Gần 10 năm qua, ông Mai Văn Quân tại khu 6 thị trấn Hà Trung (Thanh Hóa) đã tự bỏ tiền túi đầu tư khu đất rộng từ 8 ha rồi đến 22 ha để trồng cây, làm nơi trú ngụ cho đàn cò lên đến ngàn nghìn con.
Suốt nhiều năm qua, mỗi buổi chiều tại khu vực xã Hà Ngọc (Hà Trung, Thanh Hóa), người ta lại nhìn thấy hàng ngàn con cò bay ngợp trời về đậu kín trên vườn cây tại trang trại gia đình ông Quân quản lý. Tại khu đất này lúc nào cũng được kiểm soát chặt chẽ và có 2 tới 3 người công nhân chăm sóc, bảo vệ đàn cò để không bị săn bắt hay dịch bệnh.
Chiều muộn những đàn cò bay về nơi trú ngụ an toàn
Gần 10 năm nay, số lượng cò về trang trại nhà ông Quân trú ngụ ngày càng nhiều lên
Kể lại những ngày đầu khi phát hiện cò tìm về nơi trú ngụ tại khu đất nhà mình ông Quân cho biết: Năm 2004, gia đình ông đấu thầu khu đất này, trước kia là khu đầm lầy 8 ha tại xã Hà Ngọc, huyện Hà Trung khi đó phát hiện có lác đác những đàn cò trở về đây trú ngụ.
"Mỗi ngày chứng kiến cảnh những đàn cò trên khu vực của xã bị nhiều thợ săn nhăng lưới, bắt mang đi bán thịt, tôi chua xót vô cùng. Mặc dù khu vực 8 ha được nhà nước giao làm kinh tế chỉ là vùng đất đầm lầy, sâu trũng, chủ yếu là cây lau, sậy rất khó canh tác. Nên tôi đã quyết định trồng thêm cây và nghĩ đến đắp đưỡng xây tường rào xung quanh để bảo vệ những đàn cò trước nạn săn bắn. Sau đó tôi phát hiện số lượng đàn cò về đây càng ngày nhiều hơn".
Tiếp đến năm 2014 ông Quân được nhà nước giao thêm 12 ha đất với quyết tâm cải tạo khu đất thầu mang lại giá trị cao, gia đình ông đã quy hoạch thành 2 vùng sản xuất: chăn nuôi và trồng cây ăn quả, còn một phần đất cải tạo làm nơi trú ngụ cho cò và nhiều loại cá thể sinh vật khác. Thời điểm này, khi cây cối trong vườn tốt lên cò về càng nhiều cùng với cò có vạc và nhiều loài chim khác cũng tìm về ông đã quyết định cho trồng thêm khoảng 50 bụi tre lớn và các cây cho cò trú ngụ. Đến năm 2015 cò bắt đầu về nhiều, với số lượng lên đến hàng nghìn con, ông Quân cho biết thêm.
Trao đổi thêm với Diễn đàn doanh nghiệp, anh Lê Văn Xuân, công nhân của trang trại cho biết: ở đây có người làm đã nhiều năm, thu nhập từ 6-7 triệu/tháng. Công việc ở đây ngoài chăm sóc cây cối, trang trại thì kiểm tra cò về và bảo vệ canh gác chúng khỏi những kẻ săn bắt bên ngoài. "Chúng tôi luôn xem cò như những người bạn từ thiên nhiên, phải rất vất vả lắm mới có thể bảo vệ được đàn cò đến ngày hôm nay", anh Xuân nói.
Đặc biệt, trong những ngày mưa bão, giao mùa thời kì dịch bệnh ông Quân luôn cho công nhân sát sao theo dõi, có những ngày ông đích thân đi kiểm tra và phát hiện những con nào bị bệnh, bị đau ngay lập tức mang ra thú ý kiểm tra. Nếu phát hiện cò chết hay có dấu hiệu dịch bệnh ông mời cả các chuyên viên y tế về trực tiếp kiểm tra, lấy mẫu phân, dịch đưa đi kiểm tra và có phương án điều trị.
Gắn bó với đàn cò gần 10 năm nay, chăm chút đàn cò hằng ngày, nhìn thấy quá trình phát triển và lớn dần ông Quân hiểu được quy luật sinh tồn hằng ngày của chúng. Hiện nay, số lượng cò làm tổ, sinh nở trong khu vườn nhà anh ngày càng gia tăng, ông đang có ý tưởng cải tạo lại khu đất, trồng thêm cây xanh cho cò đậu. Đồng thời, mong muốn nơi đây trở thành một ốc đảo cò trở thành một điểm du lịch sinh thái cho cộng đồng đến tham quan du lịch.
Có thể bạn quan tâm