DIỄN ĐÀN KINH DOANH: Đổi mới cách tiếp cận về hỗ trợ doanh nghiệp

Bài: GIA NGUYỄN - Ảnh: TUẤN NGỌC 26/06/2024 15:22

Để hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, cần đổi mới cách tiếp cận về cải cách thể chế và chính sách hỗ trợ đối với các doanh nghiệp…

>> DIỄN ĐÀN KINH DOANH: Cơ hội tốt cho đa dạng hoá chuỗi cung ứng

Đây là chia sẻ của TS. Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica Việt Nam tại Diễn đàn kinh doanh 2024: “Đa dạng hoá chuỗi cung ứng, phát triển thị trường, nâng cao khả năng thích ứng cho doanh nghiệp” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức ngày 26/6.

TS. Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica Việt Nam tham luận tại Diễn đàn

TS. Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica Việt Nam tham luận tại Diễn đàn.

Thông tin tại Diễn đàn, TS. Lê Duy Bình cho biết, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, hiện Việt Nam đang có khoảng 5.000 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đang cung cấp cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu sang các thị trường chính là Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ.

Tuy nhiên trong số khoảng 5.000 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ này, theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), có khoảng 100 doanh nghiệp trong nước là nhà cung ứng cấp một cho các tập đoàn đa quốc gia; khoảng 700 doanh nghiệp là nhà cung ứng cấp hai, cấp ba…

Theo TS. Lê Duy Bình, gia nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu phụ thuộc nhiều vào nỗ lực tự thân của các doanh nghiệp. Nhưng những nỗ lực tự thân đó sẽ thuận lợi và dễ dàng hơn rất nhiều nếu như các điều kiện về thể chế, chính sách, môi trường kinh doanh và quy định pháp luật không tạo ra vướng mắc…

"Qua nghiên cứu chúng tôi nhận thấy, vẫn còn một số điểm nghẽn lớn về thể chế và chính sách hỗ trợ để giúp doanh nghiệp Việt tự tin, vững vàng hơn khi gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu" - ông Lê Duy Bình nói.

>> Đa dạng hoá chuỗi cung ứng, nâng cao khả năng thích ứng cho doanh nghiệp

Toàn cảnh Diễn đàn kinh doanh 2024: “Đa dạng hoá chuỗi cung ứng, phát triển thị trường, nâng cao khả năng thích ứng cho doanh nghiệp”

“Đa dạng hoá chuỗi cung ứng, phát triển thị trường, nâng cao khả năng thích ứng cho doanh nghiệp” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức ngày 26/6.

Chẳng hạn như, ngoài các yêu cầu về trình độ công nghệ, quy trình quản lý sản xuất, kiểm soát chất lượng, áp lực đối với các doanh nghiệp trong nước còn đến từ yêu cầu phải đảm bảo tiến độ và chất lượng giao hàng khắt khe, phải chịu sự giám sát chặt chẽ của người mua, các doanh nghiệp đầu chuỗi hay ở vị trí cao hơi trong chuỗi cung ứng, phải chịu sự đánh giá và kiểm soát thường nhật theo các tiêu chuẩn khắt khe của các công ty đầu chuỗi với những yêu cầu tối ưu hóa quá trình sản xuất tính theo ngày chứ không phải theo tháng. Điều quan trọng nhất, các doanh nghiệp phải có khả năng nâng cao năng lực cạnh tranh của chính mình.

Từ đó, đòi hỏi một môi trường thể chế và môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn và thông thoáng để các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư về công nghệ, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển để họ có thể tiếp cận vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn đang hoạt động tại hay ngoài Việt Nam.

“Để đáp ứng được các yêu cầu về công nghệ, kỹ thuật, và các yêu cầu vể thời gian giao hàng, rõ ràng các doanh nghiệp cần được sự hỗ trợ bởi các quy định pháp luật thuận lợi về nhập khẩu công nghệ, máy móc thiết bị, về kiểm tra chuyên ngành, thủ tục hải quan, xuất nhập khẩu, các thủ tục hành chính có liên quan.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần được hỗ trợ bởi một hệ sinh thái các tổ chức hỗ trợ khác, hoặc trong khu vực công hay khu vực tư, như các các cơ quan quy định về hệ thống chất lượng, kiểm định chất lượng, các phòng thí nghiệm, hệ thống các các viện, trường, trung tâm nghiên cứu và phát triển…”, ông Bình bày tỏ.

Cũng theo ông Bình, một trong những khó khăn hiện nay của doanh nghiệp là yêu cầu xanh hóa và phát triển bền vững, trong đó, những người mua, doanh nghiệp nhập khẩu của nước ngoài, đứng trước xu thế chung phát triển chung, sự thay đổi về quy định pháp luật, cũng như áp lực từ người tiêu dùng trong nước đã tạo ra các tiêu chuẩn ngày một cao hơn về sản xuất xanh, buộc các các doanh nghiệp tại các quốc gia khác khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu phải đẩy nhanh quá trình cải tiến quy trình “xanh hóa” một cách mạnh mẽ hơn.

Thực tế, để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, ứng dụng các tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội và quản trị), CSR (trách nhiệm xã hội), mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh đến nay không còn là lựa chọn nữa mà đã trở thành con đường tất yếu đối với các doanh nghiệp trong nước. 

