyện... bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án trồng mắc ca trên địa bàn tỉnh.
Trên thực tế, tỉnh Điện Biên đã đưa ra chính sách phát triển dự án mắc ca đảm bảo lợi ích 3 bên: Nhà nước-doanh nghiệp-người dân. Trong đó, nhà nước giữ vai trò trung gian, hỗ trợ người dân cây giống, phân bón và kỹ thuật chăm sóc thông qua doanh nghiệp. Vai trò doanh nghiệp là liên kết cùng các hộ dân, hỗ trợ giống cây, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm.
Doanh nghiệp trồng cây mắc ca tại tỉnh còn được thuê, liên kết để phát triển vùng nguyên liệu. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp có thể đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sâu. Còn người dân hình thành các mô hình sản xuất chăm sóc vườn cây đúng tiêu chuẩn và đảm bảo liên kết. Đồng thời, người dân được giao trồng mắc ca, làm chủ vườn cây trong hạn mức 5 ha/hộ (ngoài hạn mức đó dân có thể cho doanh nghiệp thuê đất trồng mắc ca). Như vậy, người dân cho doanh nghiệp thuê đất không những góp phần tăng thu nhập mà còn có nguồn thu ổn định.
Lợi ích đã rõ, nhưng nghịch lý từ năm 2017, 5 dự án trồng mắc ca đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư với diện tích được phê duyệt là 17.214 ha, tổng vốn đầu tư là 4.730 tỷ đồng nhưng đến nay chỉ trồng được 2.616/16.854 ha, đạt hơn 15,5% so với mục tiêu.
Lý giải việc chậm tiến độ, ông Đô nhìn nhận, các thủ tục của nhà đầu tư sau khi được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư hầu hết chưa được phê duyệt theo quy định, chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường... Ngoài ra, việc đồng hành cùng nhà đầu tư của các Sở, ngành, địa phương liên quan vẫn còn “trên nóng, dưới lạnh”...
“Chúng ta phải tạo ra được quỹ đất lớn để cho nhà đầu tư thuê; phần còn lại, nhà đầu tư sẽ liên kết với người dân thông qua các mô hình để đẩy mạnh phát triển cây mắc ca trên địa bàn”, ông Đô nhấn mạnh.
Đến nay, những rào cản về giao đất, thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng, nhận thức của người dân... trong triển khai các dự án trồng mắc ca đã cơ bản được tháo gỡ, tạo điều kiện cho chủ đầu tư.
Điều đáng nói, việc nhà đầu tư chưa nghiên cứu kỹ về thực trạng đất đai trong bước lập khảo sát ban đầu dẫn đến nhiều diện tích đưa vào vùng quy hoạch dự án không triển khai được do một số diện tích đã phát triển thành rừng và nhiều diện tích là đất sản xuất.
Đại diện Công ty CP Đầu tư & Phát triển Mắc ca Tây Bắc nói, dự án trồng mắc ca tại huyện Mường Nhé của Công ty có tổng diện tích hơn 11.156 ha thuộc quy hoạch đất rừng sản xuất và đất nông nghiệp khác... Tuy nhiên Công ty gặp vướng mắc vì có tới hơn 3.000 ha đất đã có rừng và khoảng 8.000 ha đất nương đang canh tác.
Ngoài ra, việc tranh chấp giữa các bản, các hộ gia đình cũng gây khó khăn trong việc lập hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...
Nắm bắt được những khó khăn của các nhà đầu tư, nhiều giải pháp tháo gỡ “rào cản” các dự án mắc ca trên địa bàn đã được thực thi. Cụ thể, theo ông Đô, chính quyền các cấp đã tuyên truyền, vận động người dân hiểu, nhận biết được chủ trương của Đảng, Nhà nước và định hướng cơ chế, chính sách của tỉnh về dự án phát triển mắc ca cũng như lợi ích khi tham gia liên kết với nhà đầu tư thực hiện dự án... Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ kế hoạch giao đất giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp chưa có rừng, nhất là các địa bàn có dự án phát triển mắc ca để chủ đất có cơ sở tham gia liên kết với nhà đầu tư hoặc chủ động tổ chức sản xuất. Song song, rà soát, xem xét ưu tiên dành quỹ đất nhất định (bao gồm quỹ đất lâm nghiệp chưa có rừng) cho nhà đầu tư thuê thực hiện dự án. Riêng phần diện tích đất của dân, nhà đầu tư chủ động liên kết thực hiện dự án, tỉnh khuyến khích thông qua mô hình các HTX để làm mẫu cho người dân thăm quan, học tập, hưởng ứng; hướng dẫn nhà đầu tư hoàn tất các thủ tục hồ sơ dự án trồng mắc ca công nghệ cao…
Đánh giá những nỗ lực của chính quyền tỉnh, ông Bùi Văn Định cho hay: “Đến nay, những “rào cản” về giao đất, thủ tục hành chính, giải phòng mặt bằng, nhận thức của người dân... trong việc triển khai các dự án trồng mắc ca căn bản đã được tháo gỡ”.
Theo các chuyên gia kinh tế, cây mắc ca là loại cây có vị trí hết sức quan trọng và được xác định đem lại giá trị kinh tế cao trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đặc biệt là phát triển bền vững ở đất dốc. Được biết, để giải quyết bài toán phủ xanh đất trống đồi trọc và phát triển kinh tế ngành lâm nghiệp, 7 năm qua, Điện Biên đã cho trồng thí điểm cây mắc ca trên đất dốc. Hiện, gần 1.000 ha mắc ca đã cho thu hoạch và được đánh giá phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của Điện Biên.
Có thể bạn quan tâm