DIỄN ĐÀN KINH DOANH 2024: Việt Nam đang trở thành hub kết nối trong nền kinh tế toàn cầu

Bài: HẠNH LÊ; Ảnh: TUẤN NGỌC 26/06/2024 15:16

Việt Nam đang trở thành hub kết nối trong môi trường nền kinh tế đang phân cực toàn cầu, mở ra cơ hội lớn cho nền kinh tế và doanh nghiệp.

>>>Chìa khoá để đa dạng chuỗi cung ứng

Đây là một trong những nhận định được TS. Nguyễn Tú Anh - Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế (Ban Kinh tế TW) chia sẻ tại Diễn đàn Kinh doanh 2024 “Đa dạng hoá chuỗi cung ứng, phát triển thị trường, nâng cao khả năng thích ứng cho doanh nghiệp” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức vào chiều ngày 26/6.

Thông tin về tình hình thế giới những năm gần đây, TS. Nguyễn Tú Anh cho biết, do ảnh hưởng từ những biến động địa chính trị toàn cầu, nền kinh tế thế giới đang có xu hướng phân cực và dòng vốn đầu tư toàn cầu đang dịch chuyển mạnh mẽ. Tại Việt Nam, xu hướng này bắt đầu diễn ra mạnh mẽ từ năm 2022, trong đó, các hub của chuỗi cung ứng thế giới và Trung Quốc sang Việt Nam.

TS. Nguyễn Tú Anh - Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế

TS. Nguyễn Tú Anh - Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế

Cụ thể, vốn đầu tư mới từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng từ khoảng 2,3 tỷ USD năm 2019 lên 3,5 tỷ USD vào năm 2023. Về tỷ trọng, vốn đầu tư từ Trung Quốc chiếm 30,9% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam năm 2019 đã tăng lên 34% vào năm 2023.

Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ đang làm thay đổi hoạt động thương mại và đầu tư trên thế giới. Trước đây, theo mô hình truyền thống khoảng cách địa lý quyết định thương mại đầu tư thì hiện nay, thươnng mại đầu tư không bị ảnh hưởng bởi yếu tố khoảng cách địa lý.

Đặc biệt, sau khi Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện tạo cú hích lớn, góp phần làm thay đổi nhận thức của các nhà đầu tư, đồng thời đưa Việt Nam đã trở thành hub kết nối trong môi trường nền kinh tế đang phân cực toàn cầu như hiện nay.

“Việt Nam đang có vị thế đặc biệt và cơ hội lớn kết nối với các xu thế phân cực cũng như kết nối được với các cực. Cùng với dòng vốn từ Trung Quốc đang tăng, dòng vốn từ các nước khác như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc vẫn tiếp tục tăng nhanh trong thời gian qua. Nhìn từ góc độ nền kinh tế Việt Nam, không có sự phân cực nào” - TS. Nguyễn Tú Anh chia sẻ.

Nhìn nhận đây là cơ hội để Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu đang rộng mở, Chính phủ đang quyết tâm tập trung cao độ trong việc giải quyết các “nút cổ chai” của nền kinh tế là kết cấu hạ tầng. Hiện nay, Chính phủ và các địa phương đang dồn vốn đầu tư công để nâng cấp kết cấu hạ tầng, cảng biển, đường cao tốc kết nối trực tiếp. Khi các nền tảng đặt ra, tiềm năng phát triển của kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn được mở ra

Những cơ hội lớn đi cùng với một số thách thức, TS. Nguyễn Tú Anh đề cập đến thách thức lớn nhất là nguồn nhân lực. Việt Nam không thừa lao động mà đang thiếu lao động có kỹ năng tay nghề và cả lao động phổ thông.

Thứ hai, nền kinh tế tăng trưởng nhanh, thu hút dòng vốn lớn, nhu cầu năng lượng lớn cần cân nhắc.

Thứ ba, kết nối doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI, nhìn từ góc độ doanh nghiệp bắt nguồn từ nhu cầu tự thân của doanh nghiệp mong muốn kết nối với doanh nghiệp địa phương với yêu cầu về tính ổn định và chất lượng cao. Đó là những doanh nghiệp lớn có nhu cầu nhập số lượng lớn nguyên vật liệu từ bên ngoài thì doanh nghiệp địa phương, dù một sản phẩm có thể hỗ trợ giảm chi phí, chẳng hạn chỉ có 1 cent hay 10 cent cũng là con số lớn. Lúc đó, cung ứng trong nội địa có cơ hội phát triển.

Diễn đàn Kinh doanh 2024 thu hút sự quan tâm của đông đảo các hiệp hội, doanh nghiệp Việt Nam

Diễn đàn Kinh doanh 2024 thu hút sự quan tâm của đông đảo các hiệp hội, doanh nghiệp Việt Nam

Tuy nhiên, doanh nghiệp trong nước muốn tham gia và kết nối vào chuỗi cung ứng  cần đầu tư vào con người, công nghệ nhưng cần quan tâm đến những rủi ro trong đầu tư khó kiểm soát.

Cuối cùng, gắn liền với xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu là xu hướng chuyển đổi xanh. Khi đã tham gia vào thị trường chung của thế giới, Việt Nam sẽ không đứng ngoài "cuộc chơi" với yêu cầu cần giảm thiểu "dấu chân" carbon trong sản xuất. Chúng ta cần nhận thức đầy đủ yêu cầu trong sản xuất đảm bảo giảm "dấu chân" carbon không vượt quá chuẩn mực của các thị trường phát triển. Việt Nam từng bước xây dựng thị trường tín chỉ carbon và thực hiện đang kiểm kê khí nhà kính của gần 2.000 doanh nghiệp.

“Cơ hội lớn đang mở ra cho nền kinh tế và doanh nghiệp từ xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu. Chính phủ đang nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp, ngược lại doanh nghiệp cần nhìn trước những rủi ro, thách thức để có giải pháp khắc phục, nắm bắt cơ hội” - TS Nguyễn Tú Anh nhấn mạnh.

Chương trình với sự tham gia đồng hành của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm

  • DIỄN ĐÀN KINH DOANH: Hoàn thiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

    DIỄN ĐÀN KINH DOANH: Hoàn thiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

    14:50, 26/06/2024

  • DIỄN ĐÀN KINH DOANH: Cơ hội tốt cho đa dạng hoá chuỗi cung ứng

    DIỄN ĐÀN KINH DOANH: Cơ hội tốt cho đa dạng hoá chuỗi cung ứng

    14:17, 26/06/2024

  • [TRỰC TUYẾN] Đa dạng hoá chuỗi cung ứng, nâng cao khả năng thích ứng cho doanh nghiệp

    [TRỰC TUYẾN] Đa dạng hoá chuỗi cung ứng, nâng cao khả năng thích ứng cho doanh nghiệp

    14:05, 26/06/2024

  • [TRỰC TIẾP] Đa dạng hoá chuỗi cung ứng, nâng cao khả năng thích ứng cho doanh nghiệp

    [TRỰC TIẾP] Đa dạng hoá chuỗi cung ứng, nâng cao khả năng thích ứng cho doanh nghiệp

    14:00, 26/06/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
DIỄN ĐÀN KINH DOANH 2024: Việt Nam đang trở thành hub kết nối trong nền kinh tế toàn cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO