Điện Biên: “Thỏi nam châm” vùng cực Bắc

Khắc Lãng thực hiện 16/03/2019 03:46

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định Điện Biên là một trong những trọng điểm phát triển du lịch của vùng trung du miền núi Bắc Bộ nói riêng và cả nước nói chung

“Được mệnh danh là “thỏi nam châm” vùng cực bắc, hút khách du lịch trong nước và ngoài nước đến thưởng ngoạn, Điện Biên đang nỗ lực hoá giải thách thức xây dựng thương hiệu, khẳng định vị thế, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong phát triển kinh tế của tỉnh”, P. Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Mùa A Sơn khẳng định với DĐDN.

Với 18 di tích lịch sử được xếp hạng, 8 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nổi bật là di tích lịch sử quốc gia chiến trường Ðiện Biên Phủ, Ðiện Biên còn sở hữu hệ sinh thái rừng, hang động, hồ nước, điểm nước khoáng nóng, thuận lợi cho phát triển du lịch nghỉ dưỡng. Chính vậy, trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định Điện Biên là một trong những trọng điểm phát triển du lịch của vùng trung du miền núi Bắc Bộ nói riêng và cả nước nói chung.

br class=

Di tích đồi A1 TP Điện Biên Phủ, điểm nhấn du lịch của tỉnh Điện Biên.

- Để hiện thực hoá mục tiêu trên Điện Biên đã có những chính sách như thế nào để thúc đẩy du lịch của tỉnh phát triển, thưa ông?

Để phát huy lợi thế này nhiều chương trình, đề án, quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh đã được phê duyệt. Cụ thể, ngày 24/8/2015 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1465/QĐ-TTg về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Điện Biên Phủ - Pa Khoang tỉnh Điện Biên đến năm 2020 tầm nhìn 2030. Trên cơ sở đó UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 2801/KH-UBND ngày 26/9/2017 triển khai thực hiện Quy hoạch này. UBND tỉnh đã giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương triển khai xây dựng quy hoạch chung, quy hoạch phân khu chức năng làm cơ sở cho việc kêu gọi, thu hút đầu tư vào hoạt động du lịch. Việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, sản phẩm du lịch từng bước đáp ứng nhu cầu du khách trong và ngoài nước… Hầu hết di tích lịch sử văn hóa được trùng tu, tôn tạo, nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp được khôi phục và phát triển... Đặc biệt, hiện đã có một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong nước đã lên Điện Biên khảo sát, nghiên cứu tìm hiểu khả năng đầu tư vào các dự án trong lĩnh vực du lịch cũng như đầu tư vào hoạt động thương mại tại Điện Biên như tập đoàn FLC, Sun group, Vingroup...

  Mục tiêu của Điện Biên là sớm đưa du lịch đạt tiêu chí khu du lịch quốc gia với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, sản phẩm du lịch chất lượng cao. 

Dù chưa đạt kỳ vọng nhưng tất cả những nỗ lực này đã mang lại cho du lịch Điện Biên kết quả khá ấn tượng, với lượng khách năm 2018 đạt trên 705.000 lượt khách, trong đó có trên 151.000 lượt khách quốc tế. Tổng thu từ hoạt động du lịch ước đạt trên 1.155 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tạo hàng nghìn việc làm cho người lao động trong tỉnh.

- Mặc dù vậy, nhiều ý kiến đánh giá, du lịch Điện Biên phát triển chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế sẵn có, ông nhìn nhận thế nào về vấn đề này?

Nhìn vào thực tế chúng ta thấy trong những năm qua hoạt động du lịch của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao tỷ trọng lĩnh vực dịch vụ, du lịch trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, những kết quả đạt được trong hoạt động du lịch còn rất khiêm tốn so với tiềm năng, lợi thế của tỉnh đây. Bởi để đến được Điện Biên, du khách có thể lựa chọn cả đường bộ và đường hàng không, nhưng mỗi hình thức lại có khó khăn nhất định.

Về đường không, hiện nay chỉ có duy nhất hãng Vasco khai thác đường bay Hà Nội - Điện Biên với tần suất 2 chuyến/ngày, loại máy bay cỡ nhỏ ATR72 với chi phí vận hành cao nên chưa phù hợp với việc phục vụ khách du lịch. Còn nếu đi đường bộ, du khách sẽ phải di chuyển 9-10 giờ để đi từ Hà Nội đến Điện Biên- đây là quãng đường di chuyển dài khó phù hợp với du khách.

Trong khi đó, giao thông cũng còn nhiều bất cập. Ngoài một số ít tuyến đến các điểm di tích lịch sử đã được đầu tư có còn lại là khó khăn. Dù đã cải tạo nâng cấp tuyến quốc lộ 279B (đoạn Nà Tấu - Mường Phăng), thi công thảm bê tông nhựa mặt đường trên tuyến quốc lộ 12 đoạn Mường Lay - Mường Chà... nhưng trong điều kiện là một tỉnh nghèo, kinh tế kém phát triển, nguồn ngân sách chủ yếu dựa vào sự cân đối từ ngân sách trung ương nên nguồn lực đầu tư cho phát triển hạ tầng du lịch còn hạn chế.

Có thể bạn quan tâm

  • 13-18/3: Lễ hội Hoa Ban 2019 và ngày hội Văn hoá, Thể thao, Du lịch tỉnh Điện Biên lần thứ VI

    12:24, 12/03/2019

  • Đề xuất xây dựng mở rộng cảng hàng không Điện Biên

    00:04, 03/02/2019

  • Điện Biên hiện thực hoá Nghị quyết số 01, 02/NQ-CP của Chính phủ?

    21:06, 16/01/2019

  • Điện Biên tưng bừng Lễ hội Hoa Anh Đào Pá Khoang năm 2019

    19:13, 12/01/2019

Có thể bạn quan tâm

  • 13-18/3: Lễ hội Hoa Ban 2019 và ngày hội Văn hoá, Thể thao, Du lịch tỉnh Điện Biên lần thứ VI

    12:24, 12/03/2019

  • Đề xuất xây dựng mở rộng cảng hàng không Điện Biên

    00:04, 03/02/2019

  • Điện Biên hiện thực hoá Nghị quyết số 01, 02/NQ-CP của Chính phủ?

    21:06, 16/01/2019

  • Điện Biên tưng bừng Lễ hội Hoa Anh Đào Pá Khoang năm 2019

    19:13, 12/01/2019

Để đẩy mạnh phát triển du lịch, tỉnh đã kêu gọi thu hút các nguồn vốn đầu tư hạ tầng giao thông. Nhưng dù Điện Biên thuộc đối tượng được hưởng các chính sách ưu đãi đầu tư nói chung theo Luật đầu tư, Nghị định số 118/2015, Nghị định số 134/2016... song những ưu đãi này được áp dụng chung cho tất cả lĩnh vực mà chưa có các cơ chế ưu đãi đặc thù để phát triển sản phẩm du lịch, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch.

- Để tháo gỡ những “nút thắt” trên tỉnh sẽ có những giải pháp căn cơ nào để đưa du lịch Điện Biên lên một nấc thang cao hơn, thưa ông?

Mục tiêu của chúng tôi là sớm đưa du lịch Điện Biên đạt tiêu chí khu du lịch quốc gia với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, sản phẩm du lịch chất lượng cao. Tỉnh sẽ xây dựng thương hiệu du lịch của tỉnh có sức cạnh tranh và là điểm nhấn quan trọng của du lịch vùng Tây Bắc.

Để làm được những mục tiêu này, tỉnh đã đưa ra 5 giải pháp chính:

Thứ nhất, ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào khu vực dịch vụ, du lịch. Trước mắt xây dựng cơ chế đặc thù cho phát triển du lịch vào Khu du lịch quốc gia Điện Biên Phủ - Pá Khoang.

Thứ hai, đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính theo hướng giảm các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thẩm định, cấp phép, phê duyệt dự án. Đồng thời, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng, công khai, minh bạch nhằm thu hút đầu tư... tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch.

Thứ ba, có cơ chế hỗ trợ về vốn, quỹ đất, lãi suất, đào tạo nguồn nhân lực, khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống của các dân tộc.

Thứ tư, hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại chỗ. Mở các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động trong các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch.

Thứ năm, hỗ trợ các doanh nghiệp, cộng đồng khởi nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch.

Ngoài ra, để phát huy tối đa hiệu quả khai thác, đặc biệt là kết hợp dịch vụ vận tải hành khách bằng xe buýt với du lịch, UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch phát triển vận tải hành khách bằng taxi, xe buýt và mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định nội tỉnh trên địa bàn tỉnh Điện Biên đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035. UBND tỉnh cũng đã có văn bản chính thức đề xuất với chính phủ, Bộ Giao thông - Vận tải sớm thực hiện việc cải tạo, nâng cấp sân bay Điện Biên Phủ theo quy hoạch được duyệt.

Hy vọng thời gian tới, với sự nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, mục tiêu phát triển du lịch thành ngành công nghiệp mũi nhọn của Điện Biên sẽ trở thành hiện thực.

- Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Điện Biên: “Thỏi nam châm” vùng cực Bắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO