Điện mặt trời mái nhà được khuyến khích cho mô hình tự sản tự tiêu nhằm đáp ứng mục tiêu giảm phát thải từ cuối năm 2021. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có quy định cụ thể, rõ ràng cho mô hình này.
>>Điện mặt trời mái nhà: Giúp doanh nghiệp sớm đạt mục tiêu "xanh hóa"
Để được rõ hơn về nhu cầu sử dụng năng lượng xanh từ hệ thống điện mặt trời mái nhà và những khó khăn còn vướng mắc từ quy định hiện hành, Diễn đàn Doanh nghiệp đã có buổi phỏng vấn ông Vũ Văn Hải – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ xanh Hùng Việt xung quanh vấn đề này;
Thưa ông, với vai trò là nhà cung cấp dịch vụ, ông có nhận xét như thế nào về tỷ lệ doanh nghiệp đã sử dụng năng lượng xanh trong sản xuất?
Sử dụng năng lượng xanh từ hệ thống điện mặt trời mái nhà là một trong các tiêu chí của “chứng chỉ xanh”, thậm chí còn là điều kiện bắt buộc trong một số lĩnh vực xuất khẩu như dệt may, sản xuất thép… và đang là mục tiêu tiếp theo của các ngành sản xuất.
Thế nhưng tỉ lệ các doanh nghiệp sử dụng năng lượng xanh trong sản xuất hiện vô cùng nhỏ. Đại đa số năng lượng tái tạo lắp đặt trong thời gian vừa qua là để bán điện trực tiếp cho EVN và sử dụng trong nhu cầu gia đình và một số ít cho khối văn phòng thương mại.
Theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) thì chỉ có khoảng 50% các doanh nghiệp Việt quan tâm đến tăng trưởng xanh và từ quan tâm đến hành động cụ thể trong thực tiễn vẫn còn là một khoảng cách khá xa.
Trước đó kể từ khi cơ chế khuyến khích với điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) đã hết hiệu lực từ ngày (31/12/2020), xu hướng lắp đặt mô hình này đã rơi vào trạng thái trầm lắng. Nhưng đến cuối năm 2021 nhu cầu sử dụng năng lượng tái tạo phục vụ cho sản xuất mới dần được chú ý tại Việt Nam do yêu cầu của hội nhập. Các thị trường lớn đang ra các điều kiện xanh hóa trong sản xuất với các mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam, để chứng minh quy trình sản xuất chuyển đổi sang tăng trưởng xanh và bền vững.
Do đó với sự góp mặt của các quỹ đầu tư nước ngoài, hướng đến tệp khách hàng là các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu, nên hiện nay nhiều công trình ĐMTMN đã ra đời. Các hệ thống ĐMTMN này sẽ bán điện trực tiếp cho các doanh nghiệp sản xuất với mục đích để sử dụng tại chỗ, mô hình này đã và đang đem lại lợi ích rất lớn cho doanh nghiệp.
Được biết rằng xanh hóa đang là mục tiêu mà các doanh nghiệp sản xuất đang hướng đến, tuy nhiên khái niệm “lắp điện mặt trời áp mái cho mô hình tự dùng” chưa rõ ràng nên doanh nghiệp vẫn còn ngại ngần, thưa ông?
Lựa chọn nguồn năng lượng mặt trời trong giai đoạn hiện nay là nguồn năng lượng sạch, thân thiện với môi trường; giúp giảm sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng hóa thạch (dầu mỏ, than đá...), giảm được chi phí trả cho lượng điện năng sử dụng hàng tháng. Bên cạnh việc chống nóng và giảm tiếng ồn cho nhà xưởng, sử dụng ĐMTMN còn giúp doanh nghiệp có thêm chứng chỉ xanh, tạo lợi thế xuất khẩu sang thị trường các nước phát triển trong bối cảnh phải giảm phát thải đang ngày càng được quan tâm mạnh mẽ từ phía bạn hàng và các Chính phủ.
Tuy nhiên hiện nay vẫn chưa có hành lang pháp lý và các hướng dẫn rõ ràng về quy định lắp đặt ĐMTMN cho nhu cầu tự dùng, cụ thể là Quy hoạch điện 8 với chính sách ưu tiên phát triển, không hạn chế công suất đối với loại hình này trên cả nước vẫn đang trong quá trình lấy ý kiến đóng góp của các bên liên quan. Vì vậy, những quy định liên quan về đấu nối với lưới điện hiện hữu (kể cả của EVN và của bên thứ 3 đầu tư hạ tầng lưới điện ở các KCN), phòng cháy chữa cháy, giấy phép xây dựng cho mô hình này chưa rõ ràng, nên nhiều doanh nghiệp sản xuất chưa dám đầu tư lắp đặt. Hầu hết các doanh nghiệp sản xuất đang chọn phương án mua điện từ các Quỹ đầu tư nước ngoài, đã phát triển hệ thống này ngay tại nhà xưởng và bán lại cho doanh nghiệp với tiêu chí an toàn, tiện lợi.
>>TP.HCM xin cơ chế đặc thù đầu tư điện mặt trời mái nhà: Giá FIT cần áp dụng linh hoạt hơn!
>>Doanh nghiệp mong cơ chế linh hoạt cho điện mặt trời mái nhà
Theo ông để thúc đẩy mục tiêu xanh hóa và giảm phát thải trong sản xuất đến các lĩnh vực, Việt Nam sẽ cần có những giải pháp nào?
Về hành lang pháp lý, tôi mong muốn Quy hoạch điện 8 cần sớm được ban hành; đặc biệt là mô hình ĐMTMN cần có các hướng dẫn chi tiết cho doanh nghiệp, cơ quan hành chính lắp đặt để tự sử dụng.
Cần sử dụng có hiệu quả và minh bạch các nguồn hỗ trợ từ nước ngoài cho việc phát triển tăng trưởng xanh, đơn cử như chương trình “Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (Just Energy Transition Partnership – JETP) có gói hỗ trợ lên tới 15,5 tỷ USD giúp Việt Nam chuyển dịch năng lượng”.
Đây là hoạt động hỗ trợ sự phát triển ít phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu cũng như giúp Việt Nam đẩy nhanh quá trình chuyển dịch công bằng và khử carbon trong lĩnh vực năng lượng.
Bên cạnh hành lang pháp lý và nguồn tài chính từ bên ngoài, để hướng đến tất cả các ngành sản xuất của Việt Nam có thể nhanh chóng tiếp cận được lợi ích từ hệ thống ĐMTMN, cần có các gói tín dụng đặc thù với nguồn vốn vay và lãi suất phù hợp.
Mặt khác cần có chính sách rõ ràng để hướng đến mục tiêu xây dựng các doanh nghiệp ngành năng lượng xanh, phát triển bền vững thay vì hiện tượng phát triển nóng, mang tính ngắn hạn (có phần chộp giật) trong vài năm vừa qua. Thực hiện điều này cần có cơ chế giám sát/đo lường, chế tài khuyến khích, thưởng/phạt rõ ràng các doanh nghiệp phát triển năng lượng tái tạo để đảm bảo sự phát triển đồng bộ, công bằng và bền vững.
Ngoài ra vai trò của cơ quan quản lý, các cơ quan đồng hành với doanh nghiệp cần thực hiện những mục tiêu nào, thưa ông?
Bên cạnh những điều chỉnh, hoàn thiện về hành lanh pháp lý thì các cơ quan đồng hành cùng doanh nghiệp cần tuyên truyền, tổ chức thường xuyên các buổi hội thảo, triển lãm theo nhóm ngành nghề, theo địa phương để nâng cao nhận thức của các chủ doanh nghiệp. Bởi hiện vẫn còn một bộ phận các doanh nghiệp chưa hiểu rõ về vai trò và ý nghĩa của năng lượng xanh trong sản xuất, với các điều kiện thị trường hiện nay, giá thành điện từ năng lượng xanh đã thấp hơn giá thành mua từ EVN nên việc này là một lợi ích lớn, liên quan đến chi phí điều hành doanh nghiệp. Do đó khó khăn lớn nhất là hành lang pháp lý chưa được rõ ràng và minh bạch để doanh nghiệp yên tâm đầu tư lắp đặt.
Trước những yêu cầu bắt buộc của các ngành hàng xuất, và những bất cập trên, tôi tin rằng sau khi quy hoạch điện 8 được phê duyệt và các hướng dẫn liên quan được ban hành, sẽ có nhiều doanh nghiệp nhanh chóng sử dụng năng lượng xanh trong sản xuất, mục tiêu giảm phát thải ròng về “0” vào năm 2050 sẽ sớm từng bước hiện thực hóa.
Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp mong cơ chế linh hoạt cho điện mặt trời mái nhà
04:30, 11/12/2022
TP.HCM khó phát triển điện mặt trời mái nhà
03:00, 25/11/2022
Tín chỉ RECs vẫn có được từ các hệ thống điện mặt trời mái nhà
10:17, 27/03/2023
Thúc đẩy chính sách “xanh hóa” cho doanh nghiệp dệt may
00:00, 27/03/2023
Điện mặt trời mái nhà: Giúp doanh nghiệp sớm đạt mục tiêu "xanh hóa"
07:09, 29/04/2023