Ví dụ như, khi tham gia chuỗi cung ứng quốc tế, không những phải tuân thủ các quy định của nước sở tại mà còn cần đáp ứng các thông lệ quốc tế - chẳng hạn như cơ chế điều chỉnh carbon xuyên biên giới của EU hay Quy định Chống phá rừng của EU…

Do vậy, theo ông Lê Duy Bình, các doanh nghiệp Việt muốn trở thành nhà cung cấp trong chuỗi giá trị toàn cầu cần được đào tạo và hỗ trợ, xây dựng năng lực để tuân thủ các quy tắc về ứng xử, quy định và tiêu chuẩn là rất quan trọng. Bên cạnh đó, cần phát triển các công cụ kỹ thuật số để tăng cường khả năng truy xuất nguồn gốc và thu thập dữ liệu trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo đó, các quy định về tiêu chuẩn xanh cũng cần được xây dựng nhằm định hướng cho quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Các chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp cũng cần được thực hiện một cách có trọng tâm, trọng điểm để các doanh nghiệp nâng cao năng lực, nâng cao trình độ số hóa, năng lực công nghệ thông tin để đáp ứng được các yêu cầu khắt khe về các tiêu chuẩn ESG của những nhà nhập khẩu từ các thị trường khó tính như EU, Nhật Bản, Mỹ, Canada và nhiều nền kinh tế khác.

Đặc biệt, ông Bình cho rằng, để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam gia nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu cần có sự đổi mới trong cách tiếp cận về hỗ trợ doanh nghiệp theo hướng trọng tâm, trọng điểm hơn nhằm đạt được các mục tiêu cụ thể, ưu tiên về góc độ phát triển doanh nghiệp hiện nay.

Theo ông Bình, đứng trước yêu cầu mới về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, cần hành động cấp bách để xác lập vị thế trong các chuỗi cung ứng toàn cầu, và khi nền kinh tế bắt đầu hồi phục trở lại, cần trả lại không gian cho thị trường và cho các nguyên tắc của cơ chế thị trường. Các biện pháp mang tính chất bao cấp, hỗ trợ, miễn, giảm đã được thực hiện quá dài cũng phải được “thu lại” hoặc thu hẹp dần về quy mô hay cường độ, nhờ đó thị trường sẽ quay trở lại vận hành đúng như quy luật vốn có của nó…

“Thu lại dần những biện pháp hỗ trợ không có nghĩa là Nhà nước không tiếp tục có những biện pháp kiến tạo cho doanh nghiệp phát triển. Thay vì các biện pháp hỗ trợ như miễn, giảm, giãn, hoãn trên diện rộng thì nguồn lực từ ngân sách Nhà nước đáng lẽ để dành cho việc này có thể được sử dụng để đầu tư, hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm cho các doanh nghiệp, các tổ chức, thể chế đóng vai trò quan trọng trong việc định hình tương lai về kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế sáng tạo hay các doanh nghiệp, các tổ chức trong các hệ sinh thái của các ngành công nghiệp mới trong tương lai như chất bán dẫn, chip, phương tiện vận tải điện, năng lượng sạch, kinh tế số, trí tuệ nhân tạo.

Các chính sách hỗ trợ có tính chất trọng tâm, trọng điểm như vậy, đặc biệt là giảm bớt hình thức trợ cấp, hỗ trợ sẽ nâng cao tinh thần tự lực, tự cường của cộng đồng doanh nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp tiên phong, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám dấn thân vào các lĩnh vực mới mà nền kinh tế thực sự cần…”, ông Bình bày tỏ.

Chương trình với sự tham gia đồng hành của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm

  • DIỄN ĐÀN KINH DOANH 2024: Cơ hội lớn từ xu hướng dịch chuyển toàn cầu

    DIỄN ĐÀN KINH DOANH 2024: Cơ hội lớn từ xu hướng dịch chuyển toàn cầu

    15:16, 26/06/2024

  • DIỄN ĐÀN KINH DOANH: Hoàn thiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

    DIỄN ĐÀN KINH DOANH: Hoàn thiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

    14:50, 26/06/2024

  • DIỄN ĐÀN KINH DOANH: Cơ hội tốt cho đa dạng hoá chuỗi cung ứng

    DIỄN ĐÀN KINH DOANH: Cơ hội tốt cho đa dạng hoá chuỗi cung ứng

    14:17, 26/06/2024

  • Diễn đàn Kinh tế Việt Nam - Thụy Sỹ 2024: Thúc đẩy quan hệ hợp tác hai bên

    Diễn đàn Kinh tế Việt Nam - Thụy Sỹ 2024: Thúc đẩy quan hệ hợp tác hai bên

    20:50, 20/06/2024

  • 26/06: Diễn đàn Kinh doanh: Đa dạng hóa chuỗi cung ứng, phát triển thị trường, nâng cao khả năng thích ứng cho doanh nghiệp

    26/06: Diễn đàn Kinh doanh: Đa dạng hóa chuỗi cung ứng, phát triển thị trường, nâng cao khả năng thích ứng cho doanh nghiệp

    14:00, 19/06/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
DIỄN ĐÀN KINH DOANH: Đổi mới cách tiếp cận về hỗ trợ doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO